Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey: Mỹ không buộc VN phải chọn phe

17/08/2014 02:00 GMT+7

Một VN mạnh mẽ và độc lập là điểm mấu chốt để giải quyết tranh chấp biển Đông và Mỹ luôn nỗ lực đóng vai trò hòa giải trong khu vực.


Đại tướng Martin Dempsey duyệt đội quân danh dự trong lễ đón tại trụ sở Bộ Quốc phòng VN ngày 14.8 -Ảnh: Reuters 

Ngày 16.8 tại TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, đại tướng Martin Dempsey đã có cuộc tiếp xúc với báo giới trong và ngoài nước trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến thăm VN. Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về vai trò thực sự của Mỹ trong tranh chấp biển Đông, ông Dempsey khẳng định: “Mỹ luôn nỗ lực đóng vai trò như một bên hòa giải công tâm. Nhưng một khía cạnh cũng quan trọng không kém tôi muốn nêu ra ở đây là: Trong các cuộc tiếp xúc với những người đồng cấp của mình tại VN, tôi luôn khẳng định rằng chúng tôi không buộc VN phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Điều chúng tôi đang nỗ lực thực hiện là khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan và các tổ chức đa quốc gia nhằm mục đích bảo vệ và tuân thủ các nguyên tắc tự do hàng hải, mở cửa tiếp cận các thị trường và duy trì trật tự quốc tế. Theo quan điểm của tôi, một trong những điểm mấu chốt để giải quyết tranh chấp hiện nay tại biển Đông là một VN mạnh mẽ và độc lập”.

Hướng tới tương lai

Ông Dempsey nhấn mạnh: “Tôi đã không mời thượng tướng Đỗ Bá Tỵ (Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân VN) đến Washington chỉ để bàn về Trung Quốc và cũng không đến VN chỉ vì chủ đề đó. Tôi đến đây là để tập trung thảo luận về quan hệ quân sự giữa Mỹ và VN. Đương nhiên, cái bóng của chủ đề về Trung Quốc vẫn cứ thấp thoáng trong các cuộc đối thoại. Thế nhưng, tôi muốn nhấn mạnh hầu hết các chủ đề chúng tôi thảo luận là làm thế nào đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có đều có lợi ích liên quan như: an ninh biển, hỗ trợ nhân đạo và giảm thiểu thiên tai, gìn giữ hòa bình, tìm kiếm và cứu hộ”.

Đúc kết về chuyến thăm VN của mình, ông Dempsey nói: “Tôi đã tiếp xúc từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho đến một thuyền trưởng trẻ ở Đà Nẵng để có cái nhìn rộng hơn về tất cả các vấn đề. Tôi đã nói với người đồng cấp VN của mình là cách đây 44 năm (năm 1970, thời ông Dempsey bắt đầu học tại Trường võ bị West Point - NV), tôi không thể nào hình dung được ngày hôm nay tôi lại có mặt tại đây, và có những cuộc đối thoại với những chủ đề hoàn toàn khác so với thời chiến. Thử thách hiện nay của chúng ta là hình dung về 45 năm tiếp theo quan hệ của hai nước sẽ như thế nào, nhưng chúng ta buộc phải hình dung về nó”.

“Tái cân bằng” để tránh bất ổn

Trả lời câu hỏi của các báo The New York Times, USA Today, Người Lao Động về thời điểm cụ thể khi nào Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN, tướng Dempsey cho biết: “Đang ngày càng có một sự đồng thuận trong chính trường Mỹ - từ chính quyền cho đến các tổ chức phi chính phủ - về việc VN đang ngày càng có những tiến bộ mà từ đó có thể dẫn đến việc dỡ bỏ lệnh cấm từ Washington. Trong tương lai gần, sẽ có thảo luận về việc có dỡ bỏ lệnh cấm này hay không”. Ông Dempsey nói tiếp: “Đứng về góc nhìn quân sự, tôi cho rằng nếu lệnh cấm này được dỡ bỏ, chúng tôi sẽ bắt đầu với việc cung cấp những khí tài nâng cao năng lực của Hải quân VN trong lĩnh vực hàng hải, lĩnh vực được hai nước quan tâm nhiều nhất hiện nay. Các loại khí tài chúng tôi cung cấp có thể sẽ đa dạng - từ những loại vũ khí mà Hải quân VN chưa được trang bị cho đến các loại vũ khí trong lĩnh vực tình báo, giám sát và trinh sát”.

