Lãng phí ở tỉnh nghèo - Kỳ 8: Nhà tang lễ thành nơi... nuôi heo

14/04/2014 02:45 GMT+7

Công trình nhà tang lễ ở Gia Lai được xây dựng hoành tráng, nhưng chưa một lần sử dụng và đã để hoang gần 7 năm nay, trong khi tỉnh còn nghèo, nhiều năm liền kêu gọi trung ương hỗ trợ.

Công trình nhà tang lễ ở Gia Lai được xây dựng hoành tráng, nhưng chưa một lần sử dụng và đã để hoang gần 7 năm nay, trong khi tỉnh còn nghèo, nhiều năm liền kêu gọi trung ương hỗ trợ.

 Nhà tang lễ thành nơi... nuôi heo

Nhà tang lễ thành nơi... nuôi heo 2
Nhà tang lễ được xây dựng hoành tráng nhưng đang được tận dụng để nuôi heo (ảnh dưới) - Ảnh: Trần Hiếu

Nhà tang lễ nằm ngay vị trí đắc địa: mặt tiền đường Lê Duẩn (P.Thắng Lợi, TP.Pleiku), trong khuôn viên rộng cả ngàn mét vuông. Công trình được khởi công và hoàn thành năm 2007, với tổng mức đầu tư gần 7 tỉ đồng, nhằm phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng. Các hạng mục như nhà làm lễ, phòng chờ... cũng như kết cấu được làm khá hoành tráng. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, nhà tang lễ không hề tổ chức một buổi lễ đưa tiễn người quá cố, vì tất cả những gia đình có người thân qua đời đều làm lễ tại nhà, sau đó đưa thẳng ra nghĩa trang.

“Còn nghèo mà chơi sang quá”

Có mặt tại nhà tang lễ, PV Thanh Niên nhận thấy toàn cảnh công trình cũng như khu vực nhà tang lễ rất nhếch nhác, nhiều hạng mục đang trên đà xuống cấp vì để hoang từ nhiều năm nay. Nền nhà đầy bụi đỏ. Khu vực làm lễ rộng thênh thang phủ bụi và mạng nhện giăng đầy. Sự lãng phí tiền đóng thuế của dân từ việc xây dựng công trình này khiến dư luận bức xúc. Ông Hồ Minh Hoàng, một người dân TP.Pleiku, chua chát: “Đổ tiền tỉ ra xây nhà tang lễ rồi bỏ không. Tôi không hiểu những ông lãnh đạo nghĩ gì nữa. Gia Lai của mình đất còn rộng, dân thưa, có phải như các thành phố lớn đâu mà làm như vậy. Nếu có làm thì chắc phải hơn cả chục năm nữa mới cần… Tỉnh mình còn nghèo mà chơi sang quá, xây hẳn một công trình bề thế vậy rồi để không”.

Điều đáng nói, từ hơn 2 năm nay, Sở LĐ-TB-XH Gia Lai - đơn vị được chuyển giao quản lý nhà tang lễ - đã “linh động” cho bà Nga, một người dân địa phương, sử dụng khu nhà tang lễ để ở. Lúc PV đến, hai mẹ con bà Nga đang lúi húi xếp lại mấy thùng to chứa bình, lọ sứ dùng để trồng cây cảnh. Hai bên khuôn viên nhà tang lễ từ lâu gia đình bà Nga đã biến thành vườn cây cảnh để kinh doanh. Chúng tôi hỏi mỗi năm bà có tốn nhiều tiền để thuê khuôn viên này không, thì bà Nga trả lời: “Hơn hai mươi triệu đồng”.

Trong khuôn viên nhà tang lễ, cách vách tường nhà chưa đến 5 m, gia đình bà Nga tận dụng làm chỗ chăn nuôi heo. PV vừa bước xuống, đàn heo đói ăn kêu eng éc vang cả một vùng. Khi được hỏi nếu muốn thuê dịch vụ tang lễ ở đây thì hỏi ai, bà Nga chỉ lên Sở LĐ-TB-XH Gia Lai để liên hệ, còn bà hoàn toàn không biết.

Trong kỳ họp Quốc hội năm 2013, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đã đề cập đến sự lãng phí, đầu tư chưa đúng trọng điểm về công trình nhà tang lễ ở Gia Lai. Thế nhưng, sau đó công trình vẫn để không. Để làm rõ hơn vấn đề này, Thanh Niên đã trực tiếp đến liên hệ làm việc với Sở LĐ-TB-XH Gia Lai, nhưng được bộ phận văn phòng thông báo: “Toàn bộ lãnh đạo cơ quan bận họp!”.

45% công trình nước sạch để hoang, kém hiệu quả

Gia Lai vẫn là tỉnh nghèo thuộc khu vực Tây nguyên cũng như cả nước, với tỷ lệ hộ nghèo còn trên 17%, trong đó số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm gần 83%. Tại nhiều vùng sâu vùng xa, dù có nhiều chương trình đầu tư, ưu đãi nhưng đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn. Năm 2013, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt trên 3.550 tỉ đồng, tuy tăng so với các năm trước, nhưng vẫn là tỉnh thu không đủ chi. Nhiều năm liền, tỉnh vẫn phải xuất ngân sách hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân hay kêu gọi trung ương hỗ trợ.

Tuy vậy, nhiều công trình dân sinh ở tỉnh đang bị lãng phí. Chẳng hạn, công trình Nhà máy nước sạch thị trấn Ia Kha, H.Ia Grai, được đầu tư 16 tỉ đồng, tuy đã hoàn thành hơn 6 năm nay nhưng người dân vẫn chưa được thụ hưởng nguồn nước sạch từ nhà máy. Hàng loạt hạng mục của nhà máy được đầu tư tiền tỉ đang bị hư hỏng qua thời gian.

Ngoài ra, hàng chục công trình nước sạch khác được đầu tư hàng chục tỉ đồng cũng đang bị bỏ hoang hoặc hoạt động kém hiệu quả. Trong đợt kiểm tra mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phát hiện một sự thật kinh hoàng: 783/1.742 công trình nước sạch ở Gia Lai bỏ không, hoạt động kém hoặc chưa hiệu quả. Đây là sự lãng phí không thể chấp nhận ở một tỉnh nghèo.

Trần Hiếu

>> Tuyên chiến với lãng phí
>> Xử lý người ra quyết định gây lãng phí
>> Lãng phí ngân sách là có tội với dân
>> Bó tay' với thất thoát, lãng phí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.