Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 3: Ân tình bản làng Mường Phăng

07/05/2014 07:00 GMT+7

(TNO) Gần nửa năm trôi qua, kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Khu di tích hầm Đại tướng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) như không ngủ bởi dòng người dâng hương tưởng nhớ chưa lúc nào ngớt.

(TNO) Gần nửa năm trôi qua, kể từ ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Khu di tích hầm Đại tướng (xã Mường Phăng, huyện Điện Biên) gần như không ngủ bởi dòng người dâng hương tưởng nhớ chưa lúc nào ngớt.

>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 1: 56 ngày đêm 'khoét núi, ngủ hầm, máu trộn bùn non
>> Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ và ký ức người lính - Bài 2: Những cuộc trùng phùng
>> Dòng người đổ về Vũng Chùa viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Đại tướng và nhà văn
>> 300 hình ảnh về cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Bỏ nương bỏ rẫy để tang Đại tướng

Nằm cách trung tâm TP.Điện Biên Phủ chừng 40 km, cung đường khúc khuỷu len lỏi giữa những cánh rừng đại ngàn đưa chúng tôi lên mảnh đất Mường Phăng lịch sử. Suốt những năm tháng chiến dịch Điện Biên Phủ, Sở chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt tại nơi đây. 60 năm đã qua đi, Đại tướng cũng không còn nhưng thương nhớ ân tình của người dân bản làng Mường Phăng dành cho Đại tướng chưa hề nguôi.

Bác Lò Văn Ương (39 tuổi) - Trưởng bản Phăng 3, xã Mường Phăng chưa thể quên được giây phút cả bản làng nhận tin “dữ”. Ở xa trung tâm, thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn nên tới sáng cả bản mới biết tin Đại tướng mất. Hôm ấy, bác Ương là người gọi “loa” thông báo tin buồn tới từng hộ dân trong bản.

Chưa đầy 15 phút sau, tất thảy người dân đã đến đông đủ. Từ già tới trẻ, chẳng ai bảo ai, cứ thế cùng nhau khóc rưng rức trước cổng chính dẫn lên khu di tích, nơi có lán trại Đại tướng làm việc. Cả một tuần sau đó, người dân trong bản bỏ nương, bỏ rẫy quây quần ở những nhà có ti vi để dõi theo thông tin từng phút, từng giờ về lễ viếng Đại tướng ở căn nhà số 30 phố Hoàng Diệu và quê nhà Quảng Bình.

Mường Phăng
Lán ở và làm việc của Đại tướng ở rừng Mường Phăng 60 năm trước vẫn được lưu giữ tới hôm nay - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Mường Phăng
Bàn thờ Đại tướng ở tầng 2 Khu di tích Hầm Đại tướng để cho người dân thắp hương tưởng nhớ - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Một bàn thờ đơn sơ chỉ có hương khói và di ảnh Đại tướng được lập vội ở bên ngoài lối dẫn lên khu di tích để cho người dân làm lễ viếng. Bà con làng bản xung quanh, cựu binh chiến trường Điện Biên năm xưa… xếp hàng chật kín khoảng sân trước khu di tích chờ đến lượt dâng hương tưởng nhớ.

Cả tuần lễ đầu tiên sau ngày Đại tướng vĩnh viễn ra đi, dòng người đổ về Mường Phăng không ngớt. Hôm 13.10.2013, cả Mường Phăng như lặng im, cùng khóc thương tiễn đưa linh cữu Đại tướng về đất mẹ Quảng Bình.

Trên ban thờ, ngoài hương khói, bánh kẹo còn có những bó hoa rừng của người dân Mường Phăng dâng lên Đại tướng. Trong đó có nhiều loài hoa vừa được ngắt vội trong rừng già mà vẫn chưa kịp biết tên.

Tròn 10 năm về trước, chị Lường Thị Ngoan (26 tuổi, ở bản Phăng 1) may mắn được gặp Đại tướng ở chính bản làng mình. Ngày đó, cả Mường Phăng như ngày hội. Người dân Điện Biên đứng kín bìa rừng đón Đại tướng trở về.

Chị Ngoan còn nhớ cả những lần trở về thăm trước đó, Đại tướng trồng cây bưởi trên hầm, cây hoa ban ở khoảng sân khu di tích. Nhưng năm nay thì khác. Cây ban đã nở hoa, cây bưởi đã ra quả, nhưng đại lễ kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ không còn Đại tướng nữa.

