Cân nhắc mua cổ phần của Vietnam Airlines và Vinatex

03/07/2014 03:00 GMT+7

Có nhiều căn cứ cho thấy sẽ không dễ có thể bán hết hàng triệu cổ phiếu của Vietnam Airlines và Vinatex trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng sắp tới.

Có nhiều căn cứ cho thấy sẽ không dễ có thể bán hết hàng triệu cổ phiếu của Vietnam Airlines và Vinatex trong đợt phát hành lần đầu ra công chúng sắp tới.

Cân nhắc mua cổ phần của Vietnam Airlines và Vinatex
VNA dự kiến bán đấu giá CP với giá khởi điểm VNA là 22.300 đồng/CP - Ảnh: Đ.N.Thạch

Trong khi đó, thời gian qua, kế hoạch bán cổ phần (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) của cả Vietnam Airlines (VNA) vào quý 4/2014 và Tập đoàn dệt may (Vinatex) vào ngày 22.7 được cho là điểm nhấn quan trọng nhất trong kế hoạch cổ phần hóa (CPH) 432 doanh nghiệp  (DN) nhà nước trong 2 năm 2014 - 2015.

Nhiều thế mạnh...

Theo Vinatex, trong đợt IPO, tập đoàn này sẽ bán gần 122 triệu CP, chiếm 24% vốn điều lệ (gần 1.220 tỉ đồng) với giá khởi điểm 11.000 đồng/CP. VNA cũng dự kiến bán đấu giá công khai 48,8 triệu CP (3,465% vốn điều lệ) với giá dự kiến là 22.300 đồng/CP; bán 282 triệu CP cho nhà đầu tư (NĐT) chiến lược (20% vốn điều lệ)...

 

Cách IPO vẫn chưa thoát khỏi tư duy dựa dẫm vào ô bảo trợ của nhà nước như vừa rồi thấy đề xuất xin thêm các chính sách ưu đãi trong đề án cổ phần hóa

TS Nguyễn Đình Cung

Cả hai DN lớn này đều có những thế mạnh mà NĐT lớn nào trên thị trường chứng khoán cũng phải quan tâm. Với Vinatex, Công ty CP chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá “có tiềm năng tăng trưởng doanh thu cao từ thị trường xuất khẩu đang tăng trưởng mạnh (trong năm 2013, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ tăng 14,6%, sang EU 3% và Nhật Bản 33%). Mức tăng trưởng của Vinatex dự kiến sẽ cao một khi Việt Nam ký kết được Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, EU... trong thời gian tới”.

Vinatex có một ưu điểm lớn khác là sở hữu quỹ đất lớn, lên tới 490.000 m2, trong đó có nhiều khu ở vị trí đắc địa như: khu đất 25 Bà Triệu, Hà Nội (995 m2), 32 Tràng Tiền, Hà Nội (678 m2), Đức Giang, Long Biên (5.752 m2), Khu công nghiệp Đà Nẵng (26.955 m2), 41A Lý Thái Tổ, Hà Nội (2.064 m2)... Đáng lưu ý là đơn vị này được phép sử dụng 100% tiền chuyển mục đích sử dụng đất tại một số đơn vị để tăng vốn chủ sở hữu sau khi CPH.

VNA thì có thế mạnh là hãng hàng không chiếm thị phần lớn nhất trong nước (62%) bên cạnh việc nắm CP chi phối ở hãng Jetstar Pacific (chiếm thị phần trên 15%). Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định tuy VNA hiện có lợi nhuận không lớn nhưng tiềm năng phát triển cao do hãng này vẫn đang trong quá trình đầu tư, mở rộng phát triển. Trong vài năm tới, khi đội bay, mạng đường bay của hãng này đã ổn định, tỷ suất lợi nhuận sẽ được nâng lên đáng kể.

