7 người chết vì sạt lở đất: Lạng Sơn thừa nhận có trách nhiệm

17/09/2014 20:53 GMT+7

(TNO) Trong báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ chiều nay 17.9, ông Lý Quang Vinh, Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn thừa nhận lực lượng chức năng còn để sót, chưa di dời triệt để các hộ dân tại vị trí nguy hiểm trong cơn bão số 3 .

>> Mưa bão số 3 làm 10 người chết, 9 người bị thương
>> Bão số 3 'quật ngã' tháp truyền hình 35 mét
>> Gần 290.000 người chịu cảnh mất điện do bão số 3
>> Bão số 3 suy yếu thành vùng áp thấp
>> Bão số 3 sắp đổ bộ vào Quảng Ninh
>> Vietjet hủy nhiều chuyến bay do bão số 3
>> Quân chủng Hải quân điều đặc công, xe lội nước phòng chống bão số 3
>> Bão số 3 tấn công các đảo ven bờ Quảng Ninh

 sạt lở đất Lạng Sơn
Lạng Sơn là địa phương có nhiều người chết và bị thương do ảnh hưởng bão Kalmaegi nhất - Ảnh: Bình Minh

Lúc 1 giờ 15 phút sáng nay tại khu vực bến xe Xuân Cương, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn đã xảy ra sạt lở đất, làm 6 người chết tại chỗ, 5 người bị thương. Qua xác minh, số người này đều là lao động tự do của Công ty TNHH Xuân Cương ở khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.

Trong số 6 nạn nhân tử vong, có 4 người của tỉnh Lạng Sơn là Dương Công Nhạt (46 tuổi), Dương Công Báo (34 tuổi), Dương Công Oai (21 tuổi), Hoàng Doãn Đô (37 tuổi) đều trú tại xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn và 2 người ở Bắc Kạn: Hoàng Văn Đô (22 tuổi) và Hoàng Văn Đồng (20 tuổi) trú tại xã Nà Kha, huyện Na Rì.

Một vụ lở đất khác cũng xảy ra tại thôn Thâm Mò, xã Phú Xá, huyện Cao Lộc lúc 3 giờ sáng cùng ngày làm 1 cháu bé 5 tháng tuổi chết, mẹ cháu bé là chị Lâm Thị Ngọc, 31 tuổi bị thương.

 sạt lở đất ở Lạng Sơn
Những gì còn sót lại của số lao động tự do xấu số - Ảnh: Bình Minh

Ông Vinh thừa nhận “lực lượng chức năng còn để sót, chưa di dời triệt để các hộ dân tại vị trí nguy hiểm. UBND tỉnh sẽ tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm nghiêm túc”.

Cũng theo ông Vinh, mỗi nạn nhân tử vong được UBND tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ 5,4 triệu đồng, UBND huyện Cao Lộc 2 triệu đồng, Công ty TNHH Xuân Cương 5 triệu đồng.

Trao đổi với Thanh Niên Online, bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đồng thời là Phó ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lạng Sơn cho hay, đã nhiều lần lập biên bản bắt di dời, thậm chí lập biên bản cưỡng chế nhưng người dân không đi. Tuy nhiên, lý do vì sao không cương quyết cưỡng chế để xảy ra hậu quả lớn, chết nhiều người thì bà Nhàn không trả lời.

Ông Triệu Văn Quân, Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, Lạng Sơn cũng từ chối trả lời các câu hỏi liên quan đến trách nhiệm của chính quyền địa phương khi không cương quyết di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm.

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.