Phát huy năng lực tự học

23/09/2014 03:00 GMT+7

Tự học là một năng lực vô cùng quan trọng của mỗi người. Theo khảo sát của Báo Thanh Niên thì năng lực này khó hình thành ở các lớp học thêm. Vậy, tại sao phải tự học và làm thế nào để hình thành và rèn luyện năng lực tự học cho học sinh phổ thông?

Tự học là một năng lực vô cùng quan trọng của mỗi người. Theo khảo sát của Báo Thanh Niên thì năng lực này khó hình thành ở các lớp học thêm. Vậy, tại sao phải tự học và làm thế nào để hình thành và rèn luyện năng lực tự học cho học sinh phổ thông?

Sáng tạo là một vấn đề quan trọng của đổi mới phương pháp giảng dạy và giáo dục. Từ đó, người ta đặt ra vấn đề giải phóng tiềm năng sáng tạo cho mỗi người ở bất kỳ xã hội nào, thế hệ nào. Đây là một tư tưởng đầy nhân văn và dân chủ. Với tư tưởng này, lối giáo dục mang tính giáo điều, nhồi nhét, áp đặt sẽ không giữ vị trí độc quyền vì nó không đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Trong mối tương quan như vậy, đổi mới phương pháp giáo dục nói chung và đổi mới phương pháp dạy học nói riêng thực sự có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Dạy học không chỉ đơn thuần là thông báo kiến thức đến học sinh mà cái quan trọng nhất là dạy cách tự học để học sinh không chỉ học tốt  mà còn chuẩn bị một tâm thế để "học suốt đời" sau này.

Xuất phát từ tư tưởng trên, trong nhiều thập niên gần đây, ở các nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Đức... đã có những cuộc lên án về lối dạy học giáo điều, nhồi nhét và đề xuất một lý thuyết tiên phong trong giáo dục, đó là lý thuyết "Hướng vào học sinh". Triết lý cơ bản của lý thuyết này là lấy người học và quá trình học tập là trung tâm của mọi hoạt động giáo dục.

Ở VN, quan điểm dạy học lấy học sinh làm trung tâm cũng được đề cập hàng chục năm nay và đã có những tiến bộ, song vẫn chưa thực sự trở thành tư tưởng dạy học của mỗi giáo viên. Trong xã hội, quá khứ cũng như hiện tại có nhiều tấm gương tự học để thành tài. Ở các nước, các nhà khoa học, các nhà văn, nhà thơ, chính trị, kỹ thuật... nổi tiếng đã để lại cho nhân loại kho tàng tri thức vô giá, có được thành quả như vậy chính là nhờ vào tự học.

Như kết quả khảo sát của Báo Thanh Niên về dạy thêm và học thêm đối với học sinh tiểu học thì những năng lực như tự học, sáng tạo, đặt và giải quyết vấn đề không được phát triển từ các lớp học thêm, vì các lớp học thêm chỉ tập trung chủ yếu vào năng lực giải bài tập, năng lực làm bài thi.

Để hình thành năng lực tự học cho học sinh, cần có một số giải pháp sau: Đổi mới phương pháp giảng dạy, không chỉ dạy kiến thức mà tập trung dạy cách học, phương pháp học tập, phương pháp tự học. Học sinh phải được học thông qua hoạt động, vui chơi và tăng cường học từ thực tế, từ thực tiễn, tập làm các nhà khoa học nhỏ... Khuyến khích và khơi gợi học sinh tự tìm hiểu, tự khám phá kiến thức thông qua các phương pháp dạy học tích cực như học theo dự án, nêu vấn đề, theo tình huống... Ngoài ra, việc học thêm của học sinh là một nhu cầu thực sự của phụ huynh, do đó khó có thể cấm được. Vì vậy, thầy cô có dạy thêm cũng không quá chú trọng vào cung cấp kiến thức, mà phải chú ý phát triển năng lực cho các em, trong đó có năng lực tự học, hướng dẫn học sinh tự học. Đặc biệt là phụ huynh, cần thay đổi quan điểm là hình thành năng lực cho con em mình quan trọng hơn là "nạp" vào đầu con trẻ càng nhiều kiến thức càng tốt.

Th.S Hồ Sỹ Anh
Viện Nghiên cứu giáo dục - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.