Đái tháo đường thai kỳ

12/03/2014 09:54 GMT+7

Thưa bác sĩ, tôi 32 tuổi, ở Kiên Giang, mang thai 5 tháng, con đầu tiên. Cách đây một tuần tôi đi khám thai định kỳ bác sĩ báo tôi bị tiểu đường. Vậy tôi xin hỏi cách chẩn đoán bệnh? Thai con tôi có nguy cơ gì không? Cách điều trị bệnh? Cám ơn bác sĩ. (tranthituyeth…@gmail.com)

Thưa bác sĩ, tôi 32 tuổi, ở Kiên Giang, mang thai 5 tháng, con đầu tiên. Cách đây một tuần tôi đi khám thai định kỳ bác sĩ báo tôi bị tiểu đường. Vậy tôi xin hỏi cách chẩn đoán bệnh? Thai con tôi có nguy cơ gì không? Cách điều trị bệnh? Cám ơn bác sĩ. (tranthituyeth…@gmail.com)

BS.CK Lâm Huyền Trang, Chuyên khoa Nội tiết,  Y - Nha khoa Vạn Phước.

Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ được định nghĩa là những trường hợp được phát hiện đường huyết cao lần đầu tiên trong thời gian mang thai.

Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ bằng cách nào?

Ngay khi thai phụ đến khám thai lần đầu nên đánh giá các yếu tố nguy cơ. Nếu thai phụ có các yếu tố nguy cơ cao như tuổi >35, béo phì, tiền căn có ĐTĐ thai kỳ, đường niệu (+), có tiền căn gia đình bị ĐTĐ sẽ được tầm soát ĐTĐ ngay. Nếu thai phụ có yếu tố nguy cơ trung bình sẽ thực hiện tầm soát vào tuần lễ thứ 24 - 28 của thai kỳ.

Chẩn đoán xác định ĐTĐ thai kỳ bằng nghiệm pháp dung nạp 75 gr glucose, làm vào buổi sáng sau khi sản phụ đã nhịn đói 8 - 14 giờ. Tiến hành đo đường huyết trước (đói) và sau 1 và 2 giờ uống glucose. Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ khi có 2/3 tiêu chí: ĐH đói ≥5,1 mmol/l (đói), ĐH sau 1 giờ ≥10,0 mmol/l  và ĐH sau 2 giờ ≥8,5 mmol/l.

Thai nhi của các sản phụ bị ĐTĐ thai kỳ có nguy cơ gì?

Các dị tật bẩm sinh.

Thai to trên 4.000 gr hoặc thai kém phát triển.

Đa ối, sẩy thai hoặc thai chết lưu.

Điều trị ĐTĐ lúc có thai:

- Mục tiêu đường huyết:

Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.

- Dinh dưỡng điều trị:

Bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như sữa đặc, nước ngọt, bánh kẹo... và hạn chế các đồ ăn nếp như xôi, bánh chưng... Khuyến khích ăn các loại carbohydrat hấp thu chậm (đường phức và các chất xơ). Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat vào buổi sáng.

- Điều trị bằng thuốc:

Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi bệnh nhân không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế đơn thuần. Cho đến nay insulin human là thuốc duy nhất được chấp nhận cho điều trị bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ.

Tóm lại, tất cả các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các dị tật, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, từ đó các thầy thuốc có kế hoạch can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.

Chuyên mục do Y - Nha khoa Vạn Phước
(số 307F Nguyễn Văn Linh, P.An Khánh, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) tài trợ.

Mọi thắc mắc về sức khỏe, bạn đọc có thể gửi email, thư tín về chuyên mục theo địa chỉ: vanphuocclinic@gmail.com, bacsicuaban.tn@gmail.com hoặc Y - Nha khoa Vạn Phước để được giải đáp và tư vấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.