Bảo vật quốc gia - Kỳ 8: Bia Vĩnh Lăng - bản hùng ca trên đá

11/01/2014 00:00 GMT+7

Bia Vĩnh Lăng tại Lam Kinh (Thanh Hóa) do Nguyễn Trãi phụng thảo ghi lại thân thế, sự nghiệp của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi không những có giá trị tài liệu lịch sử gốc, mà còn là tài liệu quý cho các nhà khoa học khi nghiên cứu về nghệ thuật trang trí, điêu khắc thời Lê.

 
Bia Vĩnh Lăng tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh (xã Xuân Lam, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) - Ảnh: Ngọc Minh

Vùng đất Lam Sơn (xã Xuân Lam, H.Thọ Xuân, Thanh Hóa) là quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi - vua Lê Thái Tổ. Cũng chính nơi đây, Lê Lợi đã mang cả sản nghiệp của gia đình để chiêu hiền đãi sĩ, hội tụ nhân tâm làm nên cuộc khởi nghĩa 10 năm đánh đuổi giặc Minh ở thế kỷ 15, lập ra vương triều nhà Lê kéo dài tới 360 năm. Năm 1430, vua Lê Thái Tổ cho đổi vùng đất Lam Sơn thành Tây Kinh (hay Lam Kinh).

Thể hiện đường lối ngoại giao tài tình

Tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long (Hà Nội), sau đó thi hài của nhà vua được đưa về quê hương Lam Sơn an táng, dựng bia Vĩnh Lăng. Từ đây, các vua kế nghiệp nhà Lê xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, an táng nhiều vị vua và các hoàng hậu triều Lê. Có 6 vị vua và 2 hoàng hậu sau khi qua đời được táng ở Lam Kinh, gồm: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông và Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên. Cùng với các lăng mộ, nhà Lê còn cho xây dựng điện, miếu để thờ cúng tổ tiên, cung điện để các vua và hoàng tử ở mỗi khi về quê tế lễ. Đặc biệt, tại đây còn dựng các bia đá ghi lại thân thế và sự nghiệp của các vị vua và hoàng hậu đang an nghỉ trong các lăng mộ.

Trải qua gần 6 thế kỷ biết bao thăng trầm của lịch sử, những điện miếu uy nghi xưa đã không còn. Chỉ còn lại nơi đây 6 ngôi mộ và 5 tấm bia đá cùng những nền móng của đền đài xưa cũ. Trong số các bia đá ở đây thì bia Vĩnh Lăng của vua Lê Thái Tổ là một trong những tấm bia tiêu biểu đại diện cho các bia mộ hoàng đế triều Lê. Bia được dựng ở tây nam điện Lam Kinh, cách lăng mộ của vua Lê Thái Tổ 300 m. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97 m; rộng 1,94 m; dày 0,27 m; đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối có chiều dài 3,46 m; rộng 94 m; cao 0,94 m kể cả đế. Nhà bia được dựng lại năm 1961 (trên các tảng kê chân cột đá cũ), nền nhà có hình gần vuông mỗi cạnh 8,80 m và nhà có 4 mái cong lợp ngói mũi hài, dưới được đỡ bằng 16 cột, mỗi góc 4 cột theo kiểu nhà Lê.

Nội dung văn bia Vĩnh Lăng do Nguyễn Trãi phụng soạn vô cùng cô đọng súc tích, đã mô thuật đầy đủ về gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của vua Lê Thái Tổ, đồng thời văn bia còn là văn bản đúc kết đường lối đấu tranh khéo léo tài tình của nghĩa quân Lam Sơn trong suốt 10 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh. Bên cạnh đó còn nói lên lòng khoan dung, độ lượng của Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi đối với quân giặc khi chúng chiến bại. Văn bia còn cho chúng ta biết được đường lối ngoại giao của vua Lê Thái Tổ đối với các nước lân bang, đó là con đường ngoại giao hòa hảo bằng chính lòng nhân ái, thiện chí của ông.

