Khốn khổ vì thủy điện

13/05/2014 08:07 GMT+7

Thủy điện An Khê - Kanak khởi công tháng 5.2005 cũng là lúc khởi đi những khốn khổ của người dân vùng phía đông tỉnh Gia Lai và các huyện, thị có sông Ba chạy qua.

Thủy điện An Khê - Kanak khởi công tháng 5.2005 cũng là lúc khởi đi những khốn khổ của người dân vùng phía đông tỉnh Gia Lai và các huyện, thị có sông Ba chạy qua.

Nhà tái định cư xây rồi để không
 Nhà tái định cư xây rồi để không - Ảnh: Trần Hiếu

Thủy điện An Khê - Kanak có tổng công suất 173 MW, nhà máy đặt ở thị xã An Khê (Gia Lai) và H.Tây Sơn (Bình Định), do EVN đầu tư. Công trình này đều nằm ở bậc thang trên cùng thuộc hệ thống thủy điện trên sông Ba. Nhà máy hình thành, cùng với đó là gần 500 hộ dân với gần 2.400 nhân khẩu trong vùng ngập phải di dời. Họ được bố trí ở 5 khu tái định cư.
 
Theo kế hoạch, EVN phối hợp với địa phương giải quyết 570 ha đất sản xuất cho hơn 430 hộ. Dù vậy đến nay, 136 ha đất sản xuất vẫn chưa được bố trí dù công trình đã đi vào hoạt động từ hơn ba năm nay. Ngoài ra, nhiều người dân H.Kbang (Gia Lai) hiện vẫn kiên quyết không nhận đất bởi theo họ, đất bạc màu, cằn cỗi, đất dốc khó canh tác.
 
Ông Phạm Đình Thu, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai từng bức xúc: “Dân đã ủng hộ thủy điện, chấp nhận tái định canh, định cư. Nơi sản xuất, nơi ở mới phải bằng hoặc hơn nơi cũ nhưng thực tế công trình này chưa phải như vậy. Bức xúc này vẫn chưa được giải quyết cho dân...”.
 
Thực tế, hệ sinh thái sông Ba đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi có thủy điện An Khê - Kanak. Hàng chục ngàn dân mưu sinh dọc sông đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xả nước trả về hạ lưu cũng là vấn đề bàn cãi lâu nay khi không chỉ ở Gia Lai mà ở Phú Yên cũng bị ảnh hưởng đến vấn đề nước tưới. Nóng lòng giải quyết cho dân, tỉnh Gia Lai đã nhiều lần yêu cầu EVN giải tỏa những tồn đọng trên. Nhưng đến nay, vẫn chưa có những động thái nào mạnh mẽ, trong khi dân vẫn dài cổ đợi đất sản xuất.

 Trường mẫu giáo thiếu vắng học sinh
Trường mẫu giáo thiếu vắng học sinh - Ảnh: Trần Hiếu


 
Hơn 100 ngôi nhà tái định cư ở làng Tung, làng Gút thuộc xã Krong, H.Kbang được xây cất san sát như nhà phố thiếu bóng người bởi mô hình này xa lạ với văn hóa bản địa. Theo nhiều người dân, những ngôi nhà này khá nóng, lại không có vườn tược... nên họ không quen. Người dân chọn cách ở trên rẫy, thỉnh thoảng mới tạt qua nhà tái định cư.

Chúng tôi chạy từ đầu làng đến cuối làng mới nghe được tiếng người. Chủ nhà Đinh Blơn đang ngật ngưỡng cơn say. Blơn nói: “Nhà tái định cư không thấy con heo, con gà chạy rông. Mình nói gì nhà bên cũng nghe cả, không thấy thoải mái. Về làng cũ thôi. Đất ở đây khó sống, cây bắp, cây mì như có ai kéo gốc, không lên nổi”. Nhiều em nhỏ theo cha mẹ lên rẫy, cũng quên luôn con chữ ở trường. Nhiều lớp học lúc vào vụ chỉ lèo tèo dăm ba em đến lớp.
 
Được biết, dự án xây dựng khu tái định canh, định cư mới của hai làng Tung và làng Gút có tổng mức đầu tư gần 14 tỉ đồng, di dời 149 hộ dân của hai làng. Làng mới gồm 149 căn nhà xây kiên cố (kiểu nhà sàn), 2 nhà sinh hoạt cộng đồng, 4 trường học (2 trường mẫu giáo, 2 trường tiểu học), 8 giọt nước tự chảy, 1 cầu tràn, hơn 2 km đường bê tông, 1 đường điện thắp sáng và hỗ trợ khai hoang 50 ha đất sản xuất…
 
Từ đầu năm 2011 đến nay tỷ lệ hộ nghèo của hai làng này là trên 90%. Chủ tịch xã Krong, ông Đinh Ních cho biết: “50 ha đất sản xuất được cấp làm được 1-2 mùa rẫy thì không thể sản xuất được nữa vì đồi dốc. Bà con của 2 làng phải di dời về nơi ở cũ cách khu tái định cư hơn 9 km đường rừng để mưu sinh”.
 
Trách nhiệm với dân khi xây dựng công trình thủy điện này vẫn là sự ước mong mỏi mòn.

Trần Hiếu

>> Yêu cầu dừng ngay việc thi công thủy điện Ia Krel 2
>> Thủy điện phải xả nước cho nông dân
>> Người dân vùng thủy điện Bản Vẽ bỏ nơi tái định cư
>> Kiến nghị rút giấy phép các thủy điện không 'trả nợ' rừng
>> Nổ và rung chấn ở hồ thủy điện Đăk Đrinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.