Kỳ bí Amazon: Độc dược rừng thẳm

07/07/2014 03:00 GMT+7

Sâu trong rừng già Amazon, người Matsés đang cất giữ một phương pháp độc đáo là dùng chất độc của con nhái điện để làm thuốc chữa bệnh cũng như tăng cường khả năng săn thú...

>> Kỳ bí Amazon: Con báo lạc bầy
>> Kỳ bí Amazon: Sống với thổ dân Matsés
>> Kỳ bí Amazon: Chiến binh báo đen

 Kỳ bí Amazon: Độc dược rừng thẳm
Tác giả thử nunu - Ảnh: N.T

Con nhái điện

Chiều buông xuống, đêm dần đến bằng tiếng nỉ non của côn trùng, tiếng vo ve của muỗi, tiếng hú gọi bầy của đàn khỉ, tiếng ầm ì xa xa của những cơn sấm chớp báo hiệu cơn mưa vùng Amazon sắp đến... Đêm đặc quánh. Đêm Amazon thì ngay cả những thợ săn thiện chiến cũng phải đề phòng. Họ có thể trở thành con mồi của thú rừng, côn trùng, của cá sấu...

Hai giờ sáng, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài mệt mỏi, Dunu chợt đến lay từng người dậy: “Sapo”. Chẳng hiểu chuyện gì, nhưng thấy thái độ nghiêm trọng của ông, chúng tôi không hỏi một câu, nhanh gọn xỏ giày bám theo. Dunu ra hiệu im lặng lắng nghe, vẳng từ xa, thoáng nghe tiếng ộp oạp nho nhỏ, ông thì thào: “Đó là con nhái điện, con vật sở hữu sức mạnh của người Matsés đấy”.

Dunu hướng về tiếng con nhái kêu rồi ồm ồm giả giọng nó để “trả lời”. “Nó đang gọi bạn tình. Tao đáp lời”, ông giải thích. Chúng tôi nhanh chóng cùng ông vào rừng, lần theo tiếng nhái. Cứ mỗi lần nhái kêu, Dunu lại “trả lời”. Tiếng nhái có vẻ ngày càng rõ hơn. Nhưng lội rừng hơn 15 phút vẫn chưa thấy. Núi rừng bao la, con nhái thì bé tí, trời lại tối như mực. Làm sao có thể mò ra nó? Dunu khoát tay ra dấu im lặng và tiếp tục “trả lời”. Chợt ông dừng lại, trèo phốc lên cây nhanh như một con báo. Thoáng chốc, Dunu đã lẫn trong tàn cây cao. Tiếng nhái bỗng im bặt. Dunu tụt xuống, trong tay là con nhái xanh, to gần bằng bàn tay, đưa tôi xem và nói: “Mày may mắn lắm. Con nhái này hiếm, không phải lúc nào cũng tìm được”.

 

Để biết được nơi nào nên đi săn, con thú nào sẽ săn được, người Matsés sử dụng nunu. Đó là bột tán nhỏ trộn bởi thuốc lá và tro đốt từ vỏ cây macambo (một họ cây ca cao). Nunu là một loại ma túy gây ảo giác. Để một ít bột nunu vào một đầu ống tre. Một người sẽ kê miệng vào đầu kia và thổi mạnh. Bột nunu sẽ theo ống tre “bay” thẳng vào mũi người “chơi” (tôi cũng thử và cảm thấy lâng lâng, nhưng vừa đứng dậy là quay mòng mòng và té cắm đầu xuống đất). Nhà báo Mỹ Peter Gorman tả về cảm giác của ông khi sử dụng nunu: “Trong cảm giác nửa tỉnh nửa mơ ấy, trước mặt tôi hiện ra những con khỉ, heo vòi, lợn lòi... rồi sấm sét nổ lên, vài con thú ngã xuống”. Sau đó, những người Matsés yêu cầu Gorman kể cặn kẽ về những điều ông thấy trong “cơn mê” đấy để xác định địa điểm đi săn. Ngày hôm sau đi săn, Gorman và những người Matsés đã săn được những con thú mà Gorman thấy trong giấc mơ và lạ hơn nữa là địa điểm đi săn gần như giống hệt những điều Gorman thấy trong giấc mơ.

