Bệnh sởi bùng phát cao nhất trong 3 năm qua

12/02/2014 17:35 GMT+7

(TNO) Số lượng trẻ mắc bệnh sởi hiện nay được các bác sĩ nhận định là quá nhiều so với ba năm gần đây. Như vậy, sau thời gian dài được khống chế, yên ắng, những ngày qua, bệnh sởi đang 'tung hoành' trở lại.

>> Bệnh sởi lan rộng nhiều tỉnh, thành
>> Dịch sởi bùng phát tại 5 tỉnh thành
>> Nhập viện nhiều do thời tiết lạnh

 
Phòng khám Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đông nghịt phụ huynh đưa trẻ đến khám do sốt phát ban, sởi - Ảnh: Nguyên Mi

Bệnh sởi tăng đột biến

Phòng khám Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đông nghịt trẻ được phụ huynh đưa đến khám. Trong đó, đa phần là trẻ bị sốt, phát ban, ho.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết hiện tại khoa có 24 bé đang nằm viện điều trị bệnh sởi. Số bệnh nhi bị sởi hiện chiếm 1/4 số lượng bệnh nhân tại đây.

Trong đó, có 5 trường hợp nặng, có biến chứng viêm phổi.

“Số lượng mắc sởi như vậy là quá nhiều so với mọi năm. Năm trước, lâu lâu mới có rải rác 2-3 ca mắc sởi phải nhập viện điều trị”, bác sĩ Nam nhận định.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), số lượng trẻ nhập viện điều trị sởi cũng đang rất cao so với mọi năm.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện tại khoa có hơn 30 trẻ đang nằm viện điều trị sởi. Trong khi bình thường số trường hợp trẻ phải nhập viện để điều trị bệnh này rất ít.

 
Trẻ nằm viện điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: Nguyên Mi

Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, hiện cũng có 25 bệnh nhân nằm viện điều trị sởi. Bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Độ tuổi bệnh nhân sởi tại đây nhỏ nhất từ 6 tháng tuổi, lớn nhất là ngoài 30 tuổi.

Mỗi ngày khoa tiếp nhận thêm từ 5 - 7 ca bệnh mới.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng Khoa nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết số ca sởi hiện cao gấp ba lần ngày thường.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh sởi hiện đã xuất hiện ở 24 tỉnh, thành. Trong đó, tập trung chủ yếu tại Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, TP.HCM.

Chỉ trong tháng 1 năm nay, đã ghi nhận 241 trường hợp mắc sởi nhập viện điều trị trên cả nước. Đặc biệt, có 3 trường hợp tử vong (một ca ở Hà Nội và hai ca ở Yên Bái).

 
Sởi là bệnh có thể điều trị tại nhà và được bác sĩ khuyên nên điều trị tại nhà. Đa phần chỉ những ca nặng, trẻ nhỏ, có nguy cơ biến chứng cao, chuyển biến bệnh phức tạp mới được chỉ định nằm viện. Vì vậy, theo các bác sĩ nhận định, thực tế số trẻ mắc sởi đang được điều trị tại nhà còn cao hơn gấp nhiều lần số bệnh nhân nằm viện. 

Bệnh do trời lạnh, “quên” tiêm vắc xin

Những năm gần đây, bệnh sởi đã bị khống chế nhờ tiêm phòng vắc xin. Đợt phát bệnh sởi gần đây nhất là năm 2010. Như vậy, sau ba năm yên ắng, ngay dịp đầu năm nay, bệnh sởi đã gia tăng mạnh.

Theo bác sĩ Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm do siêu vi gây ra. Năm nay thời tiết có nhiều biến đổi, lạnh kéo dài là điều kiện cho siêu vi hoạt động mạnh, gây nhiều bệnh.

Mặt khác, đa phần trẻ bị sởi đều chưa được tiêm ngừa hoặc tiêm chưa đủ liều.

“Nhiều trường hợp trẻ dưới 9 tháng tuổi mắc bệnh do chưa được chủng ngừa (vắc xin ngừa sởi chỉ được tiêm khi trẻ trên 9 tháng - PV). Song song đó, do tâm lý lo ngại của phụ huynh sau những trường hợp tai biến sau tiêm vắc xin nên nhiều trẻ lớn vẫn chưa được cho đi tiêm ngừa. Một số trường hợp khác thì chỉ mới tiêm một mũi mà quên mũi tiêm nhắc lại thứ hai”, bác sĩ Nam cho biết.

 
Bệnh nhân điều trị sởi tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: Nguyên Mi

Song song đó, cũng có một số trường hợp đã được tiêm ngừa bệnh sởi mà vẫn bị nhiễm. Giải thích những ca bệnh này, bác sĩ Vinh cho rằng có thể do việc bảo quản vắc xin không tốt nên làm giảm hiệu lực phòng bệnh. Cũng có thể do cơ địa của một số người không đáp ứng tốt với vắc xin.

Trong thời điểm bệnh sởi đang gia tăng, bác sĩ Nam khuyến cáo phụ huynh phòng bệnh cho con bằng cách: phải giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt, đặc biệt là rửa tay; vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, vật dụng trẻ thường xuyên tiếp xúc; hạn chế cho trẻ đến chỗ đông đúc; hạn chế tiếp xúc với dịch tiết hô hấp (nước bọt, các tia nước bọt bắn ra do ho, hắt hơi).

Đối với trẻ có bệnh, phải nghỉ học, điều trị cách ly tại nhà và thông báo cho giáo viên biết để thực hiện các biện pháp phòng bệnh trong lớp học.

Đồng thời, trẻ cần được đảm bảo dinh dưỡng tốt, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng với bệnh.

Đặc biệt, phụ huynh cần tuân thủ đúng lịch tiêm ngừa bệnh sởi cho trẻ.

Các biểu hiện của bệnh sởi

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh sởi có các triệu chứng: sốt cao 1-2 ngày; chảy nước mắt, đỏ mắt, chảy nước mũi; ho khò khè; phát ban đỏ; sốt 38-39 độ C.

Sau đó, bệnh sẽ dần bớt khi bệnh nhân bớt sốt, các ban đỏ chuyển qua sậm màu.

 
Trẻ bị nổi ban đỏ khắp người là triệu chứng đặc trưng nhận diện bệnh sởi - Ảnh: Nguyên Mi

Do khi nhiễm bệnh, cơ thể sẽ có sức đề kháng kém nên dễ dẫn đến biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng máu, tiêu chảy; trong điều kiện dinh dưỡng của trẻ không tốt, thiếu vitamin A thì có thể bị viêm mắt, nặng có thể mù.

Theo bác sĩ Nam, sởi là bệnh không bắt buộc phải điều trị nội trú trong bệnh viện mà bác sĩ khuyên nên điều trị tại nhà. Vì ở nhà, trẻ sẽ được điều trị cách ly tốt hơn, không bị lây chéo những bệnh khác và cũng có điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nghỉ ngơi tốt hơn.

Tuy nhiên, phụ huynh cần cho trẻ nhập viện sớm khi xuất hiện các triệu chứng: sốt cao mà uống thuốc hạ sốt nhiều ngày vẫn không hết; ho, khó thở; tiêu chảy; trẻ nhỏ bỏ bú, quấy khóc; trẻ nhỏ, có bệnh nền, bệnh mãn tính.

Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.