Tiểu thương bỏ sạp vì chợ tự phát

08/03/2014 03:00 GMT+7

Buôn bán ế ẩm, không cạnh tranh nổi với chợ tự phát khiến nhiều tiểu thương ở các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM bỏ sạp.

 Tiểu thương bỏ sạp vì chợ tự phát
Tình trạng ế ẩm ở hàng tươi sống chợ Phạm Thế Hiển - Ảnh:  Thanh Đông

Chợ Phạm Thế Hiển, Q.8 có 406 sạp, nhưng hiện chỉ còn khoảng 200 sạp hoạt động. Đã 9 giờ sáng nhưng các quầy thịt, cá, gà… trong lồng chợ vẫn còn ê hề, mặc dù đa số sạp nằm ở vị trí sát đường đi. Ở khu trái cây, quần áo may sẵn tình trạng còn tệ hơn. Một dãy dài các ki ốt ở khu vực giữa chợ đóng cửa im ỉm, treo bảng cho thuê hoặc bán lại.

Chị Trinh, một tiểu thương, cho biết: “Ế lắm, có nhiều lý do nhưng cái chính là không cạnh tranh được với chợ tự phát xung quanh chợ”. Một tiểu thương bán gà bên cạnh nói thêm, tiểu thương trong lồng chợ bán giá cao hơn do chi phí nhiều, gà phải bỏ trong tủ bảo ôn theo quy định, mà tâm lý người đi chợ thì cho rằng gà bỏ tủ lạnh là không ngon. Còn ngoài kia, họ bán giá rẻ hơn do chẳng chi phí gì, có cả gà tươi sống, làm thịt tại chỗ. “Như vậy làm sao tụi tui cạnh tranh nổi”, chị này bức xúc.

Tình trạng trong vắng, ngoài đông cũng diễn ra ở chợ Phú Lâm, Bình Tiên (Q.6), chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), chợ Hòa Hưng (Q.10)... khiến nhiều tiểu thương bỏ sạp hoặc chạy ra ngoài “ăn theo” chợ tự phát.

Trong khi đó, việc dẹp chợ tự phát dường như vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ông Lê Hoàng Dinh, Phó trưởng ban Quản lý chợ Bình Tiên, nói: “Chợ Bình Tiên hiện như cái tâm của hình tròn, bao quanh là các chợ tự phát nối dài từ hẻm 180, 234 Phạm Phú Thứ. Việc dẹp chợ tự phát chúng tôi kiến nghị mãi, chính quyền địa phương cũng thực hiện nhưng đâu lại hoàn đấy”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Bình, Phó ban Quản lý chợ Phạm Thế Hiển, bức xúc: “Chúng tôi chỉ có quyền hạn trong khu vực lồng chợ, bà con tiểu thương ngoài khu vực chợ lại thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương, đẩy đuổi họ không đơn giản, có mặt cơ quan chức năng họ nghỉ bán, né tránh, không có thì nhào ra bán lại”.

Đấu thầu việc quản lý khu vực chợ

Hiện nay, nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM đã tiến hành xã hội hóa, điển hình như chợ Rạch Ông, Nhị Thiên Đường (Q.8)... Chính quyền cho phép hợp tác xã, tư nhân đấu thầu quản lý khu vực chợ. Đơn vị quản lý sẽ bố trí, sắp xếp các tiểu thương buôn bán một cách hợp lý, từ đó thu hút được người đi chợ vào nhà lồng, đồng nghĩa với việc tiểu thương gắn bó lâu dài với chợ. Đây là phương thức cần được nghiên cứu, nhân rộng để tránh tình trạng các chợ truyền thống có nguy cơ bị xóa sổ.

 Thanh Đông

>> Chợ tự phát ở công viên
>> Dẹp chợ tự phát
>> Chợ tự phát làm khổ dân
>> Phải có phương pháp dẹp chợ tự phát
>> Bó tay với chợ tự phát?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.