Hải chiến Hoàng Sa 1.1974: Trận chiến không chỉ 30 phút

16/01/2014 14:05 GMT+7

(TNO) "Bè chúng tôi đã trôi xa nhưng vẫn còn nghe tiếng súng của tàu HQ-10, cho đến khi màn đêm buông xuống, ánh đạn vẫn còn lóe sáng ở đường chân trời… Tôi biết, các đồng đội ở lại tàu vẫn còn chiến đấu tới cùng với tàu chi viện của Trung Quốc".

(TNO) "Bè chúng tôi đã trôi xa nhưng vẫn còn nghe tiếng súng của tàu HQ-10, cho đến khi màn đêm buông xuống, ánh đạn vẫn còn lóe sáng ở đường chân trời… Tôi biết, các đồng đội ở lại tàu vẫn còn chiến đấu tới cùng với tàu chi viện của Trung Quốc".

 Chứng nhận thợ máy của ông Hà khi phục vụ trên chiến hạm Nhật Tảo
Chứng nhận thợ máy của ông Hà khi phục vụ trên chiến hạm Nhật Tảo - Ảnh: Tiến Trình

3 cuộc gọi trên tàu Nhật Tảo

Đã 40 năm trôi qua, ông Trần Văn Hà (61 tuổi) nói ông đã quên mất nhiều điều. Tìm gặp ông giữa cuộc sống mưu sinh bộn bề tại chợ Láng Tròn (huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu), sau thoáng dè dặt, mắt ông lại sáng rực lên khi nghe nhắc đến Hoàng Sa.

Khi ấy, ông như sống lại thời khắc bi hùng của anh thợ máy 20 tuổi vừa tròn một năm lính trong trận chiến bảo vệ biển đảo quê hương mà có lẽ lịch sử giữ nước sẽ chẳng quên.

Ông Hà là thợ máy có mặt trên hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) trong trận đánh ác liệt và đã may mắn sống sót để kể lại những giây phút oanh liệt của những đồng đội cùng với tàu nằm lại trong lòng biển thân yêu của Tổ quốc.

“Những ngày giáp tết, sắp trở lại Sài Gòn sau thời gian dài bôn ba trên biển, chúng tôi rất háo hức”, ông Hà nhớ lại. Chiếc Nhật Tảo cập cảng Đà Nẵng để sửa chữa hệ thống điện của máy 2. Các anh em khác trên tàu được lên bờ mua quà cáp chuẩn bị về quê, người tranh thủ gửi tiền về cho người thân kịp đón tết… Thế rồi mọi người được lệnh tức tốc trở lại Hoàng Sa để đuổi tàu Trung Quốc gây hấn.

 Ông Hà hiện có cuộc sống hạnh phúc với gia đình con, cháu tại chợ Láng Tròn (Bạc Liêu)
Ông Hà hiện có cuộc sống hạnh phúc với gia đình con, cháu tại chợ Láng Tròn (Bạc Liêu) - Ảnh: Tiến Trình

“Tầm hoạt động của tàu Nhật Tảo là từ Hoàng Sa xuống tận vùng biển Cà Mau. Trong những lần tuần tra kiểm soát trên biển, tàu chúng tôi không ít lần giáp mặt với tàu thuyền của Trung Quốc xâm phạm vùng biển Hoàng Sa, những lần đó chúng tôi xua đuổi họ đều rời đi”. Nên lần được lệnh trở lại Hoàng Sa, anh thợ máy trẻ nghĩ là đi đuổi tàu Trung Quốc như mọi khi.

“Nghe lệnh đi đuổi tàu Trung Quốc, anh em trên tàu đều rất háo hức, tinh thần rất cao. Mình nghĩ đây là chuyến hành quân cuối cùng trong năm, sau đó lại được về Sài Gòn đón Tết nguyên đán… Thật ra, khi đất nước chia cách, tâm lý tôi cũng như nhiều anh em khác trên tàu không phân biệt tàu Bắc - Nam đâu, đối tượng của chúng tôi là tàu nước ngoài xâm phạm thôi…”, ông Hà nhớ lại.

Tàu Nhật Tảo ra khơi khi chỉ có 2 trong số 3 động cơ còn hoạt động, bởi máy số 2 vẫn sửa chưa xong.

Đến sáng 19.1, HQ-10 tiếp cận mục tiêu là 4 tàu chiến của Trung Quốc đang nghênh chiến. Trên tàu, đội ngũ thợ máy có 5 người. Ông Hà được phân công trực điện đàm của chỉ huy để truyền đi cho cả tàu. Vì ở trong buồng máy, ông Hà không trực tiếp chứng kiến trận địa bên ngoài. Nhưng ông giữ vị trí “trung chuyển” thông tin liên lạc trên tàu nên ông hiểu điều gì xảy ra. Sau loạt đạn đầu bắn trúng mục tiêu là buồng chỉ huy của tàu địch, tàu Nhật Tảo vẫn tiếp tục khai hỏa tới tấp về tàu đối phương. Tuy nhiên, tình hình trở nên xấu đi khi nhận tin hầm máy 1 bị trúng đạn. Như vậy, tàu chỉ còn duy nhất máy số 3 hoạt động.

Khoảng 10 phút sau thì điện đàm nhận tin Hạm trưởng Ngụy Văn Thà hy sinh ngay tại buồng chỉ huy. Tin truyền đi khiến cả tàu vô cùng đau buồn. Tàu tiếp tục chiến đấu dưới sự chỉ huy của Hạm phó, đại úy Nguyễn Thành Trí. Dưới buồng máy, ông Hà lần lượt chứng kiến 3 đồng đội hy sinh. Ông Hà không hay lúc ấy ông cũng bị nhiều mảnh đạn sượt qua người, vẫn tiếp tục giữ hệ thống thông tin trên tàu.

