Kiểm soát không lưu: Sai một ly, đi một dặm

27/07/2014 17:00 GMT+7

(TNO) Dù chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, nhưng những sự cố uy hiếp an toàn bay liên quan đến kiểm soát viên không lưu, vốn được người trong nghề gọi là 'cảnh sát giao thông trên không' đối với phi công, khiến nhiều hành khách thêm e ngại.

(TNO) Dù chưa có tai nạn đáng tiếc nào xảy ra, nhưng những sự cố uy hiếp an toàn bay liên quan đến kiểm soát viên không lưu, vốn được người trong nghề gọi là “cảnh sát giao thông trên không” đối với phi công, khiến nhiều hành khách thêm e ngại.

Kiểm soát không lưu: Sai một ly, đi một dặm
Kiểm soát viên không lưu làm việc tại Trung tâm Kiểm soát tiếp cận đường dài Hồ Chí Minh - Ảnh: M.Hà

Mới đây, tối 23.7, chuyến bay BL522 của hãng hàng không Jestar khi chuẩn bị hạ cánh, tổ bay không liên lạc được với đài chỉ huy tại Cảng hàng không Vinh nên phải bay vòng trên bầu trời. Lúc 22 giờ 30 phút, máy bay liên lạc với Đài kiểm soát không lưu Vinh, kiểm soát viên cấp huấn lệnh tiếp cận, tổ lái báo nhận. Tuy nhiên, đến 22 giờ 40 phút, tổ lái gọi Đài kiểm soát nhiều lần trên tần số điều hành và tần số khẩn nguy nhưng không thấy trả lời. 4 phút sau, khi Đài kiểm soát thiết lập lại liên lạc với máy bay trên tần số điều hành, tổ lái báo đang thực hiện bay lại vòng 2.

Nguyên nhân sự cố theo xác định của Cục Hàng không Việt Nam, có sự lúng túng trong sử dụng thiết bị nghe nói của kiểm soát viên không lưu.

Hi hữu hơn là vụ việc hôm 27.6, khi kiểm soát viên thực tập Trương Nguyễn Quỳnh Anh đã cấp huấn lệnh bay sai tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng. Kiểm soát viên này đã không quan sát đường cất hạ cánh, cấp huấn lệnh bay cho máy bay VN-A198 của Jestar Pacific khi máy bay VN-A356 của Vietnam Airlines chưa thoát ly khỏi đường cất hạ cánh.

Theo đánh giá của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, dù chưa gây hậu quả, nhưng đây là vụ việc uy hiếp an toàn bay nghiêm trọng, do lỗi vi phạm mang tính hệ thống: bố trí nhân viên thực tập chưa có giấy phép, năng lực chuyên môn điều hành hoạt động bay chính.

Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, trước đây đã xảy ra một sự cố tương tự tại Nội Bài, Cục Hàng không đã có chỉ thị nghiêm cấm việc bố trí kiểm soát viên thực tập chưa có giấy phép, chưa đủ năng lực điều hành bay.

Trong sự cố hai máy bay suýt va chạm trên, kiểm soát viên trực hiệp đồng lẽ ra phải trực kèm nhưng lại được bố trí đi ghi chép số liệu radar. Sự cố chỉ được tránh khỏi khi phi công phản ứng: “Chúng tôi chưa ra khỏi đường băng chị đã cho cất cánh. Hơi sai rồi đấy” thì cả kíp trưởng và kiểm soát viên điều hành mới giật mình, hủy huấn lệnh cất cánh.

Những cá nhân liên quan đến các sự cố trên đều đã bị xử lý kỷ luật như rút giấy phép, đình chỉ công tác, kiểm điểm, khiển trách… Tuy nhiên, với tính chất quan trọng của nghề kiểm soát viên không lưu, thì dù chỉ “sai một ly, đi một dặm”.

Giám sát, xử lý chưa nghiêm

Kiểm soát viên không lưu chịu trách nhiệm chỉ huy máy bay từ khi nổ máy tại sân đỗ đến khi máy bay cất hạ cánh, lăn vào vị trí đỗ, phải đảm bảo an toàn khi lưu thông, ngăn ngừa va chạm giữa các máy bay, giữa các máy bay với các chướng ngại vật trên khu hoạt động tại sân bay.

Sau khi được đào tạo, kiểm soát viên phải trải qua thời kỳ thực tập trước khi được cấp giấy phép hành nghề chính thức. Trên thực tế, để có giấy phép hành nghề và được công nhận đủ năng định, kiểm soát viên không chỉ lành nghề mà phải có trình độ tiếng Anh tốt, hằng năm đều phải qua các đợt kiểm tra, huấn luyện định kỳ. Theo ông Thanh, trình độ nghiệp vụ của kiểm soát viên không lưu Việt Nam nhìn chung đều đạt chuẩn quốc tế, nhưng áp lực công việc cũng rất lớn bởi ngành hàng không đang tăng trưởng rất nhanh, lưu lượng bay cũng tăng mạnh.

Không chỉ riêng trường hợp kiểm soát không lưu, trong sự cố bay nhầm của Vietjet, nhân viên điều phái của hãng này cũng chưa có giấy phép hành nghề. Việc để “lọt” nhân viên chưa được cấp phép, không đủ năng định hoạt động không chỉ có lỗi trực tiếp của các đơn vị, mà còn lỗi từ khâu giám sát, cũng như áp dụng chế tài xử lý của cơ quan quản lý là Cục Hàng không Việt Nam.

Thừa nhận có sự giám sát chưa chặt, chế tài chưa nghiêm, theo ông Thanh, dù đi thanh tra, giám sát, phát hiện thiếu sót, hạn chế rồi, nhưng vừa qua Cục Hàng không Việt Nam đã phải nhận lỗi trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vì chưa đôn đốc thực hiện, chưa kiên quyết áp dụng chế tài. Việc áp dụng chế tài không chỉ là xử phạt hành chính, mà có nhiều chế tài có sức răn đe lớn hơn như đình chỉ, rút giấy phép…

Cho rằng những sự cố trên đều do yếu tố con người, đặc biệt là lỗi hệ thống, ông Thanh khẳng định để tăng cường an toàn cho hoạt động hàng không, sắp tới Cục sẽ tăng cường vai trò giám sát chặt chẽ hơn tới tất cả các khâu hoạt động.

Mai Hà

>> Máy bay của Jestar Pacific suýt va chạm với máy bay Vietnam Airlines
>> Cục Hàng không yêu cầu siết chặt an toàn bay
>> Các hãng hàng không né nghĩa vụ khi chậm chuyến
>> Nhiều hãng không xin lỗi, không nêu lý do khi chậm chuyến bay
>> Chậm chuyến bay do... hành khách?
>> Vietnam Airlines phủ nhận vụ 200 khách chậm chuyến vì chờ 1 khách quan trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.