Cẩn thận với sốt xuất huyết diễn tiến nặng ở trẻ

11/10/2014 09:55 GMT+7

(TNO) Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng và có thể diễn tiến nặng ở trẻ nếu phụ huynh không cẩn thận đề phòng.

 


Trẻ mắc SXH nặng được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 - Ảnh: Nguyên Mi

Cứu sống bệnh nhi SXH nặng

Hôm nay (11.10), Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị, cứu sống trường hợp sốc SXH nặng đã tổn thương gan và kèm theo suy hô hấp nghiêm trọng.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, các biểu hiện bệnh SXH phụ huynh phải chú ý để đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày; có một trong các dấu hiệu như quấy khóc, bứt rứt, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen, tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...
 
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng Khoa Hồi sức và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết bệnh nhi N.V.T. (5 tuổi, ngụ tỉnh Long An) được chuyển từ bệnh viện địa phương đến Bệnh viện Nhi đồng 1 với chẩn đoán sốc SXH nặng, suy hô hấp nặng.

Trước khi nhập viện, bệnh nhi đã sốt cao liên tục 3 ngày. Đến ngày thứ 4 thì bé đau bụng, ói ra máu lợn cợn nâu, tay chân lạnh. Vì vậy, gia đình mới đưa bé nhập viện. Tại bệnh viện địa phương, bệnh nhi được truyền dịch chống sốc nhưng vẫn bị sốc kéo dài, khó thở, bụng phình căng. Kết quả xét nghiệm cho thấy bé đã tổn thương gan nặng.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bé T. được chẩn đoán sốc SXH nặng ngày 4 kèm suy hô hấp nặng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan. Các bác sĩ đã điều trị tích cực với sự hỗ trợ của các phương tiện hiện đại qua hơn một tuần để cứu sống bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của bé T. đã ổn định.

Bệnh SXH gia tăng

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, bệnh SXH đang tăng theo mùa và có sự tập trung ca bệnh ở một số địa phương. Từ đầu năm đến nay, tại TP.HCM có tổng số 5.842 trường hợp SXH nhập viện điều tri. Trong đó, bốn tuần gần đây nhất, trung bình có khoảng 200 ca SXH nhập viện mỗi tuần.

Các ca bệnh tại TP.HCM tập trung nhiều ở các quận 7, Bình Tân, Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân: giữ vệ sinh nơi ở và nơi làm việc sạch sẽ, không có chổ để cho muỗi sinh sống và phát triển.

Nếu trong gia đình có người bị bệnh hoặc nghi ngờ bị bệnh thì phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc, điều trị và phòng ngừa lây lan cho người xung quanh.

Ngoài ra, khi phát hiện trong khu dân cư, trong cơ quan làm việc hoặc những người sống gần mắc bệnh SXH, người dân cần chủ động cung cấp thông tin cho cơ sở y tế địa phương (trạm y tế xã, phường) để được can thiệp và hướng dẫn các biện pháp phòng chống lây lan hiệu quả và kịp thời.

Bác sĩ Tiến khuyến cáo, thời điểm này đang vào mùa dịch SXH nên phụ huynh và nhân viên y tế địa phương không nên chủ quan. “Phụ huynh phải đưa trẻ vào bệnh viện ngay nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày và có một trong các dấu hiệu sau: quấy khóc, bứt rứt, đau bụng; chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen; tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...”, bác sĩ Tiến lưu ý.

Nguyên Mi

>> TP.HCM gia tăng bệnh sốt xuất huyết
>> Thả muỗi kháng sốt xuất huyết ra môi trường
>> Có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần
>> Xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết mới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.