“Ông già đánh giặc” ở rừng Mường Phăng

Ở Mường Phăng, những người từng gặp Đại tướng ở chiến dịch Điện Biên Phủ còn lại tới bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà Lù Thị Đôi (101 tuổi, ở bản Phăng 3, xã Mường Phăng) là một trong số ít ỏi đó. 60 năm qua đi, bà vẫn nhớ như in những ngày đầu chiến dịch Điện Biên Phủ bà vinh dự được Đại tướng giao nhiệm vụ dẫn công binh tìm đường để đào hầm Sở chỉ huy.

Mường Phăng

Mường Phăng
Bà Lù Thị Đôi (101 tuổi, ở bản Phăng 3, xã bản Phăng và
tấm hình chụp chung với Đại tướng cách đây 10 năm về trước - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Suốt những năm tháng sau này, bà là người trực tiếp đi vận động dân làng góp gạo nuôi quân. Cả chiến dịch Điện Biên Phủ bà vận động được 5 con trâu mộng và 9 tấn gạo tiếp tế cho bộ đội đánh giặc.

Bà bảo, Đại tướng trong lòng mình như anh, như cha. Tình cảm gắn bó hơn cả máu thịt. Ngày biết tin Đại tướng mất, bà ngồi khóc cả ngày. Hôm viếng cuối cùng, mắt mờ, chân mỏi, bà vẫn chống gậy nhờ con cháu dẫn đi hái hoa rừng để dâng lên ban thờ Đại tướng.

Trong lúc trò chuyện, bà Đôi lấy ra một tấm ảnh nói rằng đó kỷ vật quý báu với Đại tướng còn giữ lại được. Một tấm hình thật đặc biệt. Trong ảnh có bà Đôi đang òa khóc, tay cầm một bông hoa rừng. Đại tướng nhân hậu, tóc bạc, ngồi ngay bên cạnh.

Tấm hình được chụp tại Khu di tích Hầm Đại tướng vào năm 2004. Đây cũng là lần cuối cùng Đại tướng trở lại thăm hầm chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ sau này.

Tấm ảnh sau đó được người thân trong gia đình Đại tướng đóng hộp gửi về qua bưu điện. Tấm ảnh đã bạc màu nhưng bà Đôi luôn gìn giữ như báu vật, đóng trong khung gỗ cẩn thận và đưa lên ban thờ sau ngày biết tin Đại tướng mất.

Ở Mường Phăng, chẳng cần phải cụ già hay người lớn, từ những đứa trẻ nhỏ mới học lớp 1, lớp 2 đã biết gọi tên Đại tướng bằng Cụ, bằng Ông. Trong lòng con trẻ sau này, Đại tướng là cả huyền thoại của quê hương.

Em Lò Thị Thu Hiền (học sinh lớp 1, trường tiểu học Võ Nguyên Giáp) hồn nhiên kể: “Cháu thấy ông nội hay kể về Cụ Giáp lắm. Ông bảo Cụ Giáp đuổi giặc, giữ làng, giữ bản. Ngày trước Cụ ở trên rừng kia nhưng không bao giờ được gặp Cụ nữa đâu. Trên lớp học cũng được các cô giáo nhắc chúng em phải luôn luôn ghi nhớ công lao của Cụ”.

Giống như Hiền, khi hỏi về Đại tướng, nhiều em học sinh ở Mường Phăng cùng chung suy nghĩ. Cô Mạc Thị Hảo - Hiệu trưởng trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp kể, vào các ngày mồng 1 và 15 hàng tháng, trường đều đặn tổ chức cho học sinh dâng hương, tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ tới Đại tướng.

Mường Phăng
Sau khi Đại tướng mất, trường mầm non, tiểu học, trung học Mường Phăng đồng loạt đổi tên thành Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Ngày Đại tướng mất, nhiều em mắt sưng húp, khóc thương cho Đại tướng. “Thầy trò hạnh phúc lắm khi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi khi được nghe thầy cô kể chiến dịch Điện Biên Phủ và câu chuyện về Đại tướng, các em học sinh đều hào hứng và say mê”, cô Hảo bộc bạch.

Chẳng thế mà, sau khi Đại tướng mất, các trường mầm non, tiểu học, trung học Mường Phăng đồng loạt được đổi tên thành trường Võ Nguyên Giáp. Hồ thủy lợi Lọng Luông 1, rừng Mường Phăng cũng được bà con thân mật gọi bằng hồ, rừng Đại tướng.

Thế mới biết, cái tâm của vị Đại tướng nhân dân thấm vào lòng dân bản Mường Phăng sâu nặng biết nhường nào!

Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.