Triển vọng vốn FDI

22/06/2014 02:05 GMT+7

Tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài vào hôm qua 21.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài vào hôm qua 21.6, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

 Triển vọng vốn FDI
Chủ tịch UBND TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư cho các DN nước ngoài - Ảnh: N.T.Tâm

Aeon, một tập đoàn bán lẻ Nhật Bản có mặt tại VN từ năm 2009 dưới hình thức văn phòng đại diện, rồi thành lập công ty vào năm 2011. Sau đó, Aeon được trao giấy chứng nhận đầu tư các dự án tại VN với tổng vốn 512 triệu USD để triển khai trung tâm mua sắm Aeon - Tân Phú Celadon (TP.HCM), Aeon - Bình Dương Canary và Aeon - Hà Nội Him Lam.

 

Theo ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở KH-ĐT TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay địa phương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 169 dự án với tổng vốn đăng ký 967 triệu USD, đạt 423% so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra có 53 dự án điều chỉnh tăng vốn 110 triệu USD. Tính chung cả cấp mới và tăng vốn, TP.HCM tiếp nhận khoảng 1,08 tỉ USD, bằng 202% so với cùng kỳ.

Chỉ 6 tháng sau ngày khai trương trung tâm mua sắm đầu tiên ở Q.Tân Phú, Aeon VN quyết định tăng vốn điều lệ thêm 43,3 triệu USD, lên 235 triệu USD. Việc tăng vốn điều lệ này nhằm mục đích xây dựng Aeon - Bình Tân, có vốn đầu tư 128,5 triệu USD, nằm trong khuôn viên Khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La TP.HCM.

Vốn không ngừng chảy

Aeon - Bình Tân và Aeon VN tăng vốn chính là hai trong 5 dự án được UBND TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư đợt này, cùng Ngôi nhà Đức có vốn 38,9 triệu USD; Công ty TNHH Freetrend Industrial (Hồng Kông) vốn 58,2 triệu USD và Công ty TNHH Nikken VN (Nhật Bản) vốn 711.000 USD.

Trước khi TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư cho các nhà đầu tư (NĐT), cả nước cũng ghi nhận nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn vào VN. Trong đó, có thể kể tới dự án Nhà máy xi măng Thăng Long tại Quảng Ninh của Indonesia (352,65 triệu USD); Bệnh viện quốc tế Đại An VN (Canada) tại Hải Dương (225 triệu USD); Khu công nghiệp (KCN) Texhong Hải Hà VN tại Quảng Ninh (215 triệu USD); dự án của Công ty TNHH Ilshin VN (Hàn Quốc) tại Tây Ninh (177 triệu USD). NĐT Hà Lan C.STEINWEG cũng vừa động thổ Trung tâm dịch vụ kho bãi tại KCN Đình Vũ (Hải Phòng) có sản lượng hàng hóa lưu chuyển lên tới 70.000 tấn/năm...

 

Chúng tôi quan tâm sự cố vừa rồi, nhưng cũng nhanh chóng qua đi vì chúng tôi xác định đầu tư vào VN dài lâu nên không thấy có ảnh hưởng gì. Các NĐT Nhật Bản khác cũng có suy nghĩ như vậy

Ông Yasuo Nishitohge, Tổng giám đốc Aeon VN

Không chỉ đăng ký dự án mới, nhiều NĐT nước ngoài cũng đã công bố kế hoạch gia tăng sản xuất ở VN. Ngay sau sự cố ở Bình Dương, Đồng Nai hồi tháng 5, Công ty sản xuất xích xe đạp KMC Kuei Meng International Inc (Đài Loan) quyết định đầu tư 5 triệu USD tại VN. Theo đó, KMC sẽ xây dựng một nhà máy mới có năng lực sản xuất 15 triệu chiếc xích xe đạp/năm ở KCN Amata (Đồng Nai). KMC hiện đã có một nhà máy ở Amata với công suất 10 triệu chiếc xích/năm. Công ty TNHH Pepperl-Fuchs VN (Đức) ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) sản xuất thiết bị cảm ứng công nghệ cao tăng vốn hơn 10 triệu USD và xin cấp thêm 9.000 m2 đất mở rộng nhà máy.

Triển vọng dòng vốn FDI thời gian tới được nhìn nhận là rất khả quan. Bởi mới đây, Tập đoàn Samsung đã làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh để tìm kiếm ưu đãi cho dự án Samsung Display sản xuất màn hình máy tính, điện thoại, ti vi... có vốn dự kiến 1 tỉ USD. UBND TP.HCM cũng đã đồng ý để tập đoàn Hàn Quốc này xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử tổng vốn đầu tư 1 tỉ USD tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Tập đoàn Intel (Mỹ) sẽ đóng cửa cơ sở tại Costa Rica và di chuyển nhà máy tới các địa điểm khác của Intel ở các nước châu Á, trong đó có VN.

