Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Xóa bỏ 'thứ không chấp nhận được'

18/02/2014 03:20 GMT+7

Là người chấp bút luật Doanh nghiệp sửa đổi, xây dựng chương riêng về doanh nghiệp nhà nước, TS Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã chia sẻ với Thanh Niên những vấn đề tâm huyết xung quanh “chương riêng” này.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước: Xóa bỏ 'thứ không chấp nhận được'

TS Nguyễn Đình Cung - Ảnh: Anh Vũ

Ông cho rằng, muốn đột phá, cải cách theo cơ chế kinh tế thị trường thì không còn con đường nào khác là phải có một tư duy mới, khung quản trị hiện đại gắn với công cụ, con người và cơ chế mới.

Thua lỗ, sai phạm không biết gõ đầu ai

Một tư duy mới mang tính đột phá của dự thảo luật Doanh nghiệp (DN) sửa đổi lần này là quy định thành lập một cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tư duy đó bắt nguồn từ đâu và mục đích của nó là gì, thưa ông?

Nếu không thành lập một cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN thì không thể nào tách bạch được quyền chủ sở hữu với các chức năng khác của Chính phủ mà chỉ là nói trên giấy. Chúng ta nói tách thôi thì chưa đủ vì thực tế luật DN năm 2005 đã quy định rồi, nhiều nghị quyết nói rồi. Để thiết lập một nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường, điều quan trọng là phải xác lập quyền chủ sở hữu dù là công sản thì cũng phải rõ ràng, cụ thể. Nghĩa là có một người nào đó phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản của nhà nước. Tất cả các quốc gia đều làm như vậy, bởi vì đó là nguyên tắc của cơ chế thị trường. Vấn đề mấu chốt của cơ quan này khi thành lập phải xác định được rõ trách nhiệm giải trình trước một hệ thống chính trị, trước xã hội, dân chúng về hiệu quả hoạt động của DNNN để sau này cứ ông nào làm sai, kinh doanh thua lỗ, mất vốn cứ gõ đầu ông này mà trị. Còn như cơ chế bây giờ không biết gõ đầu ai cả.

“Không biết gõ đầu ai”, tức ý ông muốn nói một cơ chế quản lý nhiều đầu mối nên khi xảy ra chuyện thì “cha chung không ai khóc” và trách nhiệm thì là của một tập thể?

Đúng vậy, vì về căn bản quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước chưa rõ ràng, bị phân tán và chia cắt nên không có trách nhiệm giải trình cụ thể ở đây. Tôi không làm thì tôi không có trách nhiệm giải trình, lúc xảy ra chuyện thì không biết gõ ai bởi cơ chế quá tù mù. Thậm chí, nó gây nên nguy cơ lạm dụng quyền lực rất lớn do chúng ta không thể giám sát được. Một DN nào đi chăng nữa cũng phải có một hệ thống mục tiêu thống nhất, tương thích với nó là nguồn lực, nhân lực và nhiều thứ bổ trợ. Cho nên phải giám sát thống nhất, chứ không thể chia cho bộ này, ngành kia theo kiểu Bộ KH-ĐT quản lý đầu tư, Bộ Tài chính quản lý tài chính…

Có ý kiến cho rằng trước kia một bộ quản lý vài DNNN đã không nổi rồi, nay lập một cơ quan quản lý cả trăm liệu có khả thi không, thưa ông?

