Văn hóa giao thông: Thanh niên tình nguyện bị lăng mạ khi chỉ dẫn giao thông

08/09/2014 07:00 GMT+7

Người tham gia giao thông bất tuân hiệu lệnh, cố tình vượt đèn đỏ rồi quay lại lăng mạ, xúc phạm, thậm chí đe dọa hành hung... là những tình huống mà các thành viên Đội phản ứng nhanh về giao thông tại Hà Nội thường gặp khi làm nhiệm vụ hướng dẫn giao thông.


Nhiều người đi đường bất tuân hiệu lệnh của thanh niên tình nguyện - Ảnh Thành đoàn Hà Nội cung cấp

Đội phản ứng nhanh về giao thông là mô hình ra đời theo sáng kiến của Thành đoàn Hà Nội và Phòng CSGT TP.Hà Nội nhằm phát huy tinh thần tình nguyện, xung kích của thanh niên trong giải tỏa các điểm đen về ùn tắc, lập lại an toàn trật tự giao thông địa bàn thủ đô.

Ra quân từ tháng 3.2014, Đội đang có gần 200 thành viên, thường xuyên ứng trực ở 30 điểm nóng về ùn tắc trong giờ cao điểm. Nếu so với các mô hình đã có trước đây, Đội phản ứng nhanh về giao thông được đầu tư bài bản từ tuyển chọn nhân sự đến đào tạo tập huấn kỹ năng do CSGT trực tiếp đứng lớp. Đội viên có đồng phục, phù hiệu riêng. Nhưng thực tế làm nhiệm vụ, các đội viên thường gặp những tình huống dở khóc dở cười do hành vi thiếu ý thức, thiếu văn hóa của người tham gia giao thông.

Trần Bút Sơn, làm nhiệm vụ trực chốt ở ngã tư Trường Trinh - Tôn Thất Tùng được 3 tháng, phản ánh: Hành vi phổ biến nhất thường gặp của người tham gia giao thông là bất tuân hiệu lệnh người điều khiển giao thông.

“Không ít lần, chúng em ra hiệu dừng xe ở các ngã tư nhưng nhiều người vẫn cố tình lạng lách, gây rối hoặc ách tắc giao thông; không có ý thức chấp hành hiệu lệnh từ đội viên, thậm chí nhiều người còn không có ý định giảm ga xe khi có hiệu lệnh, khiến các đội viên phải tránh né nhanh kẻo bị đâm”, Sơn kể.

Ngoài ra, theo Sơn, hành vi khá phổ biến của người tham gia giao thông là vượt đèn đỏ, thậm chí có trường hợp còn “đánh võng” ngay trước mặt các đội viên, rồi ngoảnh lại văng tục.

“Qua mỗi lần họp đội hàng tháng, những hành vi kể trên cũng thường bắt gặp ở nhiều cung đường khác có các đội viên tình nguyện tham gia chốt chặn. Mọi người luôn phải nhắc nhở nhau phải hết sức kiềm chế, vì tâm trạng ức chế bị dồn nén, nếu không giữ được bình tĩnh dễ có những hành động không hay”, Sơn nói.

Còn theo lời kể của Lê Công Vịnh, Đội phản ứng nhanh về giao thông quận Thanh Xuân, cách đây 2 tháng, trong lúc làm nhiệm vụ tại ngã ba Khương Thượng giao cắt với đường Nguyễn Trãi dẫn lên cầu vượt Ngã Tư Sở, Vịnh phát hiện chiếc ô tô cố tình cắt ngang để lên cầu nên đã ra hiệu xe di chuyển đi thẳng để không gây ách tắc.

Đáp lại, người đàn ông ngồi xe hống hách lăng mạ Vịnh bằng đủ thứ ngôn từ vô văn hóa, thậm chí còn dọa đánh, nếu không để cho xe lên cầu. Đến khi CSGT đến can thiệp và xử lý vi phạm, Vịnh mới thoát khỏi tình huống trên.

Theo đại úy Đặng Văn Trường, Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội), vấn đề trở ngại nằm ở chỗ “màu cờ sắc áo” và ý thức của người dân. Thực tế có tình trạng, cảnh sát giao thông thổi còi một lần thì người dân chấp hành còn Đội phản ứng nhanh có khi thổi còi vài ba lần, người đi đường vẫn cứ ào lên, hoặc bị đối tượng đầu xanh, đầu đỏ đe dọa, xúc phạm, khiến CSGT phải can thiệp, nhắc nhở.

“Trên thực tế, thành viên Đội phản ứng nhanh điều hành phân luồng chững chạc, thực sự là lực lượng chia lửa với CSGT ở nhiều điểm nóng. Cái khó nhất hiện nay là lực lượng CSGT trực chốt giờ cao điểm còn mỏng, chúng tôi đang đề xuất tăng thêm lực lượng để vừa điều tiết giao thông, vừa kiên quyết xử lý các hành vi cản trở, vi phạm; đồng thời tạo hành lang hỗ trợ, bảo vệ thanh niên tình nguyện làm nhiệm vụ phân luồng hướng dẫn giao thông”, trung úy Trường cho hay.

Phan Hậu

>> Thi tìm hiểu về an toàn giao thông
>> An toàn giao thông qua góc nhìn sinh viên
>> Văn hóa giao thông: Ám ảnh còi xe Hà Nội
>> Tuyên truyền văn hóa giao thông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.