“Tin cuối cùng tôi nhận được là lệnh “tiến 3”, cho máy số 3 tiếp tục tiến về phía trước cho đến khi một cú va chạm thật mạnh làm cả tàu chao đảo. Tôi nghĩ lúc này tàu của chúng tôi đã đâm nhau với tàu Trung Quốc. Kể từ đó tàu chúng tôi hoàn toàn mất khiển dụng. Hệ thống động cơ, điện đàm đều không còn hoạt động. Chỉ có hệ thống hỏa lực, anh em hy sinh nhiều, nhưng người này ngã xuống thì người khác tiến lên nhắm thẳng tàu địch mà bắn”, ông Hà nhớ lại.

Trận chiến đã kéo dài hơn

Khi tàu không còn hoạt động được nữa, hệ thống thông tin liên lạc cũng bị cắt đứt, lúc này, Hạm phó Nguyễn Thành Trí ra lệnh đào thoát khỏi tàu để bảo toàn tính mạng cho anh em. “Hạm phó Trí đã bị thương rất nặng. Ban đầu ông không chịu rời tàu. Nhưng anh em chúng tôi cương quyết thuyết phục ông, vì nếu không có ông chúng tôi không xuống bè”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, thật ra trận chiến của tàu Nhật Tào với tàu Trung Quốc chưa kết thúc ở đó. Ông nhớ lại, khi các bè chở quân nhân tàu Nhật Tảo rời tàu thì 2 tàu chiến Trung Quốc chi viện cũng xuất hiện nhưng hai tàu này đã phải bỏ mục tiêu vì bất ngờ tàu Nhật Tảo lại tiếp tục khai hỏa. Những người bị thương nặng ở lại tàu tiếp tục nhả đạn về phía tàu chiến Trung Quốc khiến chúng phải quay lại đối phó. “Mãi cho tới tối, lúc bè của chúng tôi trôi xa vẫn còn nghe tiếng súng của HQ-10, mãi đến khi tàu này chìm hẳn”, ông Hà ngậm ngùi.  

Tuy không còn bị tàu Trung Quốc truy đuổi, nhưng các quân nhân đào thoát khỏi tàu Nhật Tảo đã phải lần lượt làm những cuộc thủy táng đồng đội chết do bị thương mất máu, do kiệt sức sau nhiều ngày trôi lênh đênh trên biển. Hạm phó Trí cũng nằm lại biển khơi. “Chúng tôi phải đau đớn tháo dây cho đồng đội tách khỏi bè”, ông Hà rưng rức. Trên bè, vẫn có nhiều anh em bị thương chảy máu nên cá theo nhiều. “Sau 4 ngày trôi dạt, tàu chúng tôi được một tàu buôn của Hà Lan cứu vớt, chứ nếu không có lẽ chúng tôi cũng đã làm mồi cho cá”, ông Hà kể.

Đến khi các chiến sĩ tàu Nhật Tảo được tàu buôn Hà Lan đưa vào đất liền thì tết cũng đã qua lâu rồi. Ông Hà được điều trị, dưỡng thương 3 tháng rồi được đưa về làm thợ máy tại căn cứ hải quân ở Bến Lức (Long An). Vài tháng sau thì đất nước thống nhất. “Trận Hoàng Sa là trận duy nhất của tôi  từ khi phục vụ trong lực lượng hải quân VNCH. Tôi đã có dịp chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược. Các đồng đội của chúng tôi đã hy sinh rất anh dũng”, đôi mắt ông Hà đã ngấn lên niềm xúc động.

Ông nói, sau này, không còn nhiều người nhắc đến trận chiến ấy nữa. Ít ai biết ông đã từng có mặt trên tàu Nhật Tảo chiến đấu bảo vệ Hoàng Sa, ngay cả các con của ông cũng không biết được, trừ một vài người ở quê nhà Long An của ông.

Sau 1975, ông Hà xuôi về Bạc Liêu kiếm kế sinh nhai tại chợ Láng Tròn. “Những người sống sót trên tàu Nhật Tảo năm đó tới giờ đã mất liên lạc với nhau. Chỉ nhớ mỗi năm đến ngày 27 tết là ngày giỗ chung của các anh em hy sinh trong trận chiến bảo vệ Hoàng Sa. Nói vậy chứ tôi cũng không biết được anh em nhà cửa ở đâu để tìm đến thắp nén nhang…”, ông Hà rưng rức.

Tiến Trình

>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 6)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 5)
>> Tài liệu Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa: Tưởng Giới Thạch không hợp tác với đại lục?
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 4)
>> Tài liệu Trung Quốc về Hải chiến Hoàng Sa: Lần đầu hé lộ về vũ khí
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 3)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 2)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 6: Không quân Việt Nam Cộng Hòa lên kế hoạch giành lại Hoàng Sa
>> Danh sách các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hi sinh trong Hải chiến Hoàng Sa 1974
>> Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo ngày 14.2.1974 của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa
>> Hải chiến Hoàng Sa: Tuyên cáo của Bộ Ngoại giao VNCH ngày 19.1.1974
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 5: Bỏ mình vì nước
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Toan tính của Trung Quốc
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 1: Bàn cờ nước lớn
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 4: Nổ súng chống giặc
>> Một sự thật khác về Hải chiến Hoàng Sa (?)
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 3: Tương quan lực lượng
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại - Kỳ 2: Hành quân giữ đảo
>> Hải chiến Hoàng Sa - 40 năm nhìn lại

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.