Ứng dụng của phát minh đoạt Nobel Vật lý 2014 trong đời sống

08/10/2014 18:00 GMT+7

(TNO) “Công nghệ này (đèn LED) có khả năng cung cấp ánh sáng cho những nước không có lưới điện. Đây thực sự là cuộc cách mạng trong công nghệ ánh sáng. Chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn đèn LED mà thôi”, nhà vật lý Anne L’Huillier, thành viên Ủy ban Nobel, nói.


Đèn LED có thể chiếu sáng 100.000 giờ, lâu hơn rất nhiều so với 10.000 giờ của đèn huỳnh quang và 1.000 giờ của bóng đèn tròn - Ảnh: AFP

Hai nhà khoa học Nhật, gồm Isamu Akasaki và Hiroshi Amano, cùng nhà khoa học Mỹ gốc Nhật Shuji Nakamura đã cùng đoạt được giải thưởng danh giá nhờ phát triển được đèn LED màu xanh dương, thứ còn thiếu để cho phép các hãng sản xuất làm ra đèn LED màu trắng, Reuters nhận định.

Đèn LED trắng đang làm thay đổi cách thắp sáng nhà cửa và nơi làm việc trên toàn thế giới, với vai trò như thiết bị thay thế tiết kiệm năng lượng và có thời gian sử dùng kéo dài hơn so với đèn tròn do Joseph Swan và Thomas Edison phát minh ra hồi cuối thế kỷ 19, theo hãng tin Anh.

“Đèn LED đỏ và xanh lá đã hiện hữu từ rất lâu, nhưng đèn màu xanh dương thì không có. Nhờ có đèn LED xanh dương, giờ đây chúng ta có thể có những nguồn ánh sáng trắng tiêu thụ rất ít năng lượng và có tuổi thọ rất dài”, ông Per Delsing, một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nhận định.

“Bóng đèn tròn huỳnh quang đã thắp sáng thế kỷ 20, còn thế kỷ 21 sẽ được thắp sáng bởi đèn LED”, viện hàn lâm này bình luận trong thông cáo báo chí về giải thưởng Nobel Vật lý 2014 công bố hôm 7.10.

Tiết kiệm điện năng cực kỳ


Một người đàn ông chụp hình các ngọn đèn LED màu trắng và màu xanh dương được dùng làm như vật trang trí nhân dịp Giáng Sinh tại Tokyo hồi năm 2009 - Ảnh: Reuters

Ông Frances Saunders, chủ tịch Viện Vật lý Anh, cho biết việc chuyển sang dùng đèn LED giúp tiết kiệm đáng kể năng lượng.

“Trong khi 20% điện năng thế giới được dùng cho việc thắp sáng, thì các tính toán cho thấy tỉ lệ này có thể giảm còn 4% nếu dùng đèn LED một cách hiệu quả nhất”, và “nghiên cứu của Akasaki, Amano và Nakamura khiến điều này có thể xảy”, ông Saunders cho biết.

Ngoài chức năng thắp sáng cho nhà cửa, đèn LED hiện đang làm biến đổi bóng đèn dùng trong xe hơi, cũng như được dùng như một nguồn sáng cho màn hình smartphone và máy vi tính, theo Reuters.

Nhiều nhà nghiên cứu cũng đang tìm cách tối ưu thêm lợi ích từ việc sử dụng đèn LED, ngoài chức năng thắp sáng, theo tờ Daily Mail (Anh). Chẳng hạn như Trường Đại học Manchester (Anh) đang lên kế hoạch tạo ra các thiết bị đèn LED tí hon để cấy vào bệnh nhân ung thư đang được chữa trị bằng tia X.

“Nếu bệnh nhân di chuyển khi tia X đang chiếu vào khối u của họ, thì các mô lành lặn trong cơ thể họ có nguy cơ bị tổn thương. Đèn LED gắn vào một thiết bị cảm biến sẽ giúp phát hiện chuyển động tại nơi có khối u”, ông Colin Humphreys thuộc Trường Đại học Cambridge giải thích.

Ngoài ra, đèn LED tia cực tím, cũng được phát triển từ đèn LED xanh dương, có tác dụng giúp khử trùng nước bị ô nhiễm.

Thân thiện với môi trường


Ông Shuji Nakamura, một trong 3 nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2014, đang nói về một tia laser trong phòng thí nghiệm ở Trường Đại học California Santa Barbara sau khi giành được giải thưởng danh giá - Ảnh: Reuters

Do gần 1/4 lượng tiêu thụ điện năng trên thế giới được dùng cho việc thắp sáng, nên chính phủ các nước đang đẩy mạnh chuyển sang đèn LED để giảm khí thải từ các loại nhiên liệu hóa thạch. Và vì chúng tiêu thụ điện năng rất ít, đèn LED có thể cho kết nối với các nguồn năng lượng mặt trời giá rẻ và có sẵn tại chỗ - một lợi ích lớn cho hơn 1,5 tỉ người đang thiếu điện sinh hoạt trên thế giới, AFP nhận định.

“Công nghệ này (đèn LED) có khả năng cung cấp ánh sáng cho những nước không có lưới điện. Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong công nghệ ánh sáng. Nó sẽ thay thế đèn tròn và đèn huỳnh quang. Chẳng bao lâu nữa sẽ chỉ còn đèn LED mà thôi”, nhà vật lý Anne L’Huillier, thành viên Ủy ban Nobel, cho hay.

Hoàng Uy

>> Người Nhật toàn thắng ở giải Nobel Vật lý 2014
>> Nobel Vật lý 2014: Ánh sáng mới soi sáng thế giới
>> Nobel Vật lý 2014 thuộc về ba nhà khoa học Nhật, Mỹ
>> Giải Nobel qua những con số  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.