 

Phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, luật chơi chung, anh không làm được thì để người khác làm. Thậm chí, không nộp được thuế, bảo hiểm thì các cơ quan này có thể kiện DN ra tòa yêu cầu phá sản, bán tài sản để trả nợ

Quan niệm này không đúng, vì theo tôi không phải cứ nhiều người quản là tốt. Khi thiết kế một cỗ máy phải có nguyên lý, nguyên tắc hoạt động nó mới chạy được. Nhiều người quản lý thì lợi ích xung đột với nhau, ngoài ra quản lý DNNN cần kỹ năng và công cụ riêng biệt, chuyên trách chứ không phải ai cũng nhảy vào quản lý được. Cho nên, chỉ khi nào có một cơ quan xác định quyền chủ sở hữu rõ ràng, minh bạch, cụ thể để có ai đó phải chịu trách nhiệm, như ông Cung không làm được thì cứ gõ đầu ông Cung ra mà trị mới hiệu quả. Bởi chính điều này sẽ khiến người ta thấy rằng phải làm sao để công việc tốt nhất, hiệu quả cao nhất. Chưa đủ năng lực thì bổ sung năng lực, chưa đủ công cụ thì bổ sung công cụ, chưa đủ kiến thức đào tạo thêm. Còn như bây giờ thì hòa cả làng không ai lo.

Cũng có lo ngại cơ quan này lập ra quyền lực lớn lắm, bộ máy nào giám sát được? Nhiệm vụ nhiều, quan trọng thì quyền lực phải lớn, mà quyền lực lớn phải gắn với trách nhiệm cao, giám sát chặt chẽ để cân bằng lại. Còn về bộ máy nào giám sát thì với một nền kinh tế thị trường, cách tốt nhất để thị trường định đoạt. Vấn đề là phải công khai minh bạch, bởi khi đó trách nhiệm giải trình đã rõ ràng thì hàng triệu con mắt của người dân nhìn vào đánh giá. Thị trường đánh giá đúng hay sai thì ông đó phải chịu trách nhiệm. Ông không hoàn thành nhiệm vụ thì ông phải từ chức, bị miễn nhiệm, bị xử lý. Đã là kinh doanh thì chỉ áp dụng thuần túy cơ chế thị trường, không làm được phải bị đào thải, đào thải ở đây không chỉ DN mà cả con người. Tôi xin nhấn mạnh, đó mới là cơ chế thị trường gắn với đổi mới và quản trị hiện đại. Còn chúng ta cứ tư duy kiểu cải cách DNNN cơi nới, thấy chỗ này bục thì vá vào, chỗ này mở ra thì nới một tý thì không thể thay đổi được. Phải thay cái khung cũ bằng một khung mới.

Quy mô bộ máy sẽ ra sao và nó sẽ hoạt động như thế nào

 

Doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng nhanh nhất

Công ty CP báo cáo đánh giá VN (Vietnam Report) hôm qua 17.2 đã công bố bảng xếp hạng Fast 500 năm 2013 - Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất VN. Thứ hạng các DN trong Fast 500 được sắp xếp theo tiêu chí tăng trưởng kép (CAGR) về doanh thu có tính đến các tiêu chí như tổng tài sản, tổng số lao động, lợi nhuận sau thuế... Tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của 500 DN tăng trưởng nhanh nhất VN trong giai đoạn 2009 - 2012 đạt 44,7%, thấp hơn nhiều so với mức 62,2% của các DN Fast 500 giai đoạn 2008 - 2011. Đây là năm tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các DN Fast 500 đạt mức thấp nhất trong 4 năm công bố vừa qua, cho thấy sức ảnh hưởng lâu dài của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 2009.

Tuy nhiên, báo cáo lại cho thấy một triển vọng khả quan khi trong số 500 DN tăng trưởng nhanh nhất VN năm 2013 phần đông là khối tư nhân, đây cũng là khối có chỉ số CAGR cao nhất, chiếm hơn 65%, nhiều gấp đôi so với khối DNNN. Bên cạnh đó, CAGR trung bình của khối tư nhân cũng cao hơn hẳn so với khối DN nước ngoài và DNNN, cụ thể DN tư nhân đạt 50,3%, DN nước ngoài 43,8% và DNNN chỉ 38,9%.

