Người trong cuộc kể về chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam

03/08/2014 15:25 GMT+7

(TNO) 50 năm chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam, đến nay, người lính trên tàu 339 giờ đã 81 tuổi vẫn đi tìm người nữ dân quân cứu mạng mình sau trận đánh trên biển ngày 2.8.1964.

(TNO) Hội ngộ giữa Quân cảng Hạ Long, Lữ đoàn 170 tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh đêm 2.8, nghe những khúc ca về hải quân Việt Nam, về biển đảo tổ quốc, những người lính 50 năm trước tham gia chiến đấu anh dũng trong trận đánh đuổi tàu Ma đốc của Đế quốc Mỹ (2.8.1964) không khỏi bồi hồi rưng rưng.

>> Tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam
>> Hải quân tiếp nhận 2 tàu pháo tên lửa đầu tiên đóng mới tại VN
>> Bàn giao 2 tàu tên lửa hiện đại cho Quân chủng Hải quân

 Người lính 50 năm đi tìm nữ dân quân cứu mạng giữa biển Hòn Mê
Đại tá Nguyễn Xuân Bột (giữa) kể chuyện đánh tàu Ma đốc với Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật (bìa phải) - Ảnh: Thúy Hằng

Đại tá Nguyễn Xuân Bột, Nguyên thuyền trưởng tàu T333, nguyên Phân đội trưởng, Phân đội 3, Đoàn 135 kể lại những giây phút chiến thắng của tàu T333 ngày 2.8.1964:

Tối 2.8, sau khi chiến đấu với tàu Ma đốc của Mỹ, do hệ thống thông tin hư hỏng nên không liên lạc được trong biên đội, trời đã tối, T333 quay lại khu vực chiến đấu của tàu T336 và T339.

Tàu T333 tìm được T336 kéo về Sầm Sơn. T339 tự sửa máy chạy về Hòn Nẹ cứu chữa thương binh, mai táng liệt sĩ chạy về căn cứ Vạn Hoa.

Khoảng 22 giờ đêm 2.8, tàu T333 và T336 về đến Sầm Sơn. Tàu đưa thương binh đi cứu chữa, mai táng cho liệt sĩ, sửa chữa tàu, bổ sung vũ khí rồi tiếp tục cùng 2 tàu tuần tiễu tham gia đánh máy bay Mỹ.

14 giờ ngày 5.8, tại Lạch Trường, Thanh Hóa, 2 tàu này đã bắn hạ 2 máy bay Mỹ, góp phần bắn rơi 8 máy bay Mỹ và bắt sống tên giặc lái Anveret.

 Người lính 50 năm đi tìm nữ dân quân cứu mạng giữa biển Hòn Mê
Thả vòng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam tại biển Cửa Lục sáng 3.8.2014 - Ảnh: Thúy Hằng

Chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam trong tâm trí đại tá Hoàng Kim Nông, chiến sĩ hàng hải tàu 187, phân đội 7, căn cứ 2 Hải quân lại là những khoảnh khắc xúc động khác.

Ngày 5.8, 11 giờ 30, tàu 187 phát hiện khói ở khu vực Bến Thủy, anh em ngay lập tức vào vị trí chiến đấu, tàu của Mỹ nhao đi thoát thân, các chiến sĩ chặn đánh. Máy bay quay lại tấn công, ném bom, bắn rocket liên tục trong gần 2 giờ đồng hồ. Thuyền trưởng Lê Văn Tiếu vẫn hết sức bình tĩnh chỉ huy anh em....

1 quả bom phá mạn tàu, nhưng may tàu không chìm, nhiều chiến sĩ đã hy sinh. Riêng đại tá Hoàng Kim Nông bị pháo hất bắn về phía sau, tỉnh dậy thấy chân tay mình vẫn cử động được thì nhủ lòng, mình phải tiếp tục chiến đấu. Vị trí pháo số 24 bị thương, ông Nông chạy vào thay thế...

Tâm trí ông Nông vẫn chưa thể quên hình ảnh chiến sĩ Lê Văn Hải bị thương vào đầu, còn lại hơi sức cuối cùng, chiến sĩ Lê Văn Hải vẫn bảo anh em dựng mình lên, cho mình nhìn Tổ quốc giây phút cuối cùng, rồi tắt thở.

Thuyền trưởng Lê Văn Tiếu bị thương, một bên tay lủng lẳng, thuyền trưởng yêu cầu anh em cắt da tay đi để ông tiếp tục chiến đấu.

“Những hình ảnh anh em chiến sĩ quyết tử cho tổ quốc quyết sinh đó, không bao giờ tôi quên”, ông Nông rưng rưng.

Dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng

Nói về chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam ngày 2 và 5.8.1964, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy quân chủng Hải quân Việt Nam cho biết chiến thắng đã thay đổi tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Ta càng quyết tâm dám đánh, quyết đánh, đánh thắng.

Với Mỹ, sau trận thua này đã thêm hoang mang, hoảng sợ, dao động. Mỹ, chuyển từ thế chủ động sang thế bị động, ta giành thế chủ động trên mọi mặt trận.

 Người lính 50 năm đi tìm nữ dân quân cứu mạng giữa biển Hòn Mê
Cán bộ, chiến sĩ thắp hương tưởng niệm các chiến sĩ, nhân dân hy sinh cho chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam trên biển Cửa Lục - Ảnh: Thúy Hằng

Phát biểu trong lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong chiến thắng trận đầu của Hải quân Việt Nam sáng 3.8.2014 trên vùng biển Cửa Lục, Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy quân chủng Hải quân Việt Nam khẳng định cuộc chiến đấu ngày 2 và 5.8.1964 đã lùi xa 50 năm nhưng giá trị lịch sử của những bài học kinh nghiệm, cũng như những tấm gương chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam và quân dân miền Bắc vẫn luôn sống mãi với thời gian, là niềm tự hào của các thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

“Máu xương của các đồng chí đổ xuống cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã góp phần làm cho biển đảo Tổ quốc ngày càng giàu đẹp hơn, tinh thần “dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng” của chiến thắng trận đầu ngày càng thấm sâu, lan tỏa, trở thành điểm tựa tinh thần vô giá, sự tiếp nối, vươn dài những chiến công vang dội của Quân chủng Hải quân trong suốt 59 năm qua”.

Thúy Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.