Viễn cảnh chiến binh robot: Bộ giáp siêu nhân

28/03/2014 09:00 GMT+7

Bên cạnh các dự án phát triển robot chiến binh, Mỹ cũng đang nghiên cứu chế tạo những bộ giáp mang lại sức mạnh siêu nhân cho binh sĩ.


Bộ trang phục công nghệ cao HULC của hãng Lockheed Martin - Ảnh: Lockheed Martin 

>> Viễn cảnh chiến binh robot

Có vẻ như ngẫu nhiên sau khi bộ phim Iron Man khởi chiếu vào năm 2008, các công ty quốc phòng đã chạy đua nghiên cứu chế tạo những bộ khung giáp giúp tăng cường sức mạnh cho binh sĩ. Theo CNN dẫn lời chuyên gia Thomas Sugar của Đại học Arizona (Mỹ), chỉ khoảng 5 năm nữa, các bộ khung giáp người máy như vậy sẽ được sử dụng trong quân đội. Không chỉ trang bị thiết bị tăng sức mạnh cơ bắp, các bộ khung giáp còn giúp ngừa chấn thương tiềm tàng trong quá trình tác chiến.

Tăng sức mạnh đến 17 lần

“Bộ khung giáp về cơ bản là một robot mang trên người giúp tăng sức mạnh, khả năng chịu đựng cũng như sự nhanh nhẹn của người mặc”, theo BBC dẫn nguồn từ Raytheon, một công ty quốc phòng Mỹ thiết kế một bộ khung giáp quân sự có tên là XOS 2. Trong cuộc thử nghiệm hồi năm 2010, bộ giáp bằng kim loại với ứng dụng thủy lực giúp tăng sức mạnh của người mặc lên đến 17 lần và giúp họ dễ dàng nâng vác vật nặng tới 90 kg, theo CNN. “Các nhân viên hậu cần trong quân đội Mỹ thường phải vận chuyển gần 7,3 tấn thiết bị vật dụng mỗi ngày. Với sự hỗ trợ của trang phục XOS 2, họ có thể mang vác vật nặng ở những chỗ chật hẹp mà xe nâng không tới được”, Fraser Smith, một quản lý cấp cao của Raytheon cho biết. Hãng Raytheon khẳng định người mặc bộ khung giáp có thể làm thay việc của cả 2 - 3 người lính và hy vọng nếu mọi việc suôn sẻ, XOS 2 sẽ được tham chiến vào năm 2015.

Tập đoàn vũ khí Mỹ Lockheed Martin cũng có phiên bản riêng của bộ khung giáp phục vụ chiến đấu mang tên HULC, vốn được lục quân Mỹ tài trợ phát triển. “Đôi chân” được làm từ titan của HULC giúp người mặc có thể thực hiện nhiều chuyển động khác nhau từ bò, ngồi xổm và nhảy cho đến chạy. Một khi khoác HULC lên người, các binh sĩ dễ dàng mang vác vật nặng tới 91 kg mà không hề nhọc công. Thậm chí, họ có thể chạy với tốc độ 11 km/giờ trong thời gian dài hay 16 km/giờ với thời lượng ngắn hơn. Đó là nhờ cơ chế chuyển tải trọng lượng từ toàn thân xuống đất thông qua “đôi chân” titan. Theo Lockheed Martin, các binh sĩ mặc HULC có thể mang theo gần 60 kg vũ khí khi tham chiến. Các cảm biến trên bộ giáp sẽ tăng năng lực chiến đấu của binh sĩ thông qua việc sớm nhận dạng kẻ địch. Bộ trang phục này có thể điều chỉnh theo kích cỡ người mặc và pin của nó cho phép hoạt động liên tục trong hơn 72 giờ.

Cũng có lẽ lấy cảm hứng từ Iron Man, một bộ khung giáp có gắn máy tính thông minh siêu nhỏ với chức năng phân tích tình hình tác chiến, báo hiệu nguy hiểm cho người lính có tên TALOS đã được chế tạo. Được làm từ các vật liệu chống đạn, TALOS có trang bị thêm các bộ cảm biến điện tử giúp giám sát thân nhiệt, nhịp tim cũng như tăng thị lực cho người mặc trong màn đêm. Việc mang vác các thiết bị nặng cũng không thành vấn đề với người lính khi TALOS có chức năng tăng sức mạnh cơ bắp cho người mặc. Nó còn có khả năng phát hiện các chấn thương và biết cách điều trị vết thương. Dự kiến, TALOS sẽ được thử nghiệm vào tháng 6 tới, theo trang Military.com dẫn nguồn từ giới chức quốc phòng Mỹ. Đô đốc William McRaven, chỉ huy Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Mỹ cho biết ông hy vọng TALOS sẽ được đưa ra chiến trường sớm nhất là vào tháng 8.2018 sau khi đã trải qua các cuộc thử nghiệm gắt gao.

Quân phục Warrior Web

Tham gia phát triển áo giáp cho siêu chiến binh còn có Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến của Mỹ (DARPA). Hiện DARPA đang nghiên cứu một chương trình mới gọi là Warrior Web nhằm phát triển các bộ trang phục lấy cảm hứng từ bộ phim Batman. Thay vì phụ thuộc vào các bộ khung giáp nặng nề, Warrior Web được tinh giản thành bộ đồ nhẹ mỏng để mặc dưới quân phục và trông giống như bộ đồ bơi của thợ lặn. Loại trang phục bảo hộ này hoạt động theo cơ chế giúp tăng sức mạnh cơ bắp của người lính, giúp họ làm những công việc hằng ngày hiệu quả và an toàn hơn, theo BBC. Các binh sĩ có thể kéo dài hoạt động mang vác thiết bị súng ống nặng hơn 45 kg và di chuyển qua nhiều địa hình gập ghềnh hiểm trở mà không ngại mất sức hoặc chấn thương. Các bộ phận cảm biến trên áo cũng có tác dụng giảm nguy cơ chấn thương khi hỗ trợ các khớp xương. Một ưu điểm khác của bộ trang phục này là ít tiêu hao năng lượng khi chỉ sử dụng nguồn pin 100 watt… Rõ ràng, những bộ trang phục công nghệ cao một khi được áp dụng sẽ giúp cho quá trình tác chiến của các binh sĩ trở nên dễ dàng hơn, chưa kể chúng góp phần giảm bớt thương vong trên chiến trường.

Danh Toại

>> Anh tuyển 'chiến binh mạng
>> Áo cho siêu chiến binh
>> Trung Quốc đang phát triển chiến binh rô bốt?
>> Tham vọng siêu chiến binh “nửa người nửa máy”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.