N.Trần Tâm

Thực ra mô hình này cũng không có gì là mới mẻ, các quốc gia trên thế giới đều áp dụng rồi. Như Trung Quốc, Indonesia đã làm nhiều năm. Indonesia bộ máy khoảng 300 người, Trung Quốc nhiều hơn. Vấn đề ở chỗ áp dụng mô hình nào cho phù hợp. 

Riêng về yếu tố con người, chủ yếu là các nhà quản lý, phân tích đầu tư, dự báo thị trường, phân tích tài chính. Họ không phải là công chức, không cần kỹ năng như công chức, họ có tư duy của một doanh nhân để hoạch định chiến lược kinh doanh, đầu tư dự án trong các DNNN. Bộ máy cần tìm đúng những người như thế.

“Thứ không chấp nhận được trong cơ chế thị trường”

Bài học kinh doanh thua lỗ, bết bát, sai phạm từ Vinashin, Vinalines đã rõ. Vậy luật sửa đổi lần này kỳ vọng gì vào một cơ chế mới để khắc phục, thưa ông?

Chúng ta khắc phục bằng cách thiết lập một khung quản trị hiện đại, còn ở bên ngoài phải có môi trường bắt buộc các tập đoàn, tổng công ty phải cạnh tranh và công khai minh bạch hóa. Nhà nước không nâng đỡ gì cả, còn như bây giờ ông không nộp được thuế, không nộp được bảo hiểm nhà nước lại cho gia hạn; không xuất khẩu được thì giảm thuế; nợ không trả được thì khoanh lại… đó là thứ không chấp nhận được trong cơ chế thị trường. Đáng lẽ yếu kém như vậy thì việc đầu tiên, với trách nhiệm giải trình lãnh đạo DN sẽ bị thay thế để người khác vào làm tốt hơn. Còn nếu không chẳng cần phải làm cứ khoanh và treo lại để thế hệ sau trả rồi điều chuyển về làm cán bộ, công chức chỗ khác thì không bao giờ chọn được người tài.

Ngoài ra, phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, luật chơi chung, anh không làm được thì để người khác làm. Thậm chí, không nộp được thuế, bảo hiểm thì các cơ quan này có thể kiện DN ra tòa yêu cầu phá sản, bán tài sản để trả nợ. Một nền kinh tế thị trường, có bình đẳng hay không khi DN tư nhân không nộp được thuế thì bị phạt tiền, kéo người đến thu bằng được.

Ông có nói tới trách nhiệm giải trình và sự giám sát của xã hội, nhưng như vậy đã đủ chưa với những người đứng đầu một cơ quan đầy quyền lực đại diện vốn chủ sở hữu của toàn bộ DNNN?

Chúng tôi đã tính tới vấn đề này trong luật sửa đổi, hiện mới đang dự thảo lần 2 và sẽ cần bổ sung thêm một số cơ chế, giám sát và xử lý trách nhiệm. Sẽ có ý kiến cho rằng, luật DN mà đưa DNNN vào như vậy là không phù hợp, nhưng cần phải hiểu ở đây là thiết lập một cơ chế, một khung quản trị mới chứ không phải để phân biệt thành phần DN. Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư vào DNNN cũng đang xây dựng như quan điểm của tôi rất rõ ràng, dù quy định này đặt ở luật này hay luật kia không quan trọng. Bê cái này ra khỏi luật DN, sẽ làm cho luật DN sửa đổi thanh thoát hơn, đúng là luật DN như là luật của tất cả các nước. Nhưng cái quan trọng hơn cả là tư duy mới, cách tiếp cận mới để thiết lập khuôn khổ mới thực sự hiện đại. Nội dung tương thích phù hợp với yêu cầu cải cách DNNN, không thể cơi nới trong hệ thống tư duy cũ và khuôn khổ cũ mà phải thay đổi bằng tư duy mới, cách tiếp cận mới.

Anh Vũ

>> Dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
>> Mạnh dạn bán doanh nghiệp nhà nước
>> Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Chỉ là chuyển giao 'mầm bệnh' ?
>> Cần đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.