Cam kết đầu tư lâu dài

Trao đổi với Thanh Niên, Tổng giám đốc Aeon VN Yasuo Nishitohge đánh giá thị trường VN rất tiềm năng và nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân là rất lớn. “Quá trình triển khai dự án của chúng tôi gặp nhiều thuận lợi. Chúng tôi không chỉ tập trung bán lẻ, kinh doanh mua sắm, mà còn kinh doanh các dịch vụ tài chính, quản lý trung tâm mua sắm... Như đã cam kết ban đầu, kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD ở VN để xây dựng 20 trung tâm mua sắm đến năm 2020 của Aeon cho đến giờ vẫn không thay đổi”, ông Nishitohge nhấn mạnh. Nhận định về dòng vốn đầu tư mới trong thời gian tới, ông cho biết các NĐT Nhật sẽ còn đầu tư mạnh mẽ vào VN. “Chúng tôi quan tâm sự cố vừa rồi, nhưng cũng nhanh chóng qua đi vì chúng tôi xác định đầu tư vào VN dài lâu nên không thấy có ảnh hưởng gì. Các NĐT Nhật Bản khác cũng có suy nghĩ như vậy”, ông nói thêm. Tuy nhiên, để VN hấp thu hiệu quả nguồn vốn đầu tư FDI của Nhật, VN cần cải thiện cơ sở hạ tầng, nhân lực, chuỗi cung ứng...

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, 5 tháng đầu năm 2014, cả cấp mới và tăng vốn, VN thu hút 5,5 tỉ USD vốn FDI, bằng 65,7% so với cùng kỳ 2013. Tuy nhiên, các dự án FDI đã giải ngân được 4,6 tỉ USD, tăng so cùng kỳ. Dẫn đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký.

TS Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết kế hoạch năm nay VN thu hút 20 tỉ USD vốn FDI, giải ngân 11 - 12 tỉ USD. “Chúng tôi đang tập trung hỗ trợ NĐT hiện hữu ở VN để họ có tiếng nói tích cực với các NĐT khác. Chúng tôi cũng lạc quan, tin tưởng vào kế hoạch thu hút vốn trong năm nay. Sự cố vừa rồi đã nhận sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương xử lý tích cực. Các NĐT đánh giá cao cách xử lý của chúng ta. Tôi đã tiếp xúc nhiều NĐT nước ngoài, họ đều khẳng định sẽ mở rộng đầu tư và ở lại VN”, ông Hoàng phát biểu.

Cùng nhận định, báo cáo triển vọng kinh tế VN tháng 6.2014 của Ngân hàng HSBC khẳng định “Các NĐT chính vẫn không thay đổi và vốn FDI vẫn có xu hướng vào VN”. Báo cáo chỉ ra rằng, vốn FDI ở VN đa phần đến từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và Đài Loan. Tuy vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc tăng lên trong những năm gần đây nhưng tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc còn nhỏ. Vì thế mối quan hệ kinh tế giữa VN và Trung Quốc đơn thuần là mối quan hệ chuỗi cung ứng cấp 1 hơn là mối quan hệ đầu tư.

Nhà đầu tư Nhật Bản đăng ký 35,5 tỉ USD ở VN

Tính lũy kế từ trước đến nay, các NĐT đến từ Nhật Bản đăng ký vốn nhiều nhất vào VN với 35,5 tỉ USD; Hàn Quốc 31 tỉ USD; Singapore 30,3 tỉ USD; Đài Loan 27,4 tỉ USD; Hồng Kông 13 tỉ USD, Mỹ 10,6 tỉ USD; Malaysia 10,5 tỉ USD; Trung Quốc 7,8 tỉ USD và Thái Lan 6,4 tỉ USD. Đến nay VN có tổng cộng 101 NĐT nước ngoài, với số dự án còn hiệu lực là 16.433 và tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến 238,3 tỉ USD.

N.Trần Tâm

>> Hơn 500 dự án FDI đăng ký mới 3,67 tỉ USD
>> 20 doanh nghiệp FDI chuyển giá hàng nghìn tỉ đồng
>> Doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 4 tỉ USD
>> Thu hút FDI trong 4 tháng đầu năm chỉ đạt 60% so với cùng kỳ
>> Vốn FDI năm 2013 là 22,35 tỉ USD
>> Hơn 25% DN FDI cung ứng gần 60% sản lượng thức ăn chăn nuôi tại VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.