Chiến dịch giải cứu nhà báo James Foley

22/08/2014 09:00 GMT+7

Lầu Năm Góc xác nhận từng cử biệt kích đến Syria trong nỗ lực giải cứu nhà báo James Foley cùng nhiều con tin khác.

Lầu Năm Góc xác nhận từng cử biệt kích đến Syria trong nỗ lực giải cứu nhà báo James Foley cùng nhiều con tin khác.

Trực thăng thuộc Trung đoàn không vận số 160 của Mỹ  - Ảnh: US Army
Trực thăng thuộc Trung đoàn không vận số 160 của Mỹ  - Ảnh: US Army 

Thông tin trên được giới chức quân sự Mỹ xác nhận sau vụ nhà báo James Foley bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) hành quyết tại Syria. Cụ thể, một nhóm biệt kích tinh nhuệ của quân đội đã bí mật xâm nhập lãnh thổ Syria hồi tháng 7 trong sứ mệnh đầy thách thức và nguy hiểm nhằm giải cứu các con tin nằm trong tay IS, bao gồm nhà báo nói trên.

Sứ mệnh bất thành

Theo Reuters, Lầu Năm Góc chính thức công bố vụ giải cứu bất thành vào ngày 20.8 sau khi chính quyền Tổng thống Barack Obama hứng chịu chất vấn dữ dội từ dư luận và giới chính khách rằng liệu Washington có làm đủ mọi cách để cứu lấy mạng sống của Foley hay không. Sứ mệnh giải cứu tập hợp hàng chục biệt kích đến từ mọi quân chủng của quân đội Mỹ, bao gồm lực lượng Delta Force và Trung đoàn không vận số 160.

Máy bay Mỹ đã tiến vào không phận Syria vào ban đêm, trong tình trạng phải đối mặt với các khẩu đội pháo phòng không mà theo các quan chức quân đội kỳ cựu là đặc biệt nguy hiểm đối với mọi phi công. Được biết, chiến dịch có sự tham gia của các trực thăng Black Hawk, chiến đấu cơ và máy bay không người lái có vũ trang, được triển khai nhằm yểm trợ lực lượng tập kích trên bộ. Tuy nhiên, chiến dịch do Tổng thống Obama phê chuẩn đã thất bại bởi không có con tin nào được tìm thấy tại địa điểm xác định trước đó, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức giấu tên tiết lộ nhóm đặc nhiệm đã đụng độ với lực lượng IS và bắn chết vài tay súng trong lúc rút lui. Vụ chạm súng khiến một phi công trực thăng Mỹ bị thương nhẹ. Quan chức này cho biết IS “không biết danh tính phía đã đụng độ với họ lúc đó và chúng tôi cho rằng chính quyền Syria cũng chẳng biết được thông tin” về vụ xâm nhập bí mật. Chính phủ Syria đã bác bỏ các thông tin về vụ đột kích. “Không có chuyện máy bay Mỹ tấn công cứ điểm của quân khủng bố ở Syria và điều đó sẽ không xảy ra mà không có sự đồng ý của chính phủ Syria”, hãng tin SANA dẫn lời Bộ trưởng Thông tin Syria Omran Zoabi.

Hậu quả khôn lường

Việc tiết lộ thông tin về sứ mệnh thất bại trên có thể khiến các chiến dịch giải cứu trong tương lai thêm phần khó khăn. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Caitlin Hayden cho biết chính quyền Mỹ không hề có ý định công bố thông tin song buộc phải làm thế vì một số tổ chức truyền thông đã nắm được và chuẩn bị đăng tải.

Vẫn chưa rõ các đặc nhiệm tinh nhuệ được lệnh giải cứu bao nhiêu người nhưng theo nguồn thạo tin, có ít nhất 4 người Mỹ đang nhằm trong tay IS, bao gồm nhà báo Steven Sotloff, con tin đã bị IS chỉ đích danh sẽ trở thành người bị hành quyết kế tiếp, trừ phi Mỹ chấm dứt chiến dịch không kích phe nổi dậy ở Iraq. Giống như nhà báo Foley, Sotloff cùng một người khác được cho là bị IS bắt cóc. Người thứ tư, phóng viên tự do Austin Tice, đã mất tích ở Syria vào tháng 8.2012 và có thể đang nằm trong tay lực lượng chính phủ ở Syria.

Đối với các tay súng IS, con tin người nước ngoài thật sự là món mồi ngon, có thể dùng để đàm phán để đòi hỏi các lợi ích, chẳng hạn như tiền chuộc. Ngoài công dân Mỹ, những con tin khác phần lớn thuộc về các nước phương Tây. Các nạn nhân thường là nhà báo, phóng viên ảnh hoặc nhân viên cứu trợ nhân đạo bị bắt ở Aleppo hoặc Idlib, sau đó bị chuyển đến Raqqa, sào huyệt của IS ở miền bắc Syria. Trong 6 tháng qua, ít nhất 10 con tin, trong đó có 1 người Đan Mạch, 3 người Pháp và 2 người Tây Ban Nha, đã được thả sau thời gian dài điều đình với bọn bắt cóc.

Trong trường hợp của Foley, vài ngày trước khi nạn nhân bị hành quyết, gia đình của anh đã nhận được một bức thư điện tử với nội dung đe dọa sẽ hành hình hết sức dã man con tin này, theo Giám đốc điều hành Philip Balboni của hãng GlobalPost, nơi Foley cộng tác. Còn tờ The New York Times dẫn lời đại diện của gia đình nạn nhân cho hay phía IS buộc Mỹ phải trả khoản tiền chuộc nhiều triệu USD để đổi lấy tự do của Foley nhưng bị từ chối.

Kẻ bịt mặt bí ẩn

Tờ The Guardian dẫn lời một cựu con tin cho hay tay súng bịt mặt trong đoạn băng hành quyết Foley tự xưng là “John”. Cũng theo tờ báo này, có vẻ như “John” là nhân vật chịu trách nhiệm đàm phán cho phía IS. Các nguồn tin cho hay hắn đã không ít lần đòi tiền chuộc khi liên lạc với gia đình của những con tin khác thông qua mạng Skype.

Chính quyền Anh ước tính phải có đến 500 công dân nước này đã đến Syria và Iraq để gia nhập IS và các tổ chức vũ trang khác kể từ khi cuộc nội chiến tại Syria nổ ra vào năm 2011. Các quan chức tình báo Anh cũng cho rằng nhóm người trên đã được huấn luyện để trở thành các tay súng nguy hiểm, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đánh bom tự sát và thậm chí hành quyết con tin.

Theo tờ Telegraph, khoảng phân nửa trong số 500 người nói trên đã quay về Anh.

Thụy Miên

>> Phóng viên Mỹ bị ISIL hành quyết tại Syria
>> ISIL chặt đầu nhà báo Mỹ
>> ISIL dọa trả thù Mỹ
>> ISIL dọa dìm nước Mỹ trong máu
>> Mỹ điều tra vụ ảnh chụp cờ ISIL trước Nhà Trắng
>> ISIL thảm sát người Yazidi
>> Bin Laden cũng kinh sợ ISIL

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.