Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 4)

12/01/2014 16:35 GMT+7

Khoảng 3 giờ sáng 19.1, khi khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) và tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) được lệnh hành quân tiến về đảo Quang Hòa (Duncan), như đã tiên đoán việc xảy ra rất quan trọng nên Hạm trưởng San ra lệnh cho tôi kéo lên đỉnh cột cờ lá chiến kỳ...

Ngày N+3: Những giây phút chưa từng có

Khoảng 3 giờ sáng 19.1, khi khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) và tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) được lệnh hành quân tiến về đảo Quang Hòa (Duncan), như đã tiên đoán việc xảy ra rất quan trọng nên Hạm trưởng San ra lệnh cho tôi kéo lên đỉnh cột cờ lá chiến kỳ (còn gọi là phương kỳ), lá chiến kỳ số 1 ngang 20 cm và dài 15 m; đồng thời ông cũng ra lệnh cho các vị trí chiến đấu sẵn sàng cho trận hải chiến chủ yếu như sau:

Chuyên đề: 40 năm hải chiến Hoàng Sa

Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân - Kỳ 4
Tàu Trần Bình Trọng (HQ-5), soái hạm của phía Việt Nam Cộng Hòa (trái) và một chiến hạm lớp Kronstadt của Trung Quốc trước trận hải chiến - Ảnh: Tư liệu

>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 3)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 2)
>> Hải chiến Hoàng Sa qua hồi ức một cựu quân nhân (kỳ 1)

- Giày không được cột dây.

- Ống quần túm vào vớ.

- Mặc áo phao loại trùm vào cổ có bình nén khí + đèn pin để khi nhảy xuống biển thì giựt dây bình nén, khí sẽ tự bơm phao phồng lên, nâng đầu và ngực nổi lên mặt nước, đèn pin tự động sáng.

- Tất cả đều phải mặc áo giáp chống đạn.

Hạm phó Nguyễn Thành Sắc và thượng sĩ nhất Trần Dục (cựu Quản đội trưởng) và thượng sĩ nhất giám lộ Ry (Quản đội trưởng) được lệnh đi kiểm tra từng vị trí chiến đấu. Mờ sáng 5 giờ, tôi và trung sĩ nhất giám lộ Khiết đứng sau đài chỉ huy nơi sân cờ, nhìn lên đỉnh cột cờ ngoài lá quốc kỳ kèm theo lá chiến kỳ bay phập phồng trong gió sớm, phía sau là tuần dương hạm HQ-5 đang rẽ sóng, cả hai tàu đã chạy hết tốc lực để đến điểm đổ bộ theo lệnh hành quân.

Lúc 6 giờ sáng, HQ-4 đã tiến sát đảo Quang Hòa, khi gần đến đảo, bằng ống nhòm và mắt thường từ đài chỉ huy đã phát hiện doanh trại và cột cờ có cờ Trung Quốc. Trước đây hơn một tháng, HQ-4 trong một chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa, đội khảo sát do đại úy Diên và trung sĩ nhất giám lộ Khiết đã lên đảo nhưng không phát hiện gì ngoài chai lọ trôi tấp lên bờ cát. Trên đài chỉ huy, Hạm trưởng San đến bàn hải đồ chấm tọa độ để đổ bộ và lệnh cho chúng tôi xác định vị trí chính xác nhất báo cáo cho Hạm trưởng.

Trung úy Roa xác định bằng ra đa, tôi và trung sĩ nhất giám lộ Khiết xác định chấm tọa độ bằng các đối vật trên biển, khi đến điểm đổ quân, chúng tôi báo cáo ngay cho Hạm trưởng. Ông ra lệnh ngưng máy và lùi máy hết tốc độ để giảm đà tiến của tàu, đồng thời ông khẩn cấp ra lệnh cho lực lượng Biệt hải rời tàu xuống 3 xuồng cao su có gắn máy 40 mã lực.

Khoảng 10 phút sau, lực lượng Biệt hải đã đổ lên đảo (mặt đông nam) rất nhanh, bên trong đảo rất im lìm, trên tàu mọi cặp mắt, mọi ống nhòm đều nhìn trên đảo, bất cứ chuyển động nào trên đảo đều được báo cáo cho Hạm trưởng. Cờ được cắm lên bờ cát và hốc đá, lực lượng tiếp tục tiến vào bên trong đảo.

