Hồ sơ giả 'lọt lưới' công chứng - Kỳ 4: Công chứng sai phải bồi thường

01/08/2014 03:00 GMT+7

Luật quy định tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của họ gây ra cho người yêu cầu công chứng khi công chứng sai, song thực tế việc đòi bồi thường không hề đơn giản.

Luật quy định tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi mà công chứng viên của họ gây ra cho người yêu cầu công chứng khi công chứng sai, song thực tế việc đòi bồi thường không hề đơn giản.

 Công chứng sai phải bồi thường
Bị cáo Phan Thanh Vân, nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2 (phải) và Dương Ngọc Phượng tại tòa - Ảnh: Lê Nga

>> Hồ sơ giả 'lọt lưới' công chứng

Theo ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hội Công chứng TP.HCM, khi giao dịch trúng phải hồ sơ giả, phần thiệt thòi luôn thuộc về người mua tài sản, bên cho vay... Nhiều nạn nhân của giấy tờ giả đều ngao ngán bởi họ không thể phân biệt đâu là giấy tờ thật, đâu là giấy tờ giả nên phải cậy nhờ công chứng. Thế nhưng, khi giấy tờ giả “lọt lưới” công chứng thì người dân không biết đi đâu để gõ cửa.

Không giải quyết mới khởi kiện

Trở lại vụ việc anh Ninh Quang M. (ngụ Q.Bình Thạnh) bỏ 500 triệu đồng mua phải chủ quyền giả căn nhà 325/27/24A Phú Định, P.16, Q.8, TP.HCM. sau khi biết bị lừa, anh M. làm đơn khiếu nại, tố cáo khắp nơi, nhưng vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi. “Người dân bình thường như tôi làm sao có thể biết được giấy CMND, chủ quyền nhà là giả hay thật. Vì thế, khi ký công chứng tại Phòng Công chứng (PCC) số 7, thấy công chứng viên (CCV) kiểm tra hồ sơ, giấy tờ thì tôi yên tâm người chủ nhà là thật, giấy tờ nhà là thật... Vậy trách nhiệm của CCV ở đâu khi chứng phải hồ sơ giả?”, anh M. bức xúc.

Tương tự, ông Ngô Văn Hát (người bỏ 4 tỉ đồng mua phải 2 sổ đỏ giả ở Hóc Môn) bức xúc: “Nếu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thật) đang thế chấp cho ngân hàng thì bà Nguyễn Thị Thanh Loan (đang bị truy nã - PV) không thể có bản gốc xuất trình cho CCV để đối chiếu. Vậy chắc chắn bà Loan sử dụng giấy tờ giả chuyển nhượng, nhưng CCV vẫn ký chứng nhận trên hợp đồng, tạo điều kiện cho bà Loan lừa tiền của tôi. Từ khi xảy ra thiệt hại đến nay, tôi đã nhiều lần liên hệ và yêu cầu bồi thường nhưng lãnh đạo PCC số 5 vẫn thoái thác trách nhiệm khiến tôi vô cùng bức xúc”.

Trước thiệt hại này, ông Hát đã khởi kiện PCC số 5 ra tòa, yêu cầu phải liên đới với CCV bồi thường cho ông hơn 4,9 tỉ đồng (tính cả lãi suất). Còn ông Đỗ Hà Hồng, Trưởng phòng PCC số 5, cho rằng: “Chờ tòa án quyết định CCV có lỗi hay không, mức độ lỗi đến đâu... Khi đó mình mới xác định lỗi của CCV để xử lý theo quy định của pháp luật, kể cả việc bồi thường theo quy định của luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước”.

Siết bảo hiểm nghề nghiệp cho CCV

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, cho biết theo quy định tại điều 32 luật Công chứng năm 2006 thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi mà CCV của tổ chức hành nghề công chứng gây ra cho người yêu cầu công chứng. “Mức độ bồi thường tới đâu sẽ do tòa án quyết định, dựa trên mối quan hệ nhân quả giữa lỗi của tổ chức công chứng và thiệt hại mà người khác phải gánh chịu. Về trách nhiệm mua bảo hiểm nghề nghiệp cho CCV thì tại khoản 7 điều 32 luật Công chứng năm 2006 quy định, văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV của tổ chức mình. Tuy nhiên, do luật quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc triển khai mua bảo hiểm cho CCV còn gặp nhiều lúng túng”, ông Hậu nói.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện có nhiều vụ án xét xử người sử dụng giấy tờ giả qua mặt công chứng để lừa đảo. Ngoài mức phạt tù, tòa án thường yêu cầu bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền chiếm đoạt mà chưa quan tâm đến trách nhiệm của tổ chức công chứng, cụ thể là lỗi từ CCV. Do đó, khi tuyên phần dân sự, tòa án cần phải xem xét trách nhiệm của CCV để buộc tổ chức công chứng có nghĩa vụ bồi thường cho người bị thiệt hại.

Theo luật sư Trịnh Thanh (Văn phòng luật sư Người Nghèo, TP.HCM), luật Công chứng năm 2014 (Quốc hội thông qua ngày 20.6.2014, có hiệu lực từ 1.1.2015) quy định khá rõ về trách nhiệm bồi thường trong hoạt động công chứng. “Tại điều 37 quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc, phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình. Về trách nhiệm bồi thường, điều 38 quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. CCV, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật...”, luật sư Trịnh Thanh nói.

Công chứng ẩu, lãnh án tù

Tháng 9.2013, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên phạt Dương Ngọc Phượng (35 tuổi, ngụ Bình Dương) 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và giảm án cho Phan Thanh Vân (nguyên CCV thuộc PCC số 2, TP.HCM) xuống còn 5 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo hồ sơ, từ tháng 10.2007 đến tháng 9.2009, Phượng cho một số cá nhân vay tiền hoặc nhận làm dịch vụ giấy tờ nhà đất. Từ đó, nhiều cá nhân giao giấy tờ nhà bản chính cho Phượng cất giữ. Sau đó, Phượng nhờ người đóng giả chủ nhà đến công chứng ký hợp đồng bán nhà. Do có mối quen biết với Vân nên Phượng chọn PCC số 2 để công chứng hợp đồng. Tại đây, Vân không trực tiếp kiểm tra giấy tờ tùy thân của bên bán, không cho các bên ký tên, điểm chỉ vào hợp đồng trước mặt CCV nên không phát hiện được việc Phượng giả mạo. Từ đó, Phượng đã làm giả trót lọt 6 trường hợp rồi dùng giấy tờ của những căn nhà trên thế chấp vay tiền tại ngân hàng, chiếm đoạt của ngân hàng hơn 4 tỉ đồng.

Hoàng Tuấn - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.