Trong công trình nghiên cứu về thể loại văn bia được công bố trên tạp chí Hán Nôm số 5 năm 2007, nhà nghiên cứu Trần Kim Anh, Viện Hán Nôm, cho rằng: “Đây là một bài văn bia xuất sắc trong thể hiện văn biền ngẫu nên hơi văn rất khí thế. Tuy là bài văn lấy tự sự làm chủ, nhưng viết rất tung hoành, say sưa. Về cấu tứ rất có chủ ý, chỉ tập trung khắc họa tính cách vua qua võ công của ngài, không kể lể dài lời, nhưng đã hiện lên chân dung một vị vua mạnh mẽ, quyết đoán đầy cuốn hút. Cách viết như vậy rất sinh động, hoàn toàn phá vỡ phương thức tự sự cứng nhắc thường thấy trong loại văn bia này”. Còn với tiến sĩ Lê Ngọc Tạo - Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Thanh Hóa, “chỉ cần một câu cuối của bài văn bia (Vua thức khuya dậy sớm, sáu năm mà trong nước thịnh trị, đến nay băng) cũng đã cho hậu thế thấy được hình ảnh một vị minh quân hết lòng vì giang sơn xã tắc”.

Giá trị nghệ thuật đặc biệt

Bia Vĩnh Lăng là tấm bia có kích thước lớn với mỹ thuật điêu khắc, trang trí cầu kỳ, công phu, đường nét trau chuốt, tỉ mỉ mà không có tấm bia thời Lê nào sánh được. Nó không chỉ có ý nghĩa là văn bản lịch sử gốc, là chứng cứ lịch sử mà còn có giá trị về mặt nghệ thuật rất cao. Hoa văn trang trí trên bia và niên đại được xác định cụ thể vào năm Thuận Thiên thứ sáu tức năm Quý Sửu (1433).

Trán bia trang trí một hình vuông, trong hình vuông trang trí một hình tròn biểu trưng cho trời đất. Giữa hình vuông và hình tròn khắc áng vân mây cách điệu tinh tế, chính giữa khắc một đầu rồng nhìn thẳng, thân rồng uốn khúc uyển chuyển quanh hình mặt trời, biểu trưng là thiên tử do sự giao hòa của trời đất sinh ra. Ở cánh cung hai bên của hình vuông và hình tròn khắc hai hình rồng vươn mình đối nhau chầu vào, cùng một phong cách. Trên nền, trang trí loáng thoáng hình áng mây; đường diềm hai bên của bia tính từ đỉnh xuống đến đáy bia, mỗi bên trang trí 9 hoa văn hình nửa lá đề, trong mỗi nửa lá đề có khắc hình một con rồng uốn mình theo lá, đầu vươn lên trên nối tiếp nhau. Khoảng không nền nửa lá đề chạm hình hoa cúc dây với nghệ thuật tinh xảo. Phong cách chạm khắc hình lá đề biểu trưng cho phong cách nghệ thuật trang trí trong các ngôi chùa thờ Phật.

Trong sách Mỹ thuật thời Lê, các nhà nghiên cứu nhận định: “Nghệ thuật điêu khắc thời Lê tinh tế, mềm mại, nhưng chắc khỏe trong nghệ thuật và hình thái biểu hiện. Các hoa văn được biểu hiện trên tác phẩm điêu khắc uyển chuyển, hài hòa mà bia Vĩnh Lăng là một trong những điển hình trọn vẹn nhất”.

Cao Ngọ - Ngọc Minh

>> Xây dựng khu lăng mộ Đại tướng thành khu di tích lịch sử cấp quốc gia
>> Nhiều di tích lich sử bị xóa sổ
>> Di tích lịch sử thành bãi chăn bò
>> Phát huy giá trị di tích lịch sử ngục Kon Tum
>> Công nhận di tích lịch sử ở Huế
>> Công bố Di tích lịch sử quốc gia Lộ Vòng Cung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.