Khám bệnh ở... cửa hàng bán thuốc

15/10/2014 09:55 GMT+7

Ở Hà Nội không khó để “điều trị bệnh” khi có rất nhiều cửa hàng bán thuốc mà người bán hàng sẽ kiêm luôn vai trò của bác sĩ.

 Khám bệnh… ở cửa hàng bán thuốc
Bệnh nhân chỉ cần kể bệnh là được bán thuốc không cần đơn của bác sĩ - Ảnh: Ngọc Thắng

Người bán thuốc tự kê đơn

Tìm đến nhà thuốc tư nhân ở ngõ 175, đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, anh Trần Minh Quang, 24 tuổi trình bày với người đang mặc áo bluse trắng các triệu chứng anh đang gặp phải: đau cổ họng, ho dai dẳng 5 ngày, thường sốt vào các buổi chiều... Cô gái mặc áo trắng chọn một hồi, rất nhiều loại thuốc trong tủ kính, rồi chia đều vào các túi nilon kèm theo lời chỉ dẫn uống sau các bữa ăn. Anh Quang uống hết 3 ngày thuốc, ho vẫn không dứt, người bải hoải, không muốn ăn, lúc nào cũng chỉ muốn ngủ, có thể ngủ một ngày 12-14 tiếng. Lúc này, anh Quang mới tìm đến bệnh viện để khám bệnh.

Sau khi chụp X-quang phổi và xét nghiệm, anh Quang được chuẩn đoán có triệu chứng của viêm phổi. Sau khi uống thuốc của bác sĩ kê đơn thì đến ngày thứ 2, bệnh của anh đã thuyên giảm. Bác sĩ nhìn túi thuốc do anh Quang tự mua thốt lên: “Toàn là kháng sinh liều cao. Nếu tiếp tục uống, anh sẽ bị đau dạ dày, suy nhược cơ thể trầm trọng”.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thi, 72 tuổi, ngõ An Trạch, phường Quốc Tử Giám kể: “Tôi nói hay bị đau đầu, chóng mặt, ra hiệu mua thuốc được bán cho một túi thuốc to, mất 175.000 đồng nhưng uống chỉ thấy no bụng mà không thấy bệnh tình thuyên giảm. Mang ra bệnh viện, bác sĩ bảo toàn thuốc bổ và thuốc giảm đau”.

Điều đáng nói là tình trạng bệnh nhân không đến khám ở bệnh viện mà tự động đi mua thuốc về uống đã trở thành phổ biến và không ít trường hợp tai biến đã xảy ra khi dùng thuốc không đúng bệnh. 

Khó ngăn chặn?

Theo ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội thì trình trạng không mở sổ sách theo dõi hoạt động mua bán thuốc, kinh doanh thuốc khi chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, dược sĩ vắng mặt khi nhà thuốc hoạt động là các lỗi thường gặp tại các nhà thuốc. Ông Cường cho biết: Thanh tra Sở từng phát hiện các nhà thuốc không đủ điều kiện bảo quản thuốc, không có hồ sơ của nhân viên bán hàng. Trong 10 tháng đầu năm 2013, đã thanh tra 1.509 cơ sở dược, trong đó 289 cơ sở vi phạm và bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 1,46 tỉ đồng. Trao đổi về giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Cường cho biết, sẽ tiếp tục thanh tra các cơ sở bán lẻ thuốc, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc, mỹ phẩm.

Tuy nhiên, ông Cường cũng chia sẻ: “Khá khó khăn để ngăn chặn tình trạng vừa bán thuốc, vừa kê đơn. Vì vậy, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe của mình là đi khám và lấy đơn của thầy thuốc để sử dụng thuốc an toàn hợp lý”.

Bác sĩ Bùi Văn Khánh, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo: Việc dễ dàng tự mua thuốc điều trị có thể gây đến các tai biến nguy hiểm. Nhiều trường hợp dị ứng thuốc, phản ứng phụ của thuốc do tự mua thuốc hoặc mua thuốc theo “đơn” của người bán thuốc. Ngay cả thuốc bôi ngoài da cũng có thể gây dị ứng hoặc các phản ứng phụ không mong muốn. Có một số thuốc không phải kê đơn nhưng trước khi dùng thuốc vẫn cần đi khám để được bác sĩ cho biết chính xác tình trạng bệnh tật, sức khỏe và có cần phải uống thuốc hay không.

Bác sĩ Khánh nhấn mạnh, tình trạng bán thuốc không theo đơn cần được kiểm soát; người có bệnh cũng cần chủ động đi khám bác sĩ trước khi đến hiệu thuốc. Cần đi khám để được kê đơn chính xác theo diễn biến bệnh chứ không được dùng lại đơn cũ.

Thúy Hằng - Liên Châu

>> Bác sĩ bán thuốc tăng cân 'thần tốc' cho trẻ
>> Đề nghị truy tố đối tượng buôn bán thuốc Viagra giả
>> Ba người mua bán thuốc nổ trái phép lãnh án
>> Cấm bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi
>> Nhà thuốc bệnh viện bán thuốc hết hạn  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.