Yêu thêm giá trị tết: Cho trẻ trải nghiệm tết

20/01/2014 05:00 GMT+7

Tại sao bố mẹ nên cho trẻ thật sự trải nghiệm từng phong tục ngày tết? Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, trẻ sẽ biết thêm rất nhiều điều hay và thú vị, ví dụ như bài học đầu đời về lòng nhân ái, sự hiếu thảo, lòng tôn kính với tổ tiên, tinh thần hiếu học...

Đừng nghĩ tết chỉ có… chơi !


Nhà sử học Dương Trung Quốc: “Càng trải nghiệm tết, trẻ càng nên người!” - Ảnh: C.T.V 

Tết đúng là dịp cho trẻ nghỉ ngơi, chơi đùa, song đừng quên rằng tết còn là một cơ hội quý để dạy trẻ rất nhiều điều mà bình thường trẻ khó tiếp nhận và ghi nhớ khi chỉ “học chay” qua sách vở.

Thời hiện đại, cuộc sống tất bật, bố mẹ nhiều khi đến tận 28, 29 tết mới được nghỉ làm mà về đến nhà thì lại cả núi việc thăm hỏi, xã giao. Thế là muốn cho trẻ ở yên, cha mẹ thường chọn cách tập cho con… chơi một mình với những món đồ chơi công nghệ. Vô tình, chính điều này ngăn trẻ có cơ hội tiếp xúc thật sự với các phong tục của ngày tết cổ truyền.

Theo ông Dương Trung Quốc, cho trẻ trải nghiệm tết thực tế rất quan trọng chứ không đơn thuần chỉ là “chuyện chơi”, bởi lẽ bản thân tết cổ truyền dạy cho trẻ rất nhiều giá trị nhân văn. Chẳng hạn học gói một chiếc bánh chưng, con biết thêm về chàng Lang Liêu hiếu thảo, nhân hậu, chăm chỉ hay làm, đồng thời tiếp nhận được những bài học kỹ năng sống cần thiết như cách chuẩn bị, sắp xếp nguyên liệu ngăn nắp, cách phân công công việc cho từng thành viên trong gia đình, cách phối hợp với nhau để cho ra đời nồi bánh chưng - thành quả của cả nhà.

Trẻ con thời xưa hay thời nay đều luôn có những điểm giống nhau cơ bản: ham học hỏi, tò mò trước những gì mới mẻ, trong sáng, dễ tiếp nhận những điều hướng thiện và thích tự mình trải nghiệm. Vì vậy, hoàn toàn không khó để giúp trẻ tắt chiếc iPad, đứng lên cùng cha mẹ cảm nhận về tết.

Kéo trẻ đến gần hơn với tết

Bắt đầu từ đâu? Ông Dương Trung Quốc chia sẻ: Muốn giúp trẻ, trước hết, cha mẹ nên tạo điều kiện cho con hiểu rõ hơn về những phong tục tết. Giản lược tết một chút cho phù hợp hơn với nhịp sống hiện đại cũng được, song có một vài cột mốc theo ông Dương Trung Quốc không nên bỏ lỡ. Chẳng hạn như 15 tháng chạp với tục nhặt lá mai, 23 tháng chạp đưa ông Táo về trời, 28 tháng chạp gói bánh chưng, đêm giao thừa cúng tổ tiên và đón giờ khắc thiêng liêng sang năm mới, sáng mùng một chúc tết ông bà cha mẹ, khai bút đầu năm…

Từ chỗ giúp trẻ hiểu rõ từng phong tục này qua những câu chuyện kể, cha mẹ có thể nâng lên mức cao hơn là để trẻ trực tiếp trải nghiệm, thực hành. Những “thành tích” đầu tiên của trẻ có thể chỉ là chiếc bánh chưng bé xíu được gói vụng về, một nắm lá mai vừa nhặt được, hoặc vài dòng khai bút còn… sai chính tả. Nhưng không sao cả! Điều quan trọng là trẻ rất hạnh phúc với những trải nghiệm ấy và học hỏi được nhiều điều, trưởng thành hơn qua từng cái tết.

Theo ông Dương Trung Quốc, cha mẹ cũng có thể nhân dịp này, dạy trẻ ý thức giúp đỡ mọi người xung quanh. Không có dịp nào trong năm lại đầy ắp cơ hội để giúp đỡ mọi người, để làm điều tốt như ngày tết. Khi trẻ bước ra bên ngoài, cảm nhận và mở rộng trái tim, trẻ sẽ bớt thờ ơ, ích kỷ, bớt chỉ muốn mọi thứ theo ý mình mà hiểu rằng ý nghĩa của tết chính là ở chỗ cùng giúp đỡ, cùng sẻ chia để tất cả mọi người đều hạnh phúc.

Trải nghiệm tết càng nhiều, trẻ càng nên người, nhân ái hơn, biết quan tâm đến cha mẹ, ông bà hơn, nâng niu những giá trị truyền thống gia đình hơn chính là vì thế!

Chỉ cần bố mẹ giữ lại một vài nếp sinh hoạt truyền thống trong khả năng cho phép, lớp con trẻ sẽ được thừa hưởng không chỉ niềm vui tết đáng nhớ của tuổi thơ, mà cả những bài học đầu đời sâu sắc về truyền thống dân tộc và đạo lý làm người. Xuân Giáp Ngọ này, bố mẹ đã sẵn sàng cùng Omo cho con yêu thêm giá trị tết?

Xuân Huệ
(ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.