Tử hình Hồ Duy Trúc và bài học về cách dạy con

26/12/2013 10:35 GMT+7

“Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH) tại tòa. Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.

Bản án tử hình dành cho Hồ Duy Trúc là bản án phù hợp và xác đáng, bởi không có lý do gì chúng ta lại dung thứ cho những hành động dã man tàn ác như vậy. Tuy nhiên, bài viết này không dành để nói về Hồ Duy Trúc. Bài viết này nói về người mẹ của cậu ta, như một tiếng chuông cảnh tỉnh dành cho các bà mẹ Việt Nam trong việc giáo dục con cái.

Con tôi chỉ chặt tay cướp của chứ đâu có giết người sao lại bị tử hình?


Hồ Duy Trúc, đối tượng cầm đầu băng cướp gây chấn động dư luận bị tuyên án tử hình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Chỉ một câu nói, ngắn gọn nhưng lại thể hiện đầy đủ bản chất về cách giáo dục con của người mẹ. Câu nói này đồng thời khẳng định ý nghĩ rằng “cái việc này có nghiêm trọng gì đâu mà phải tử hình”.

Thậm chí, theo thiển ý của người viết, chữ “chỉ” còn thể hiện thái độ rằng đây là một hành động “tương đối bình thường”, như “chỉ ăn”, “chỉ mặc”, “chỉ ngủ”. Cho đến tận thời điểm này, khi mà người mẹ đã có đầy đủ thời gian để suy ngẫm, thì vẫn không nhận ra được mức độ nghiêm trọng tàn ác nơi hành vi của người con.

 
Lỗi nhỏ được bao che, theo tháng ngày sẽ trở thành những lỗi lầm lớn. Một hành động bạo lực được bao che, theo tháng ngày sẽ trở thành những hành vi bạo lực tàn ác và dã man hơn

“Tao biết con tao bị tử hình thì tao chuẩn bị dao giết con Thúy (nạn nhân bị chặt tay, cướp SH) tại tòa. Một lũ nhà giàu hùa nhau đẩy thằng Trúc bị tử hình, ai kêu đeo hột xoàn, đi xe tay ga chi cho nó chém”.

Phát ngôn này, có lẽ còn gây chấn động hơn. Và nó gần như giải thích lý do vì sao Hồ Duy Trúc lại có thể hành động dã man như vậy.

Được giáo dục từ những suy nghĩ như vậy, chẳng trách cậu ta có thể ngang nhiên cầm dao mà chém người không gớm tay. Mẹ của cậu ta, với phát ngôn này, đã thẳng thừng nói rằng “con tôi không có lỗi, lỗi là ở những người kia chứ”. Và điều này còn đáng sợ hơn. Bởi, không nhận ra được mức độ nghiêm trọng của hành vi tàn ác là một chuyện, không nhận ra sự sai trái trong hành vi nghiêm trọng của con cái mình lại là một chuyện khác.

Hồ Duy Trúc, có thể đã chẳng trở nên như thế này, nếu được chỉ cho cái sai từ những hành vi bạo lực của mình từ thuở bé. Một thanh niên mới hai mươi tuổi, không thể trở nên dã man như vậy chỉ trong một ngày, môt giờ, đó phải là kết quả của một chuỗi những hành động sai trái đã được bao che.

“Con hư tại mẹ”, câu nói này tuy hơi mang tính chất “vơ đũa cả nắm”, nhưng nó cũng nói lên một thực tế, rằng đa số các bà mẹ thường hay tìm cách biện hộ cho hành vi sai trái của con cái mình, hơn là dạy cho con cái cách nhận sai và chịu trách nhiệm với lỗi lầm của mình.

Lỗi nhỏ được bao che, theo tháng ngày sẽ trở thành những lỗi lầm lớn. Một hành động bạo lực được bao che, theo tháng ngày sẽ trở thành những hành vi bạo lực tàn ác và dã man hơn.

Hồ Duy Trúc, hay người mẹ của cậu ta, chính là bài học rõ ràng cho những người lớn trong việc giáo dục con cái. Không bao giờ được bao che cho những lỗi lầm, đặc biệt là với con cái của mình, từ lỗi nhỏ cho tới lỗi lớn, từ khi còn trẻ cho tới lúc trưởng thành. Bởi nếu không, có ngày bạn sẽ kết thúc với việc nằm khóc, hay quỳ lạy trước phòng xét xử!

Hoàng Nhật Phong*

* Bài viết thể hiện vă phong và góc nhìn của tác giả, là cố vấn pháp luật của Tập đoàn Việt Mỹ, giảng viên dạy Anh văn và kỹ năng mềm cho sinh viên ở các trung tâm, đang sinh sống tại TP.HCM

>> Băng chém người cướp của: Kẻ cầm đầu bị tuyên án tử hình
>> Tuyên án tử hình đối tượng cầm đầu băng cướp 'chặt tay cướp xe SH
>> Cần tuyên tử hình đối tượng cầm đầu vụ 'chặt tay cướp SH
>> Tuyên tử hình kẻ giết người sau khi cướp laptop
>> Tử hình kẻ tạt hóa chất làm chết hai người

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.