Giữa lúc đó, lực lượng người nhái vẫn còn ngoài xa, chưa vào được vì HQ-5 không vào sát bờ. Ở rìa tây nam đảo, gió mùa đông bắc thổi khá mạnh, các xuồng cao su bị sóng gió giạt không vào bờ được. HQ-5 phải thả xuồng cứu hộ xuống để kéo các xuồng cao su vào bờ, lúc đó đã gần 8 giờ.

Từ đài chỉ huy, bộ phận quan sát đã phát hiện một lực lượng gồm 4 tàu địch (chủ yếu là tàu đánh cá và tàu công trình) tiến nhanh và đã đổ bộ một đội quân đông đảo lên phía bắc đảo. Hàng trăm quân đổ bộ vào đảo rất nhanh vì xuôi gió, những báo cáo bất lợi dồn dập gởi về đài chỉ huy HQ-4. Lực lượng Biệt hải khẩn trương báo cáo đang đối mặt với lực lượng địch. Cả hai phía dùng tay xua đuổi nhau, một số đông đối phương đang núp sau các tảng đá, chĩa mũi súng vào đội hình Biệt hải.

Trên mặt biển đã thấy HQ-16 và HQ-10 đang tiến về rìa tây nam đảo, theo sau là hai tàu chiến Trung Quốc đang tiến vào đội hình ta. Phía bắc, tàu đánh cá ngụy trang đang tiếp tục đổ người lên đảo. Tình hình hết sức căng thẳng khi từ đông bắc đảo Quang Hòa, hai tàu địch rẽ sóng tiến thẳng về phía khu trục hạm Trần Khánh Dư. Lúc bấy giờ lực lượng người nhái đã vào được rìa tây nam đảo, nhưng từ đó muốn vào bên trong đảo phải lội qua đầm nước cạn hoặc phải đi vòng qua hướng đông nam nơi lực lượng Biệt hải đã đổ lên.

Từ đài chỉ huy HQ-4, tôi thấy lực lượng người nhái phải lội qua đầm nước; có nơi nước đến tận thắt lưng nên lực lượng người nhái tiến vào rất chậm chạp mà phía bắc đảo địch đã đổ quân lên đông như kiến. Lúc bấy giờ, thời tiết cuối năm rất lạnh, chúng tôi bị bí tiểu mà không dám rời vị trí chiến đấu. Đến khi chịu hết xiết thì mới chạy xuống phòng vệ sinh; mà đi cũng rất khó khăn vì trên người lỉnh kỉnh nào áo phao, áo lạnh, áo giáp, nón sắt, giày không cột dây. Đi ngang qua các phòng trông rất vắng lặng, mọi người phải giải quyết thật nhanh rồi ba chân bốn cẳng chạy lên đài chỉ huy.

Tình hình trên đảo lúc bấy giờ đang rất căng thẳng, lực lượng Biệt hải đang đối mặt với địch, chỉ huy Biệt hải xin lệnh nổ súng. Hạm trưởng San (chỉ huy trưởng phân đội 1 gồm HQ-4 và HQ-5) hỏi lực lượng Biệt hải nếu nổ súng thì sao? Lực lượng Biệt hải báo cáo: “Nếu nổ súng thì cả trung đội Biệt hải sẽ bị tiêu diệt vì lực lượng ta quá ít mà địch thì rất đông lại núp sau các công sự phòng thủ và các phiến đá; còn ta thì đang ở ngoài trời, sử dụng súng cá nhân không giải quyết được chiến trường, chỉ có thể sử dụng lựu đạn để công phá các ổ kháng cự. Sau một hồi cân nhắc, Hạm trưởng San quyết định rút toàn bộ lực lượng Biệt hải và lực lượng người nhái về tàu.

Khi Biệt hải đã về HQ-4 an toàn thì lực lượng người nhái vẫn còn lội bì bõm trong đầm nước cạn. Đến 8 giờ 30 sáng, một loạt đạn thượng liên và cối 82 bắn vào đội hình người nhái, một sĩ quan tử thương và ba bị thương. Tình hình hết sức căng thẳng. Ban chỉ huy mặt trận không thể ra lệnh nổ súng vì lực lượng người nhái đang ở vị trí cực kỳ nguy hiểm.