Sapo - sức mạnh của người Matsés

Sáng hôm sau, Dunu mang con nhái ra, cắm bốn cây que xuống đất, dùng dây cột bốn chân rồi căng nó ra. Bà vợ ngồi bên cạnh, tay bấm mạnh vào chân nhái. Con nhái đau quá, rùng mình rồi tiết ra trên da một ít chất lỏng như sữa đặc. Dunu dùng cây que, gạn lấy chất lỏng đó rồi bôi lên thanh nứa. Làm như thế vài lần, sau khi lấy được khoảng vài giọt, Dunu cởi dây, trả tự do cho con nhái. Chất lỏng được bôi lên thanh nứa, chỉ vài ít phút sau đã khô lại: “Vậy là dư xài cho mấy chuyến đi săn sắp tới rồi”, ông nói, tỏ vẻ hài lòng. “Con nhái này có gì đặc biệt mà người Matsés lại quan trọng đến thế?”, tôi hỏi. “Người Matsés thường sử dụng chất độc này trước những chuyến đi săn dài ngày. Chất độc trên da nhái sẽ giúp con người thấy được loài thú trước khi bị nó phát hiện; giúp phân biệt được đâu là quả độc, quả lành; giúp linh hồn của con người canh bẫy giùm khi con người đi ngủ; giúp đi rừng không biết mệt, đói, khát...”, Dunu giải thích rồi khích: “Muốn thử không?”.

Tôi đồng ý, với điều kiện phải có người thử trước cho tôi xem. Chắc cú mà. Denis “hy sinh” làm trước. Thế là Dunu bẻ một nhánh cây nhỏ bằng đầu đũa, châm vào bếp lửa cho đến khi cháy rực lên rồi chấm thẳng vào bắp tay Denis. Vết chấm đã lòi thịt, Dunu quẹt một ít nhựa độc của con ếch rồi bôi lên. Kết quả đến liền sau đó chỉ vài phút, Denis gập người xuống, nước mắt, mũi chảy dàn dụa, rồi ói... Thấy phản ứng của Denis tôi chẳng còn tâm trí muốn thử sapo. Nhưng đã lỡ... Chấm đầu tiên, làm cả cơ thể tôi nóng dần lên, người bắt đầu đổ mồ hôi, bụng quặn đau. Khi chấm thứ hai chạm vào, người tôi như có lửa đốt từ bên trong, mồ hôi vã ra như tắm, mặt bừng bừng, tim đập mạnh như muốn vỡ lồng ngực. Lúc này tôi cảm giác được máu chảy rần rật quanh người. Nhà báo Mỹ Peter Gorman, một trong những nhà báo đầu tiên tiếp xúc với người Matsés từ những năm 80 của thế kỷ 20 cũng đã thử sapo và cảm thấy “như thú rừng đang nhập vào mình và bất chợt nhận ra mình đang bò và gầm gừ như một con thú”. Tôi không có cảm giác đó như Gorman nhưng chấm thứ ba vừa xong, tôi không kiểm soát được cảm giác của mình nữa, đầu óc quay cuồng. Tôi quỵ xuống, nôn thốc nôn tháo rồi gục xuống, đầu lơ mơ không còn nhận biết gì nữa...

Đến khi tôi hoàn hồn, mở mắt tỉnh lại, mọi người đều lộ vẻ mừng rỡ. Dunu nói: “Người mới chỉ dám thử một chấm. Mày đòi chơi ba chấm mà tỉnh lại nhanh như vậy là khỏe. Có người chết vì sử dụng sapo quá liều rồi đấy”.

Nguyễn Tập

>> Kỳ bí Amazon: Con báo lạc bầy
>> Kỳ bí Amazon: Sống với thổ dân Matsés
>> Kỳ bí Amazon: Chiến binh báo đen
>> Kỳ bí Amazon: Hành trình tìm thổ dân “thứ thiệt”
>> Kỳ bí Amazon: Nghệ nhân của rừng xanh
>> Kỳ bí Amazon : Thành phố giữa rừng già 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.