Xu thế đánh giá theo năng lực

29/07/2014 02:15 GMT+7

Từ những năm 80 của thế kỷ 20, đã có một cuộc cách mạng về kiểm tra, đánh giá HS với những thay đổi căn bản về triết lý, quan điểm coi người học và quá trình học tập là trung tâm của toàn bộ hoạt động giáo dục.

Từ những năm 80 của thế kỷ 20, đã có một cuộc cách mạng về kiểm tra, đánh giá HS với những thay đổi căn bản về triết lý, quan điểm coi người học và quá trình học tập là trung tâm của toàn bộ hoạt động giáo dục.

Ngoài đánh giá trên lớp, hầu hết các quốc gia thông qua các kỳ thi như: tuyển sinh đầu cấp, thi tốt nghiệp các cấp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Hầu hết các quốc gia đều không tổ chức thi tốt nghiệp ở bậc giáo dục bắt buộc như: Anh, Hàn Quốc, Mỹ, Newzealand, Úc... Rất ít quốc gia duy trì kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và hầu hết tổ chức thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Xu hướng chung là đa dạng hóa các hình thức đánh giá và các loại bằng cấp khác nhau để thực hiện phân hóa HS theo năng lực. Về tuyển sinh ĐH, CĐ các quốc gia đều sử dụng một số tiêu chí như điểm 3 kỳ thi (thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh và thi chuẩn hóa năng lực), kết quả học tập ở cấp THPT, hồ sơ dự tuyển (bài tự luận theo chủ đề, thư giới thiệu...).

Ở Mỹ, mặc dù chương trình học khá phong phú và đa dạng, HS đều phải trải qua một cuộc thi trắc nghiệm theo tiêu chuẩn thống nhất. Nếu kết quả của hạt hoặc của trường nào không đạt tiêu chuẩn thì hạt và trường đó khó nhận đủ ngân sách hoặc bị các chế tài khác. Như vậy, cuộc thi trắc nghiệm không chỉ đánh giá HS mà còn là căn cứ cho các chế tài, nhằm khuyến khích các trường nâng cao chất lượng.

Ở Trung Quốc, trước đây các kỳ thi và các bài kiểm tra được xem là phương thức duy nhất để đánh giá năng lực người học. Ngoài mục đích đánh giá và tuyển sinh, kết quả thi và kiểm tra dùng làm thước đo để đánh giá thành tích của giáo viên và nhà trường. Do đó, giáo viên buộc phải giảng dạy theo kiểu học để thi, và các kỳ thi tập trung vào điểm số bài thi mà bỏ qua các khía cạnh khác như phương pháp học, thái độ và giá trị thực của người học.

Từ năm 2000, Bộ giáo dục đã quyết định thay đổi đánh giá theo hướng “đa dạng/mềm mỏng” như các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm. Đó là “hệ thống đánh giá mang tính phát triển” tập trung đến tất cả các khía cạnh của việc học, sử dụng nhiều kỹ thuật đánh giá và coi trọng sự tiến bộ của người học trong quá trình học tập. Bộ giáo dục cũng ban hành chính sách cấm việc xếp hạng HS, giáo viên và nhà trường. Từ năm 2002, thi tốt nghiệp THCS và tuyển sinh THPT được nhập thành một; thi tốt nghiệp THPT, trước đây do tỉnh tổ chức, nay giao cho phòng giáo dục các địa khu quyết định tổ chức thi hoặc xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, kỳ thi tuyển sinh ĐH cũng rất căng thẳng vì số lượng tuyển sinh hạn chế, nên Bộ giáo dục có xu hướng giao cho tỉnh tổ chức căn cứ trên nhu cầu và khả năng của địa phương.

Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh
(Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

>> Tiêu chí nào thay điểm sàn? - Kỳ 3: Hướng tới tuyển theo năng lực
>> Đề xuất dùng chung kết quả thi đánh giá năng lực làm tiêu chí xét tuyển
>> Thi đánh giá năng lực một số chương trình
>> Nâng cao năng lực đào tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.