Chúng tôi chứng kiến đội hình người nhái thấy hết sức đau lòng. Lệnh rút nhanh ra rìa đảo nhưng họ không thể bỏ lại các đồng đội, một số chiến sĩ quay lại tìm xác đồng đội kéo lên và dìu ra rìa đảo.

Đến 9 giờ 15, lực lượng người nhái mới ra được HQ-4 (vì HQ-4 đang ở rất gần đảo) và một số về được HQ-5.

Giờ đây, sát bên HQ-4 là hai tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 274 và 271 sơn màu xám đen trang bị đại bác 85 ly và nhiều súng 37 ly. Các khẩu súng đang chĩa thẳng vào HQ-4. Các tín hiệu bằng đèn hiệu được liên tục chuyển đến HQ-4. Chúng tôi được lệnh từ Hạm trưởng San nhận những tín hiệu từ tàu Trung Quốc.

Sau khi nhận xong bằng tiếng Anh, chúng tôi trình cho Hạm trưởng San, Hạm trưởng San đưa sang trung úy Minh dịch. Trung úy Minh rất giỏi Anh ngữ, vừa thực tập trên Hạm đội 7 về, xuống tàu với chức danh trưởng ngành hải pháo. Trung úy Minh xem xong trình với Hạm trưởng San, nói là địch khiêu khích ta bằng câu: "Chúng ta hãy làm những gì mà người quân nhân chúng ta phải làm". Hạm trưởng San nghe xong ông tức tối, đỏ mặt quát tháo ầm ĩ và đưa nắm đấm sang hướng tàu địch tỏ vẻ căm giận. Ông ra lệnh cho chúng tôi không nhận tín hiệu nữa và thốt lên: "Bọn bố láo".

Hai tàu của địch lúc nào cũng bám sát khu trục hạm Trần Khánh Dư vì đó là mục tiêu tiêu diệt hàng đầu của địch. Về mặt lý thuyết, HQ-4 là chiến hạm rất tối tân, ngoài vũ khí thông thường chiến hạm còn được trang bị:

- Một giàn ra đa không thám có khả năng phát hiện phi cơ địch từ khoảng cách 100 km.

- Hai giàn torpedo (phóng ngư lôi) chống tàu mặt nước.

- Một hệ thống sonar dò tàu ngầm.

- Một giàn depth charge sau lái thả những thùng thuốc nổ để tiêu diệt tàu ngầm.

- Hai dàn hedgehog (phóng thủy lựu đạn) chống tàu ngầm.

Tuy nhiên, thực tế thì các hệ thống này đều không có đạn. Tàu có ưu điểm chạy rất nhanh (vận tốc có thể lên đến 42 km/giờ). Các khẩu đại bác 76 ly 2 đều bắn bằng hệ thống viễn khiển, một xạ thủ chỉ cần nhìn vào màn hình chỉnh mục tiêu và bóp cò. Hệ thống tiếp đạn dây chuyền bằng điện rất nhanh và liên tục. Các khẩu BKP (bích kích pháo 81 ly bắn trực xạ); các đại bác 20 ly đạn dây để chống phi cơ.

Trong thời gian này, những thông tin liên lạc giữa Hoàng Sa và Đà Nẵng dù rất gần (170 hải lý) nhưng không thể thực hiện được. Tần số liên lạc bị phá rối, trên hệ thống máy bộ đàm chỉ nghe toàn tiếng Hoa. Trong khi đó, Tư lệnh Hải quân đang ở Đà Nẵng, tất cả lệnh từ Đà Nẵng đều phải chuyển vào Sài Gòn, từ Sài Gòn mới chuyển ra Hoàng Sa.

Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải - Phó đề đốc Hải quân Hồ Văn Kỳ Thoại - quyết định giao quyền cho Đại tá Ngạc. Khoảng 9 giờ 50, tàu địch 271 tiến đến rất gần HQ-4. Thình lình một loạt đạn đại liên trên nóc đài chỉ huy nổ vang. Toàn bộ đài chỉ huy không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Hạm trưởng San từ đài chỉ huy chạy ra hành lang bên trái hét to: "Im ngay, ngưng ngay, bọn chúng nổ súng thì chết hết!".

