Dạy trẻ bằng… khúc cây: Bơ vơ trẻ tự kỷ

22/07/2014 17:15 GMT+7

(TNO) Sáng 22.7, bảng hiệu của trường Anh Vương (86 Cống Lở, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) đã bị dỡ bỏ. Không khí nơi đây trở nên ảm đạm khi số lượng học sinh thưa dần. Nhiều phụ huynh đến trường để làm thủ tục đưa con về. Rất nhiều người tỏ ra bức xúc khi xem đoạn video clip đăng trên Thanh Niên Online .

 Anh Lê Duy Hồng Phương (anh trai của em Lê Duy Phương Nam) đến đón em Nam đến trường đón em Nam về nhà
Anh Lê Duy Hồng Phương (anh trai của em Lê Duy Phương Nam) đến đón em Nam đến trường
đón em Nam về nhà - Ảnh: Đức Tiến

“Đánh như vậy là vùi dập nó”


Video clip: Bảo mẫu đánh đập dã man trẻ tự kỷ

Ông ngoại của em Lê Duy Phương Nam nói: “Hôm qua tôi có xem clip bảo mẫu đánh đập học sinh trên mạng nhưng không nghĩ là trường của cháu mình. Xem kỹ lại thì tôi mới ngớ người rồi lập tức gọi điện cho bố mẹ nó ở Vũng Tàu để giải quyết. Dù trong clip không có hình của cháu nhưng tôi rất lo, vì đã đánh là đánh cả đám chứ làm sao chừa đứa nào được”.

Ông cũng chia sẻ thêm, sau khi phát hiện em Phương Nam bị bệnh, gia đình đã gửi em vào một trường chuyên biệt ở Vũng Tàu nhưng không có tiến triển. Nghe nhiều người giới thiệu, cha mẹ đưa em đến trường Anh Vương gửi gắm.

“Nó chỉ mới tới học ở đây vài tháng thôi. Giờ trường bị như vậy không biết đem đi học ở đâu nữa. Ai đảm bảo chuyển đến những trường khác sẽ không bị đánh đập”, ông nội của Nam nói.


Video clip: Cơ quan chức năng làm việc với chủ trường Vương Anh và yêu cầu đóng cửa trường ngay trong ngày 21.7

Cũng có mặt tại trường, chị Huỳnh Thị Châu Phi (30 tuổi, quê Tây Ninh; mẹ của em Nguyễn Gia Huy, 5 tuổi) vô cùng lo lắng và bức xúc khi hay tin các học sinh ở trường Anh Vương bị bảo mẫu đánh đập dã man. “Đưa cháu nó tới đây là để các cô giáo dạy dỗ cho tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Chứ đánh đập như vậy là vùi dập nó luôn”, chị Phi bức xúc.

Chị cũng cho biết thêm, Huy được sinh ra như những đứa trẻ bình thường khác nhưng đến năm 3 tuổi thấy em có nhiều biểu hiện lạ, chị dẫn đi khám và bác sĩ bảo Huy bị tự kỷ. Nhìn thấy tên trường Anh Vương có trong danh sách ở bệnh viện, chuyên tiếp nhận dạy dỗ các em học sinh chuyên biệt, chị tìm đến gửi gắm.

Dù học phí cao nhưng vì thương con, vợ chồng chị bấm bụng bỏ nghề buôn bán ở quê lên thành phố làm việc để tiện bề chăm sóc con. Huy là con đầu lòng và cũng là duy nhất nên vợ chồng chị đặt rất nhiều niềm tin vào trường Anh Vương. Khi biết chuyện xảy ra ở trường này, chị vô cùng bàng hoàng và tức giận.

“Hai vợ chồng lo làm kiếm tiền chứ có thời gian đọc báo đâu mà biết. May nhờ ông anh gọi điện báo tin nên tôi đến dẫn con về luôn. Giờ đang tìm cách liên hệ với một số trường khác nhưng không biết ở đó có đàng hoàng không nữa (?!)”.

