Uể oải sức mua

01/04/2014 09:00 GMT+7

Chỉ số CPI giảm, sức mua xuống đáy, sản xuất tiếp tục đình đốn, số doanh nghiệp giải thể vẫn cao... Nhiều ý kiến cho rằng đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ giảm phát của nền kinh tế.

Chỉ số CPI giảm, sức mua xuống đáy, sản xuất tiếp tục đình đốn, số doanh nghiệp giải thể vẫn cao... Nhiều ý kiến cho rằng đây là những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ giảm phát của nền kinh tế.

Uể oải sức mua
Các chợ đều vắng khách mua - Ảnh: Diệp Đức Minh

Ế đều khắp nơi

Những chủ sạp ngồi "ngáp ruồi", những bộ mặt buồn thiu vì vắng khách, những dãy hàng chỉ có người bán gà gật nhìn nhau... Đó là hình ảnh có thể gặp ở hầu hết các chợ, từ trung tâm thành phố ra vùng ven hiện nay. Nếu như trước đây, người dân chỉ thắt lưng buộc bụng khi giá cả tăng cao thì nay giá giảm cũng chẳng ai mua. Hàng thiết yếu hằng ngày như rau quả, thịt... cũng ế.

Chưa có dấu hiệu để khẳng định rằng có giảm phát. Song TS Cao Sỹ Kiêm cũng không phủ nhận nền kinh tế đang ở giai đoạn bình bình khá... khó chịu

Chỉ tay vào một người bán thịt tươi sống đang ngồi ngáp, chị Hoa, tiểu thương chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình, TP.HCM) ngán ngẩm nói: “Không phải hàng đắt hay rẻ, mà là chợ không có khách. Anh nhìn đấy, vắng như chùa nên chợ ế đều, hàng gì cũng ế”. Để minh chứng, chị Hoa lại chỉ tay về phía khu kinh doanh hàng thời trang, quần áo vốn dĩ luôn đông đúc nói tiếp: “Hàng áo quần chợ này vốn nổi tiếng mua bán xôm tụ, đông khách nay cũng vắng ngắt. Hàng ăn uống, hàng khô cũng ế. Ngay đến hàng rau củ tươi là mặt hàng sử dụng hằng ngày cũng ế thì ngành hàng khác bán sao được”.

Chợ lẻ thê thảm, chợ đầu mối cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc chợ đầu mối Bình Điền (TP.HCM) nói như than: “Ế lắm, cái gì cũng ế, ế chung hết. Tôi đang rất phân vân. Chúng ta cứ lo lạm phát nhưng bây giờ giảm phát càng nguy hiểm hơn”. Tại các siêu thị, tình hình cũng tương tự. Theo ông Huỳnh Hữu Tuấn, đại diện siêu thị Citimart Huỳnh Tấn Phát (Q.7, TP.HCM), các chương trình khuyến mãi đầy rẫy nhưng cũng đã trở nên nhàm chán. Nhu cầu có nhưng người dân liệu cơm gắp mắm, gói ghém chỉ mua những gì cần thiết nên sức mua không thể khá lên.

Nhận xét về "bức tranh" trên, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng đó là những dấu hiệu cho thấy kinh tế đang suy thoái. Tuy nhiên, theo TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giảm phát là khi chỉ số GDP giảm liên tục và kéo dài ít nhất trong 2 quý. Nhưng GDP quý 1 vẫn tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua và nếu theo định nghĩa “giảm phát là lạm phát âm” thì lạm phát Việt Nam đang được kiểm soát tốt. Chưa có dấu hiệu để khẳng định rằng có giảm phát. Song TS Cao Sỹ Kiêm cũng không phủ nhận nền kinh tế đang ở giai đoạn bình bình khá… khó chịu.

Với kinh nghiệm điều hành, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, phân tích nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm liên tiếp trong nhiều tháng, kèm theo sức mua, giá cả xuống thấp thì khi đó nền kinh tế mới có dấu hiệu giảm phát. Hiện tại, số liệu cho thấy trong tháng 2 chỉ số CPI giảm so với trước đó, tháng 3 lại âm cũng chưa thể khẳng định được mà cần tiếp tục theo dõi sát sao. Tuy nhiên, về tổng thể nhìn chung trong quý 1/2014 CPI vẫn tăng 0,8% so với tháng 12/2013 vẫn là số liệu tốt, nằm trong dự báo. Đối với một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, lạm phát khoảng 3 - 4% là mức rất tốt, nó tạo ra sự ổn định và niềm tin rất lớn.