Trả lời câu hỏi của Báo Tuổi Trẻ về phản ứng của Washington trước việc Trung Quốc bác bỏ đề nghị của Mỹ kêu gọi các bên có tranh chấp tại biển Đông tự nguyện ngừng các hành động gây hấn sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN diễn ra tại Myanmar hồi tuần rồi, ông Dempsey nói: “Quyết định không chấp nhận một đề xuất hợp lý như thế của Trung Quốc là một tín hiệu không may mắn cho khu vực và cả toàn cầu. Liên quan đến việc Mỹ sẽ phản ứng như thế nào, chúng tôi đều thống nhất rằng, trước những diễn biến mới nhất trên biển Đông, câu hỏi phù hợp là cả ASEAN sẽ phản ứng như thế nào, hay các quốc gia liên quan sẽ hợp lực có những phản ứng mạnh mẽ hơn như thế nào”.

Hãng tin AFP (Pháp) đặt vấn đề liệu rằng chính sách “tái cân bằng” của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương có ảnh hưởng đến các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông - cụ thể là việc hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN hồi đầu tháng 5.2014? Ông Dempsey nhận định: “Tôi và người đồng cấp từ Trung Quốc đã có tranh luận xung quanh vấn đề này trong các cuộc gặp tại Bắc Kinh lẫn Washington. Trung Quốc cho rằng họ đang có những hành động để phản ứng lại chính sách “tái cân bằng” của Mỹ tại khu vực. Và tôi đã bác bỏ điều này. Chúng tôi chỉ có những hành động để bảo vệ những nguyên tắc liên quan đến quyền lợi quốc gia của mình tại biển Đông. Thực tế là những quyền lợi nói trên sẽ ngày càng chịu áp lực khi mà cả thế giới đều tái cân bằng về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nếu các dự đoán chính xác thì vào năm 2050, thế giới sẽ có 9 tỉ người và 7 tỉ người trong số đó sẽ sinh sống giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ở đâu có con người, ở đó sẽ nảy sinh vấn đề. Do vậy, tôi tin rằng chính sự vắng mặt của Mỹ - chứ không phải hiện diện - mới là nhân tố gây bất ổn trong khu vực”.

“Biển Đông”

Trong suốt buổi họp báo kéo dài hơn 22 phút, tướng Dempsey đã 4 lần dùng chữ “East Sea” (tên tiếng Anh mà VN sử dụng để gọi biển Đông), thay vì tên gọi quốc tế thông dụng và được chính phủ Mỹ sử dụng từ trước đến nay là “South China Sea” (biển Nam Trung Hoa). Bình luận về việc này, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ nói trên nhận định đây là động thái “đáng lưu ý”. “Các bản đồ chính thức của Mỹ vẫn dùng South China Sea”, chuyên gia này nói. Còn Giáo sư Dennis C.McCornac (ĐH Loyola Maryland, Mỹ) nhận định với Thanh Niên việc ông Dempsey dùng tên gọi của VN cho biển Đông là cách ứng xử tinh tế và khéo léo khi đang thăm VN.

“Lệnh cấm lỗi thời”

Liên quan đến chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương, trung tướng Anup Singh, nguyên Tư lệnh Hải quân miền đông Ấn Độ, nói với Thanh Niên: “Đây là thời điểm không thể tốt hơn để Mỹ chứng minh cam kết của mình, Mỹ đang có cơ hội rất lớn để đóng vai trò dẫn dắt dư luận quốc tế. Washington đã nói đủ nhiều về cam kết của mình trong khu vực, đây là lúc để họ chứng minh”. Nhận định về chuyến thăm VN lần này của ông Dempsey, một chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ (đề nghị không nêu tên) nói với Thanh Niên: “Tướng Dempsey muốn triển khai hoàn chỉnh biên bản ghi nhớ năm 2011 giữa hai nước về cải thiện quan hệ quốc phòng và nâng cấp mối quan hệ này. Trong bối cảnh đó, lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN đã trở nên lỗi thời và vì vậy, nó cần được gỡ bỏ”.

An Điền

>> Đại tướng Martin Dempsey: Chúng ta buộc phải hình dung về quan hệ Mỹ - Việt 45 năm tới
>> Đại tướng Martin Dempsey họp báo tại TP.HCM
>> Đại tướng Martin Dempsey ấn tượng với tiến độ xử lý dioxin tại Đà Nẵng
>> Đại tướng của Hoa Kỳ Martin Dempsey: 'Chuyến thăm Việt Nam là một dấu mốc quan trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.