Mỹ lập chiến lược quân sự mới để kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông?

10/07/2014 11:00 GMT+7

(TNO) Mỹ đang phát triển các chiến thuật mới nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên biển Đông, theo báo Financial Times (Anh).


Máy bay trinh sát P-8A Poseidon của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ 

Mỹ đang phải tái cân nhắc, lên kế hoạch cho các chiến thuật mới sau khi Trung Quốc thời gian qua tăng cường các hoạt động mà Washington gọi là khiêu khích nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông, đe dọa thay đổi nguyên trạng trên biển Đông, vốn là một trong những đường hàng hải quan trọng nhất cho nền kinh tế toàn cầu.

Thử thách lớn nhất của quân đội Mỹ là phải tìm ra chiến thuật có thể kiềm chế những động thái quy mô nhỏ của Trung Quốc mà không phải đẩy căng thẳng leo thang thành xung đột quân sự, theo nhận định của Financial Times (Anh) ngày 10.7.

“Nỗ lực của chúng tôi trong việc kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông rõ ràng chưa hiệu quả”, một quan chức cấp cao Mỹ giấu tên tiết lộ với Financial Times.

Tình hình căng thẳng trên biển Đông phủ bóng Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Mỹ-Trung, bắt đầu vào ngày 9.7 tại thủ đô Bắc Kinh.

Phái đoàn Mỹ, dẫn đầu là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng tài chính Jack Lew phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn khi vừa phải tăng cường quan hệ với Bắc Kinh lại đồng thời phải thể hiện quan điểm của Mỹ về tham vọng bá quyền trên biển  và những vụ tin tặc của Trung Quốc .

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 9.7 đã nói Mỹ không muốn "kiềm chế" Trung Quốc và hoan nghênh một Trung Quốc ổn định, hòa bình và đóng góp có trách nhiệm cho khu vực.

Theo Financial Times, một trong số những động thái thể hiện Mỹ đang lập chiến thuật mới là việc điều động máy bay trinh sát P-8A Poseidon đến bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa và đang bị Philippines chiếm đóng) trên biển Đông.

Trước đó, tàu Trung Quốc đang bao vây ngăn chặn tàu Philippines tiếp tế cho lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines đồn trú trên một chiếc tàu mắc cạn gần bãi Cỏ Mây. Các máy bay trinh sát Mỹ đã bay ở độ cao thấp để đảm bảo tàu Trung Quốc thấy.

“Động thái này là để gửi thông điệp ‘chúng tôi biết các bạn đang làm gì, hành động của các bạn sẽ lãnh lấy hậu quả và chúng tôi có khả năng, ý chí và chúng tôi có mặt tại đây”, một cựu quan chức Lầu Năm Góc nhận định.

Ngoài ra, chiến thuật mới của Mỹ có thể là tăng cường sử dụng máy bay trinh sát trên biển Đông, chụp ảnh và công bố những bức ảnh và video hoạt động hàng hải của Trung Quốc, theo Financial Times.

Một số quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ ngừng lại các hoạt động bành trướng nếu bức ảnh hoặc video cho thấy tàu của họ đang uy hiếp ngư dân Việt Nam hoặc Philippines được công bố trên các phương tiện báo đài.

Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ đã được lệnh tiến hành phối hợp với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương để phát triển một hệ thống thông tin hàng hải khu vực, cho phép chính phủ các nước ở tây Thái Bình Dương nắm được thông tin chi tiết vị trí tàu thuyền trong khu vực.

Mỹ đã cung cấp cho Philippines, Nhật Bản và các quốc gia khác trong khu vực các thiết bị radar và những hệ thống giám sát khác, để từ đó xây dựng một mạng lưới chia sẻ thông tin lớn hơn.

Các quan chức Mỹ còn đề xuất chiến thuật triển khai thêm các tàu hải cảnh đến biển Đông để đối phó với các hoạt động của tàu Trung Quốc và sử dụng các tàu hộ tống Mỹ hộ tống ngư dân Philippines và các quốc gia khác đến những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý trên biển Đông.

Website của Hải quân Mỹ vừa đăng hình ảnh 3 tàu khu trục thuộc lớp Arleigh Burke được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis cùng tuần tra ở biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố Mỹ có "lợi ích quốc gia" ở biển Đông hồi năm 2010. Kể từ đó, Trung Quốc chiếm bãi cạn tranh chấp Scarborough trên biển Đông mà Philippines tuyên bố chủ quyền vào năm 2012.

Bắc Kinh tiếp tục gia tăng các hoạt động xây dựng trái phép ở Trường Sa, rồi đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981 vào vùng biển Việt Nam, điều tàu đâm chìm tàu cá Việt Nam và bắt giữ trái phép ngư dân Việt Nam. Mỹ cũng đã điều các máy trinh sát bay quanh giàn khoan Hải Dương-981.

Bà Bonnie Glaser, chuyên gia châu Á thuộc Trung tâm chiến lược quốc tế (Mỹ), nhận định các chuyến bay trinh sát cho thấy Mỹ quan tâm đến giải pháp hòa bình và phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc.

Tuy nhiên, bà Glaser cho biết thêm: “Tôi hoài nghi liệu những chuyến bay trinh sát như thế này có đủ để kiềm chế các hàng động của Trung Quốc hay không”.

Phúc Duy

>> Máy bay ‘lạ’ theo dõi tàu chiến Trung Quốc trên biển Đông
>> Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Trung Quốc về tranh chấp biển
>> Ngoại trưởng Kerry: Mỹ không 'kiềm chế' Trung Quốc
>> Ông Tập Cận Bình: Đối đầu Mỹ-Trung sẽ là 'thảm họa
>> Ông Tập Cận Bình: 'Quyền bá chủ không nằm trong gen người Trung Quốc
>> 3 tàu khu trục Mỹ cùng tuần tra ở biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.