Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Mở rộng sự sáng tạo của người biên soạn

06/05/2014 03:00 GMT+7

Giáo sư Đinh Quang Báo (ảnh), thường trực Ban chỉ đạo Đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015, đã chia sẻ một số giải pháp nhằm khắc phục những “chuyện như đùa” của lần thay sách trước đây.

Giáo sư Đinh Quang Báo, thường trực Ban chỉ đạo Đề án đổi mới giáo dục phổ thông sau 2015, đã chia sẻ một số giải pháp nhằm khắc phục những “chuyện như đùa” của lần thay sách trước đây.

 

Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về xây dựng chương trình - sách giáo khoa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Đội ngũ biên soạn chương trình - sách giáo khoa (CT-SGK) sắp tới sẽ có những tiêu chí như thế nào, thưa ông?

 

Giáo sư Đinh Quang Báo

Trong dự thảo thì chưa có các tiêu chí cụ thể nhưng định hướng thì đã có. Đó là những chuyên gia giỏi lĩnh vực khoa học về môn học đó, tinh thông về nghiệp vụ sư phạm, có am hiểu về tâm lý giáo dục, am hiểu về giáo dục phổ thông… Chuyên gia ấy phải là “hai trong một” vừa là nhà khoa học giỏi vừa phải là nhà sư phạm. Hai tiêu chí đó là quan trọng bậc nhất, ngoài ra thì còn các yếu tố khác như đạo đức tư cách thì đương nhiên phải có.

Nhiều người lo lắng chúng ta chưa có đội ngũ biên soạn CT-SGK chuyên nghiệp thì lấy đâu ra người để có thể xây dựng được một chương trình tích hợp và phân hóa như mong muốn?

Đó là thực trạng. Chúng ta đang rất ít và chưa có ai có thể nói là “tôi đã được đào tạo một cách chuyên nghiệp về biên soạn chương trình môn học và SGK”. Nhưng chờ cho có chuyên nghiệp thì phải chờ đến lúc nào? Trong bước quá độ thì có nhiều cách, như: nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài và tập huấn cho đội ngũ của chúng ta. Thời gian qua, nhiều đoàn đi nước ngoài để học tập cơ sở khoa học cũng như kỹ thuật thao tác biên soạn CT-SGK và nhằm mục đích ấy.

Có ý kiến đề xuất hãy để cho các tổ chức chuyên ngành viết SGK, vừa tận dụng được các nhà chuyên môn đầu ngành, vừa giảm kinh phí, ý kiến của ông như thế nào?

Có giao cho hội này hội kia viết SGK hay không thì Bộ GD-ĐT sẽ quyết định. Nhưng khi đã có chủ trương sẽ có nhiều bộ SGK thì chắc cứ theo cơ chế, ai đăng ký thì viết. Tôi cho rằng các tổ chức chuyên ngành như: sử học, sinh học... thời gian qua đã thể hiện thái độ rất trách nhiệm, đóng góp cho ngành giáo dục. Việc có nhiều bộ SGK, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK sẽ mở rộng sự sáng tạo của những người tham gia làm công tác này.

Đội ngũ xây dựng CT  và viết SGK sẽ là những nhóm tác giả độc lập không?

Cái tách biệt hay không thì sẽ là yếu tố kỹ thuật nhưng theo cá nhân tôi thì sẽ không hoàn toàn tách biệt, mà phải có những cái giao nhau. Nhưng không nên giao nhau 100%, mà để cho nó đa dạng hóa bởi lực lượng làm ra sản phẩm vốn có mối quan hệ qua lại với nhau. Nhưng chắc chắn sẽ phải có sự kế thừa nhau.

Có ý kiến cho rằng chúng ta có thể nhập hẳn CT- SGK của những môn khoa học tự nhiên ở quốc gia mà chúng ta thấy rằng tiên tiến và phù hợp. Làm như vậy vừa không mất thời gian mà vẫn đảm bảo chất lượng lại có thể không tốn kém như việc chúng ta tự xây dựng khi mà có quá nhiều công đoạn như vậy?

Việc hội nhập quốc tế là đương nhiên và giáo dục không thể là một ốc đảo trong quá trình hội nhập đó. Thực tế, nước ta đã từng hội nhập, trong đó có việc sử dụng kinh nghiệm của nước ngoài để thực hiện những vấn đề cụ thể như CT-SGK. Tôi nghĩ xưa nay chúng ta vẫn học tập nhưng mà bê nguyên xi của một nước nào đó thì tôi nghĩ cũng khó và cũng không nên nghĩ đó là cách làm tuyệt đối.

Chúng ta có đổi mới giáo dục phổ thông theo mô hình của một nước nào cụ thể không, thưa ông?

Mô hình của một quốc gia nào đó ta thấy hay thì phải học tập nhưng bảo rằng bê nguyên xi mô hình ấy thì không hẳn thế. Tức là nó phải là một nhận thức phải ngấm thành cái của mình. Ta học cái đó nhưng phải biến thành của mình thì mới thành công.

Công khai tiêu chuẩn để tổ chức, cá nhân tham gia viết SGK

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận từng phát biểu: Việc không có tổng chủ biên chương trình của lần thay sách trước sẽ là bài học kinh nghiệm “xương máu” cho lần đổi mới CT-SGK sau năm 2015.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Chương trình mới sẽ đảm bảo có tổng chủ biên”. Bên cạnh đó, có thể chế hóa, quy định rõ tiêu chí tiêu chuẩn của người tham gia biên soạn CT-SGK. Trong quá trình thực hiện phải có giám sát từ trong và ngoài nhà trường.

Theo Bộ GD-ĐT, chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống. Chương trình thiết kế theo 2 giai đoạn: Cấp tiểu học và THCS là bắt buộc (giáo dục cơ bản); chương trình cấp THPT là nâng cao, phân hóa và tiếp cận nghề nghiệp (sau giáo dục cơ bản). Căn cứ chương trình tổng thể (đã được thẩm định và phê duyệt) để xây dựng dự thảo chương trình các môn học từ lớp 1 đến lớp 12.

Từ chương trình quốc gia, có thể có nhiều bộ SGK hoặc cuốn SGK khác nhau để đáp ứng tính đa dạng vùng miền và đặc điểm nhận thức của các đối tượng khác nhau…Theo ông Hiển, Bộ sẽ công khai các tiêu chuẩn và cách thức đánh giá SGK nhằm động viên khuyến khích các tổ chức xã hội và cá nhân tham gia viết SGK.

Tuệ Nguyễn - Lê Đăng Ngọc

>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: 'Sách nước mình không giống ai
>> Xin lùi thời hạn trình Quốc hội Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa
>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Vẫn có cách làm tốt mà ít tiền
>> Đổi mới chương trình, sách giáo khoa: Bộ GD-ĐT không nói được chi tiền vào đâu
>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Hơn 34.000 tỉ đồng, chỉ toàn khẩu hiệu !
>> Đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông: Lo không thực hiện kịp
>> Ì ạch đổi mới chương trình sách giáo khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.