Ngư dân bị hành khi phủ polyurea cho vỏ tàu cá

07/07/2014 00:49 GMT+7

Ông Trương Văn Hay, trú Q.Thanh Khê (Đà Nẵng), chủ tàu cá ĐNa 90235 đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí phản ảnh bị một số cơ quan ở Đà Nẵng “hành” vì tiên phong trong việc áp dụng công nghệ polyurea để phun phủ chống thấm, chịu va đập mạnh, tiết kiệm chi phí... cho tàu cá vỏ gỗ.

Theo ông Hay, cuối tháng 6.2014, khi tham gia đánh bắt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, tàu ĐNa 90235 đã bị tàu của Trung Quốc đâm làm bung, vỡ kết cấu của tàu. Trở về đất liền với những vết thương khá nặng, tàu ĐNa 90235 phải đưa vào sữa chữa. Qua thông tin trên báo, đài, Công ty TNHH Quốc Thắng (257 Điện Biên Phủ - Đà Nẵng) quyết định giúp ngư dân bằng cách phun miễn phí lớp phủ polyurea trị giá 300 triệu đồng cho tàu của ông Hay.

Cũng theo ông Trương Văn Hay, trước đó, trong cuộc gặp với UBND Q.Thanh Khê, Chi cục khuyến ngư - nông - lâm TP.Đà Nẵng... các bên đã thống nhất để ông Hay làm thí điểm. Thế nhưng, ngày 1.7, Chi cục thủy sản Đà Nẵng thông báo: “Việc phun vật liệu polyurea cho toàn bộ vỏ tàu cá vỏ gỗ sẽ làm thay đổi tính năng cũng như an toàn hoạt động của tàu cá. Theo quy định đăng kiểm tàu cá, tàu phải được kiểm tra an toàn kỹ thuật lần đầu để đánh giá trạng thái hoạt động của tàu, nếu thỏa mãn quy phạm sẽ được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho hoạt động”.

Chi cục thủy sản Đà Nẵng đề nghị ông Hay dừng ngay việc phun vật liệu polyurea cho tàu ĐNa 90235 khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ NN-PTNT). Tuy nhiên, theo ông Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Quốc Thắng, công nghệ phun phủ polyurea đã được Mỹ sử dụng để bảo vệ binh lính trong các hầm trú ẩn; còn các nước như Ixraen, Đài Loan ứng dụng từ lâu để bảo vệ các tàu đánh cá vỏ gỗ của họ nhằm tăng khả năng chống chịu trong mọi điều kiện thời tiết, trong khi ở Việt Nam đây là chiếc đầu tiên mà ông Hay tự nguyện làm thí điểm.

Ông Trương Văn Hay cho biết thêm, theo kế hoạch tàu ĐNa 90235 sẽ ra biển vào ngày 6.7, nhưng với cách làm khó hiểu của các đơn vị liên quan ở Đà Nẵng không biết đến bao giờ con tàu này mới trở lại ngư trường Hoàng Sa.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.