192 giờ sinh tồn sau tai nạn máy bay - Kỳ 5: Cơn khát và nỗi cô đơn

08/08/2014 03:00 GMT+7

Thay vì cứ thụ động chờ đợi ân phúc từ những cơn mưa, người phụ nữ trẻ mỏng manh bắt đầu buộc mình phải tự vượt qua từng cơn đau cả về thể chất lẫn tinh thần, chỉ để sinh tồn giữa rừng Ô Kha (tỉnh Khánh Hòa).


Tác giả Annette Herfkens hiện nay - Ảnh: nhân vật cung cấp 

Tôi choàng tỉnh trong “chỗ ở” mới. Không còn thi thể “hàng xóm” nào xung quanh. Dưới chân tôi khoảng ba mét không còn cảnh rừng trơ trọi vì máy bay rơi. Và rừng lại được là rừng. Chỗ tôi ngồi đây phải là khá cao trên núi. Nếu tự tôi leo lên đây bình thường thì phải vất vả lắm. Theo kế hoạch thì tôi còn phải đợi thêm 4 ngày nữa.

Bất chợt tôi nhận ra việc chỉ đơn thuần mình có mặt ở đây, sống sót và vẫn còn ý thức, đã quan trọng đến dường nào. Tâm trí tôi cùng lúc vừa hoang mang vừa quyết tâm. Nước! Phải rồi, tôi phải uống nước. Tôi cần nước. Tôi ngước nhìn phần cánh bị gãy của máy bay và nhận ra các thiết bị cách nhiệt đều được làm từ giấy hoặc bọt xốp. Tôi nảy ra một ý: có thể tận dụng các thiết bị cách nhiệt này như một vật xốp có thể hút nước! Phải rồi, tôi phải lấy cho được! Bằng cách nào đó, tôi buộc mình từ từ đứng dậy. Trên đôi chân gãy. Tôi với tay về cái cánh gãy. Hông tôi lại đau thấu xương. Không với nổi. Tôi tiến lại gần hơn, và thử lại lần nữa. Ngực đau như có ai đâm, nhưng tôi vẫn dùng hết sức bình sinh để chạm tới cái cánh. Cuối cùng thì tôi cũng chạm vào được các thiết bị cách nhiệt đó. Chộp lấy những mảnh nhỏ, tôi rải chúng xuống mặt đất, ngay bên cạnh chỗ tôi nằm. Cho là đã lấy đủ, tôi cố quay trở lại chỗ cũ của mình. Lần này thậm chí còn đau hơn. Khi nằm dài ra, tôi bắt đầu gom lại các mảnh xốp, nặn chúng thành 7 quả bóng nhỏ, xếp chúng ra đó, và lại chờ đợi. Đợi mưa. Khát, khát quá đi thôi. Tôi mệt kinh khủng. Chỉ cố gắng đứng trong vài phút mà bây giờ cơ thể tôi hầu như kiệt quệ. Tôi gục đầu ngủ.

Tôi lại thức giấc. Bởi vì trời mưa. Mưa như trút nước! Mưa lớn đến nỗi tôi phải giữ cái mũ trong áo choàng đi mưa của mình với cả hai tay để hứng nước, và uống ừng ực từng giọt. Ôi, ngon có khác gì rượu sâm banh! Tôi hoan hỷ nhìn từng quả bóng xốp đang thấm nước, và tự chúc mừng mình: Thành công rồi! Nhờ vậy mà mấy ngày tới tôi có thể lay lắt được đây!

...

Tôi nhìn vị trí của mặt trời. Mấy giờ rồi nhỉ? Không thể tin chắc về kiến thức hướng đạo sinh của mình, nhưng ít ra tôi nghĩ mình có thể biết được đã bao nhiêu tiếng trôi qua, đủ để tôi đáng được nhấm nháp một ngụm nước. Để xài tới quả bóng nhỏ bằng xốp kia. Ba tiếng một lần, tôi tự hứa với mình như vậy. Uống thôi. Tôi hút nước từ đó ra và nhấm nháp từng giọt. Hai hay ba tiếng trôi qua rồi, tôi nghĩ vậy. Tôi vắt nước từ một quả bóng khác. Chỉ là nước thôi mà sao lúc này mùi vị ngon tuyệt vời. Đáng để chờ đợi quá đi chứ!