Mong con cất tiếng gọi “ba”

 Anh Lê Duy Hồng Phương (anh trai của em Lê Duy Phương Nam) đến đón em Nam đến trường đón em Nam về nhà
Bảng hiệu trường Anh Vương đã bị dỡ bỏ - Ảnh: Đức Tiến

Hầu hết những học sinh ở trường chuyên biệt Anh Vương đều có hoàn cảnh rất đáng thương. Như trường hợp của Kỳ Nam (một trong những học sinh bị đánh đập), cha mẹ ly hôn từ nhỏ nên em phải sống với ông bà nội.

Tương tự, cha mẹ của em Đặng Trung Hiếu (5 tuổi, học sinh bán trú) cũng ly hôn cách đây 1 năm. Em không nói được nên anh Đặng Văn Chỉnh (43 tuổi, cha em Hiếu) gửi em vào trường Anh Vương để các cô giáo dạy dỗ. Làm thợ sửa xe mỗi ngày thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng anh vẫn cố hết sức dành dụm để con được học trong môi trường tốt nhất và hy vọng một ngày nào đó, con trai sẽ gọi tiếng “ba”.

Anh Chỉnh tâm sự: “Mẹ với em gái Hiếu sống ở chỗ khác. Giờ chỉ có hai bố con nên tôi phải cố gắng lo cho con hết sức. Hôm trước có gửi Hiếu ở một trường khác mấy tháng nhưng thấy không hiệu quả nên đem qua đây. Nghe người ta nói trường này đào tạo tốt chứ biết phức tạp kiểu này, ai mà dám gửi. Giờ bên này đóng cửa, đang lo không biết chỗ nào gửi đây. Trong trường có bạn bè vui chơi chứ bỏ nó ở nhà tội nghiệp lắm!”.

Tâm sự của anh Chỉnh cũng chính là băn khoăn của hầu hết các phụ huynh khác. Sau khi vụ việc bảo mẫu đánh đập học sinh bằng cây ở trường Anh Vương bị phanh phui, nhiều phụ huynh vừa bức xúc vừa tỏ ra hoang mang đối với chất lượng của một số trường dạy học sinh chuyên biệt.

* Các thông tin khác có liên quan, mời bạn đọc xem trên Báo Thanh Niên (báo in) số ra ngày mai (23.7).

Xem đầy đủ đoạn clip bạo hành trẻ bị tự kỷ được Thanh Niên Online phản ánh, Loki Bảo Long chia sẻ: “Thật sự cảm thấy rất buồn. Việc Loki từng trải qua chút sốc về cảm xúc dù lúc ấy mình cũng đã lớn mà vẫn còn làm Loki trầm buồn khi xuất hiện ở những khung cảnh không quá dễ chịu, cũng như khiến mình dễ thiếu việc cân bằng cảm xúc. Huống chi đó là việc các em còn rất nhỏ đã bị đánh đập bằng đòn roi. Trẻ em tự kỷ hay những trẻ em khác cần lắm sự quan tâm của người cô  - người mẹ, nhẹ nhàng, uốn nắn, sửa sai, trò chuyện, động viên, tâm sự mỗi ngày, mỗi lúc làm sai để cảm thấy tự tin và từ từ hòa nhập và lớn lên. Trẻ em nào cũng cần như thế và những trẻ em có chút vấn đề về trí tuệ, nhân cách lại càng cần như thế hơn”.
 

Với thông tin, hình ảnh phản ánh trên Thanh Niên Online về hành động Dạy trẻ tự kỷ bằng… khúc cây của một số người nhân danh “giáo viên”, “bảo mẫu” tại Trường tiểu học chuyên biệt Anh Vương (Q.Tân Bình), Phó giáo sư – Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, không khỏi bức xúc, phân tích những tổn thương mà các em phải gánh chịu.

