Hồ lớn trên mặt trăng sao Thổ

04/04/2014 14:15 GMT+7

(TNO) Sau khi giám định chứng cứ mới do tàu Cassini của NASA truyền về, các nhà khoa học cho biết nhiều khả năng có sự tồn tại của “đại dương” nước bên dưới bề mặt Enceladus, một trong những mặt trăng của sao Thổ.

(TNO) Sau khi giám định chứng cứ mới do tàu Cassini của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) truyền về, các nhà khoa học cho biết nhiều khả năng có sự tồn tại của “đại dương” nước bên dưới bề mặt Enceladus, một trong những mặt trăng của sao Thổ.


Hình ảnh cho thấy các cụm hơi băng phun ra ở cực nam của Enceladus - Ảnh: NASA

Trong lần mới nhất bay ngang qua thiên thể trên, tàu du hành Cassini thu thập dữ liệu cho phép các nhà nghiên cứu xác nhận được lực hấp dẫn của một khối lượng lớn nước trên Enceladus.

“Những lần đo đạc đều cho kết quả nhất quán về sự hiện diện của một hồ chứa nước có kích thước cỡ Hồ Superior ở Bắc Mỹ”, the BBC dẫn lời Giáo sư Luciano Iess của Đại học Sapienza tại Rome (Ý).

Giới khoa học gia lần đầu tiên nghi ngờ mặt trăng của sao Thổ có thể chứa một khối lượng nước, khi Cassini vào năm 2005 đã bắt được sự khuếch tán ánh sáng của hơi băng thoát ra từ những khe nứt trên bề mặt cực nam của Enceladus.

Cũng như chuyên gia Iess, Giáo sư Andrew Coates thuộc Đại học Cao đẳng London (Anh) cho rằng Enceladus ắt hẳn là thiên thể gần nhất và nhiều khả năng nhất có thể tìm được sự sống ngoài Trái đất.

Giáo sư Coates liệt kê những đặc điểm có thể giúp dung dưỡng sự sống, bao gồm nhiệt lượng, nước dưới dạng lỏng…, và câu hỏi duy nhất là liệu đã đủ thời gian để sự sống phát triển trên thiên thể trên hay không.

Hạo Nhiên

>> Xác định tuổi của vành đai sao Thổ
>> NASA công bố bức ảnh toàn cảnh chụp sao Thổ
>> Mưa kim cương rực rỡ trên sao Thổ, sao Mộc
>> Hình ảnh Trái đất nhìn từ sao Thổ 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.