Tín dụng tăng trưởng âm

Tính đến giữa tháng 3.2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng vẫn giảm 1,05% trong khi huy động vốn vẫn tăng 1,92% so với cuối năm 2013.

Theo dự báo của Cục Quản lý giá, tháng 4 này nhiều khả năng lạm phát sẽ diễn biến theo chiều hướng tăng thấp. Trong đó các mặt hàng như lương thực, thực phẩm sẽ biến động vì đang trong giai đoạn chuyển mùa có thể bị sâu bệnh, dịch bệnh. Bên cạnh đó mặt hàng năng lượng rất khó kiểm soát do phụ thuộc vào giá thế giới. Chưa thể khẳng định được đó là dấu hiệu giảm phát, nhưng vẫn cần phải theo dõi kỹ lưỡng trong các tháng tiếp theo để có chính sách điều hành kịp thời.

Không giải quyết nợ xấu, giảm phát phải nghĩ tới

Để thoát tình trạng “bình bình” này, theo TS Cao Sỹ Kiêm, phải giải quyết điểm nghẽn về vốn cho DN. Đó là nợ xấu. DN nợ xấu nhiều thì ngân hàng không dám cho vay, ngân hàng không cho vay, DN không tiếp tục hoạt động sản xuất được. Lúc đó, nền kinh tế có nhiều nguy cơ hơn chỉ là một nguy cơ giảm phát. "Nợ xấu nếu không giải quyết một cách tích cực, nguy cơ giảm phát cũng cần nghĩ tới”, TS Kiêm cảnh báo.

Chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn tỏ ra sốt ruột khi cho rằng, không nên để kéo dài tình trạng "bình bình". Cần có sự can thiệp từ phía Chính phủ đối với hệ thống ngân hàng, củng cố hệ thống DN tư nhân, cơ cấu các DN nhà nước… "Quan trọng nhất và then chốt nhất là củng cố được niềm tin của khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ phải cho các DN thấy được tương lai có sự phát triển. Từ đó các DN sẽ cố gắng phục hồi sản xuất, thúc đẩy đầu tư mở rộng. Để làm được điều đó cần có những giải pháp rất cụ thể chứ không chỉ nói suông" - ông Huỳnh Bửu Sơn nói.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Sơn, hiện chu kỳ của nền sản xuất Việt Nam đang ở sườn dốc đi xuống. Thông thường, sau khi đi xuống có thể sẽ đi lên lại. Nhưng nếu không có chính sách tốt để kéo lên thì mức độ giảm sẽ còn nhanh hơn. "Chính sách kích thích cho sản xuất thời gian qua hơi chậm. Các chính sách về tín dụng, thuế, cải cách về luật chưa có nhiều thay đổi. Chẳng hạn, giảm lãi suất đầu vào vừa qua xuống thấp nhưng lãi vay thực tế chưa giảm nhiều. Hầu hết các DN vẫn phải đang trả lãi ở mức 11 - 12%/năm. Đó là chưa kể hàng loạt chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vận chuyển... vẫn gia tăng khiến các DN không thể gồng mình chịu đựng được lâu hơn. Nếu cứ kéo dài sẽ tạo cơ hội cho các DN nước ngoài, hàng nhập khẩu... chiếm lĩnh thị trường trong nước”, ông Sơn phân tích.

Thông thường để khẳng định được giảm phát phải tính theo năm chứ ít khi tính theo tháng. Hiện nay so với các quốc gia trong khu vực thì lạm phát của VN vẫn ở mức cao, theo quan điểm của tôi thường với nền kinh tế như của chúng ta thì lạm phát 3% là vừa. Khi đó, lãi suất mới có cơ hội giảm được, DN có điều kiện tiếp cận tín dụng với mức lãi suất rẻ hơn, từ đó đẩy mạnh được sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.

TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)

Ng.Nga - M.Phương - H.Việt - A.Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.