Có lẽ địch nghĩ loạt đạn này chỉ nhằm cảnh báo không cho tàu đến gần (vì không có tiếng đại bác nên tàu địch vọt ra xa mà không bắn trả). Sau đó Đại tá Ngạc ra lệnh chuyển bốn tàu theo đội hình hàng dọc (Formation-one) theo tín hiệu cờ của khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để giữ bí mật. Đến khi tín hiệu cờ chuyển sang đội hình hàng ngang (Formation-two) thì tất cả các khẩu đại bác đều hướng lên đảo. Khi nhận lệnh bắn thì tất cả khai hỏa lên đảo dọn đường lập đầu cầu để Biệt hải và người nhái đổ bộ lên đảo chiếm lại đảo.

Hạm trưởng San tức tối liệng tổ hợp nghe xuống sàn đài chỉ huy chiến hạm. Ông phân bua với thuộc cấp trên đài chỉ huy: "Mấy thằng kia nó để cho mình yên à".

Trước khi chuẩn bị nổ súng, Đại tá Ngạc hỏi ý kiến từng hạm trưởng. Đến khi hỏi ý kiến Hạm trưởng San, ông San gằn từng tiếng trong bộ đàm: "Báo cáo, tôi là quân nhân, tôi chấp hành quân lệnh nhưng hiện nước cờ đã bị lộ, không còn yếu tố bất ngờ. Muốn đổ bộ lên chiếm đảo trước mắt phải tiêu diệt lực lượng trên biển rồi sau đó mới tính đến việc đổ quân. Hiện nay tàu địch gấp đôi tàu ta, quân địch đã đổ bộ từ sáng tới giờ đầy trên đảo, ta chỉ có hai trung đội thì làm sao thành công được”.

Ông nói tiếp: "Tôi là quân nhân, tôi chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc nhưng chuyện này hết sức vô lý". Rồi ông cúp máy và ra lệnh: "Tất cả các khẩu súng nhắm thẳng vào tàu địch". Ông quyết định không chấp hành lệnh bắn vào bờ.

Thời gian từ 10 giờ 10 đến 10 giờ 20, các chiến hạm vận chuyển chiến thuật theo lệnh bằng hiệu kỳ phát ra từ soái hạm HQ-5. Phía Việt Nam Cộng Hòa không ra lệnh bằng bộ đàm để giữ bí mật mà dùng tín hiệu bằng cờ của khối NATO. Lúc bấy giờ các ống nhòm trên đài chỉ huy đều tập trung cho ngành giám lộ. Tôi và thượng sĩ nhất giám lộ Ry cùng trung sĩ nhất giám lộ Khiết mỗi người một ống nhòm nhìn chăm chú vào soái hạm HQ-5.

Khi thấy tại cột cờ HQ-5 hai lá cờ Formation-one (đội hình số 1 - hàng dọc) được kéo lên chúng tôi báo cáo cho Hạm trưởng San để ông điều động tàu đúng đội hình, đồng thời chúng tôi cũng lệnh cho nhân viên giám lộ kéo lên hai lá cờ formation-one để xác nhận đã nhận được tín hiệu và đang thi hành mệnh lệnh. Đến khoảng 10 giờ 18, từ HQ-5 hai lá cờ Formation-one được kéo xuống, lập tức chúng tôi cũng kéo xuống.

Ngay khi ấy, từ bên soái hạm, hai lá cờ Formation-two được kéo lên. Chúng tôi báo cho Hạm trưởng và kéo lên hai lá cờ Formation-two để xác nhận đã nhận được tín hiệu và đang thi hành mệnh lệnh. Lập tức các chiến hạm chuyển sang đội hình số 2 (đội hình hàng ngang). (Còn tiếp)

Lữ Công Bảy

>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 3: Toan tính của Trung Quốc
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 2: Hoàng Sa ở Hội đồng Bảo an LHQ
>> Hồ sơ ngoại giao Mỹ về Hải chiến Hoàng Sa - Kỳ 1: Bàn cờ nước lớn
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 5: Mùa xuân nhớ con anh hùng
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của Nguyễn Văn Lanh
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
>> 25 năm hải chiến Trường Sa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.