Theo đó, việc trẻ em bị "roi vọt", bạo hành bằng nhiều dụng cụ như roi, thước kẻ, cây gỗ,... sẽ làm trẻ dần chai lì về cảm xúc bên cạnh những vết da đau, những giọt máu rơi. Về lâu dài, đứa trẻ sẽ cảm thấy mất hẳn động lực hay mục tiêu phấn đấu hoặc hoàn thiện nhân cách của chính mình.

Việc bị bạo hành bởi cô giáo thường dễ dẫn đến tâm lý mặc cảm, tự ti và sợ sệt về khoảng thời gian đi học, khoảng không gian đến trường. Ngoài ra, đó còn tạo ra những cảm xúc tiêu cực của người học. Đó là sự vụn vỡ về niềm tin, sự đau xót tâm hồn và thậm chí là sự buông trôi cho một số phận.

Đặc biệt, với trẻ có vấn đề về tâm lý thì những tổn thương càng trở nên sâu sắc hơn nữa.

Cụ thể, dù gì khả năng phản ứng của trẻ bình thường vẫn có thể tốt hơn hoặc sự tự vệ vẫn còn một tỉ lệ nhất định. Nhưng trẻ gặp khó khăn về tâm lý như tự kỷ, trầm uất, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển thì thường càng dễ bị thương tổn hơn dẫn đến tỉ lệ khuyết tật có nguy cơ cao hơn hay làm nảy sinh đa tật tâm lý.

Vì vậy, theo tiến sĩ Sơn, với trẻ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ hay trẻ bình thường, việc dạy trẻ em từ mầm non đến tiểu học đòi hỏi giáo viên phải rất kiên nhẫn. Các thầy cô giáo phải được đào tạo bài bản, có lòng nhân - chữ tâm. Đặc biệt là thái độ chấp nhận trẻ như trẻ vốn có và chỉ cố gắng phát triển trẻ chứ không hô biến trẻ.

Với trẻ "đặc biệt" thì các em càng cần phải được tôn trọng và thương yêu một cách vô điều kiện. Từ đó, người nuôi dạy trẻ dần dần điều chỉnh trẻ.

Trong đó, trẻ cần được dạy trên giải giáp là không sử dụng đòn roi. Điều này cần sự đồng cảm ở giáo viên, người nuôi dạy trẻ. Nhiều thầy cô nên nhớ lại thời thơ ấu của mình liệu rằng mình có một chút quậy phá, một chút bướng bỉnh, một chút lì lợm như trẻ hiện tại. Nếu có sự đồng cảm, ngay từ đầu, đòn roi sẽ không có cơ hội xuất hiện.

Bên cạnh đó, là sự tôn trọng đối với trẻ. Trẻ cần được tâm tình, sẻ chia. Người lớn muốn dạy trẻ làm gì cần có những yêu cầu cụ thể nhưng sâu sắc, đặc biệt là làm mẫu, hướng dẫn cụ thể cho trẻ biết phải làm thế nào.

Một điều không kém phần quan trọng trong nuôi dạy trẻ là dùng tình thương để cảm hóa. Chính người lớn làm cho trẻ biết mình được nâng niu nhưng biết làm thế là sai, cần phải làm thế này thì sẽ được thương.

“Những nguyên tắc ứng xử trên cần được đòi hỏi được thực hiện một cách nghiêm khắc bởi các giáo viên có trình độ từ trung cấp trở lên, được đào tạo dài hạn và có đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt là phải có tố chất phù hợp với nghề. Hãy hiểu đấy là công việc bằng trái tim, bằng khối óc chứ không phải là cần câu cơm hay là việc làm qua loa”, tiến sĩ Sơn có ý kiến về nghề nuôi dạy trẻ hiện nay.

Đức Tiến - Nguyên Mi

>> Clip: Buộc đóng cửa cơ sở 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây' ngay lập tức
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây: Buộc đóng cửa trường ngay lập tức
>> Vụ 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây': Trường Anh Vương hoạt động trá hình
>> Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.