Tôi nhìn xuống tay. Bàn tay ngọc ngà - phần duy nhất trên cơ thể mà tôi thực sự cảm thấy tự hào. Giờ đây nó đã trở thành đôi bàn tay khổng lồ. Chúng phù lên và sưng húp đến mức chiếc nhẫn của Pasje như đang cắt vào ngón tay tôi. Tôi nhìn kỹ lại đôi tay mình. Mấy con vắt khát máu đó vẫn đang tiếp tục tận hưởng. Chân tôi bây giờ cũng to lên gấp đôi. Trời đất! Tôi chỉ mang một chiếc giày. Mất chiếc còn lại khi nào vậy? Trên cái chân không giày đó bây giờ đầy vết thương. Móng chân thì tím đen lại. Tôi chờ đợi. Tôi tính thời gian và tiếp tục chờ đợi. Nhưng mình đã đợi quá lâu rồi mà! Thật là kiên nhẫn quá đi! Tôi tự cười mình, cười cái tình huống cực trớ trêu của mình. Bệnh sợ phòng kín và thiếu kiên nhẫn. Không đủ kiên nhẫn để làm bất cứ chuyện gì. Tôi nghĩ tới chuyện tắm nắng ở Madrid, nhớ về việc tôi chẳng bao giờ có thể tắm nắng trong nửa tiếng. Đối với tôi, 20 phút đã là quá lâu và tôi không thể làm gì khác ngoài việc đánh bài chuồn. Tôi chẳng bao giờ chờ cho đến lúc tóc mình được sấy khô mỗi khi đi cắt tóc với cô bạn Helen ở Jacques Desanges. Lâu lắm, không có kiên nhẫn chờ.

Vậy mà bây giờ tôi ở đây, để chịu số phận bi đát là chờ đợi và ở yên một chỗ. Thật kiên nhẫn.

Công việc mơ ước

Sau khi hoàn tất việc học hành, tôi và Pasje đến Amsterdam. Anh rể tôi giờ đã là thị trưởng thành phố này, còn chị gái tôi là nghị sĩ của The Hague. Vì công việc bận rộn, anh chị tôi không sống chung một nhà với nhau. Cũng như anh chị mình, tôi và Pasje quyết định không sống chung, mặc dù mối quan hệ của chúng tôi lúc này đã khắng khít lắm rồi.

Tôi kỳ vọng có một chân trong Ngân hàng ING. Cuối cùng cả tôi và Pasje đều được làm việc ở đó, cho dù là ở những bộ phận khác nhau. Theo thời gian, giai đoạn tập sự của chúng tôi càng lúc càng trở nên cạnh tranh gay gắt. Đã trải qua 2/3 chương trình, chúng tôi sắp được biết vị trí công tác ở nước ngoài đầu tiên của mình là ở đâu. Và mọi người ai cũng hối hả để sẵn sàng lên đường. Nơi được săn đón nhiều nhất là New York. Tôi - cũng như những người khác - đều nhận thức rất rõ là nếu tôi vượt qua chương trình này, tôi sẽ là nữ quản trị viên tập sự đầu tiên được một ngân hàng Hà Lan cử ra nước ngoài.

Tôi không tin mình xứng đáng. Nhưng thực tế thì tôi đã được đi New York.

Annette Herfkens
Người dịch: An Điền
FIRST NEWS - TRÍ VIỆT thực hiện và giữ bản quyền(dịch)

>> Tai nạn máy bay thảm khốc tại Ba Lan, 11 người chết
>> Lào bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Công an sau vụ tai nạn máy bay
>> Việt Nam gửi điện chia buồn vụ tai nạn máy bay quân sự Lào
>> Video: Hiện trường vụ tai nạn máy bay ở Lào
>> Tai nạn máy bay ở Lào, 49 người chết, trong đó có 2 người VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.