...nhưng không dễ bán

Điểm chung ở 2 DN này là sau IPO, nhà nước vẫn giữ CP  chi phối (75% ở VNA và 51% ở Vinatex). Trả lời Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: “Việc bán CP, vẫn theo định hướng nhà nước phải giữ CP chi phối này sẽ rất khó thành công bởi các NĐT lớn không được tham gia điều hành, không có tiếng nói trong việc quản trị, điều hành DN và họ sẽ không mặn mà đầu tư lớn vào nơi tiếng nói của họ không có nhiều ảnh hưởng”.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, cho rằng cách thức chuẩn bị IPO của Vinatex và VNA chưa có gì mới hơn so với cách IPO của nhiều tổng công ty nhà nước từ đầu năm đến nay. “Tôi thấy giá dự kiến chào bán của 2 DN này có vẻ cao quá (VNA là 22.300 đồng/CP; Vinatex là 11.000 đồng/CP) trong khi thông tin, căn cứ nào để đưa ra mức giá ấy chưa rõ ràng. Cần phải có nhiều thông tin để các NĐT có thể tin cậy và có vẻ như cả 2 DN đều chưa làm marketing cho kế hoạch IPO này đầy đủ”, ông Cung nói. Ông Cung cho rằng, việc nhà nước vẫn giữ CP chi phối ở 2 DN này cũng không phải là vấn đề lớn vì vẫn có thể có những thỏa thuận với NĐT về chia sẻ lợi ích, vai trò ở DN CPH. “Vấn đề là tôi thấy có DN như VNA cách IPO vẫn chưa thoát khỏi tư duy dựa dẫm vào ô bảo trợ của nhà nước như vừa rồi thấy đề xuất xin thêm các chính sách ưu đãi trong đề án CPH”, ông Cung nói.

Riêng với Vinatex, ông Cung cho rằng, khả năng IPO thành công có thể cao hơn do tập đoàn này có cơ hội tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhanh khi Việt Nam ký được TPP và một số hiệp định tự do thương mại (FTA) quan trọng như với EU… cho dù, trong ngắn hạn, hoạt động kinh doanh của Vinatex có thể bị ảnh hưởng do tình hình căng thẳng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Kết quả của 2 cuộc IPO lớn nhất trong năm này là khó dự đoán, nhưng chắc chắn, nó không dễ dàng, suôn sẻ cho cả VNA và Vinatex một khi sự chuẩn bị vẫn chưa kỹ càng, nhất là khâu công bố thông tin. Đến giờ này, nhiều NĐT đang thất vọng khi cả 2 DN lớn này đều chưa công bố rõ về cổ đông chiến lược, đường hướng phát triển, lợi nhuận... Sự thất bại của đa số các cuộc IPO của hàng chục tổng công ty nhà nước lớn từ đầu năm đến nay (Vinamotor, Cienco 5, Cienco 8, Viglacera…) bên cạnh yếu tố thanh khoản của thị trường chứng khoán kém còn do nguyên nhân thiếu thông tin, chưa thu hút được NĐT chiến lược, chưa thấy đường hướng thay đổi về quản trị... là những điều mà VNA và Vinatex cần tham khảo, nếu không muốn tiếp tục bị “ế” hàng trong đợt này.

Tổng giám đốc VNA Phạm Ngọc Minh cho biết: “Tuần qua, Bộ Giao thông vận tải đã trình Chính phủ phương án CPH VNA. Khi được Thủ tướng phê duyệt, dự kiến, chậm nhất sau 3 tháng, chúng tôi sẽ thực hiện IPO. Chúng tôi không lo là sẽ không bán hết CP đấu giá trong đợt này vì số CP bán ra cũng chỉ khoảng 1.100 tỉ đồng. Tín hiệu tích cực đầu tiên là hiện nay, số CP bán cho cán bộ, nhân viên VNA đã được đăng ký mua hết, rất nhiều người đăng ký mua thêm. Tôi nghĩ là NĐT sẽ mua CP của VNA vì đánh giá giá trị của hãng trong tương lai.

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.