Bệ tượng Đồng Dương bị đe dọa

22/12/2013 03:05 GMT+7

Ngập trong cát, bị giàn giáo đè lên trên, bệ tượng Đồng Dương quý tại chùa Linh Ứng, thuộc di tích quốc gia Ngũ Hành Sơn, đang bị đe dọa bởi công trình xây dựng tại chùa.

Bệ tượng Đồng Dương bị đe dọa

Bệ tượng Đồng Dương bị đe dọa1

Bệ tượng Đồng Dương quý hiếm được đặt dưới giàn giáo vận chuyển vật liệu xây dựng và ngập trong cát -  Ảnh: Nguyễn Tú

Vật liệu xây dựng được đổ lấn vào bệ tượng tại chùa Linh Ứng, thuộc di tích cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn. Những cột giàn giáo trùm lên trên đầu bệ tượng. Rất nhiều nguy cơ có thể đến với tác phẩm điêu khắc này. “Bệ tượng được làm bằng chất liệu sa thạch. Chất liệu này mềm hơn rất nhiều so với gạch, đá và bê tông được sử dụng trong xây dựng hiện nay”, TS Trần Kỳ Phương - một chuyên gia văn hóa Chămpa, nói. Do tính chất đó, nếu dính bê tông hay bị va chạm với các vật liệu xây dựng, chắc chắn bệ tượng sẽ bị tổn thương.

Không chỉ là yếu tố quan trọng của di tích, đây còn là một tác phẩm điêu khắc mang phong cách Đồng Dương vô cùng quý giá. Nó thể hiện một giai đoạn nghệ thuật của Chămpa. Thời kỳ khoảng thế kỷ 9 - 10 là thời kỳ trỗi dậy, hình thành nên bản sắc dân tộc của người Chăm. Nó cũng thể hiện sự kết hợp với văn hóa bên ngoài như Java để hình thành phong cách Chămpa.

“Những tác phẩm Đồng Dương, trong đó có bệ tượng ở chùa Linh Ứng, đều mang đậm tính dân tộc”, TS Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học - nói và nhấn mạnh: “Hình ảnh các vị thần, người được trang trí trong kiến trúc tôn giáo đều mang gương mặt và nét dáng nhân chủng của người Chăm. Họ có môi dày, lông mày giao nhau, sống mũi to cao. Thể hiện thứ hai là họa tiết trang trí có cái gọi là hoa văn xoắn hình con sâu được sử dụng khá phổ biến. Tác phẩm có giá trị như thế thì cần giữ chứ không thể bảo vệ sơ sài được”.

Ngoài ra, theo TS Trần Kỳ Phương, bệ tượng này còn quý hơn vì đó là bức chạm Đồng Dương duy nhất thể hiện thần Indra cưỡi trên lưng con bạch tượng. “Chủ đề đó chưa từng xuất hiện trong nghệ thuật Chàm, đặc biệt trong phong cách Đồng Dương. Một chủ đề thể hiện thần Indra độc lập, ngồi trên lưng con bạch tượng là chưa hề có. Do đó tác phẩm rất quý, nó là phong cách độc đáo của nghệ thuật Chămpa. Bản thân phong cách Đồng Dương cũng rất quý ở Đông Nam Á”, ông Phương nói.

Nên chuyển tạm tới nơi khác

Việc bệ tượng nằm trong bộn bề xây dựng tại chùa Linh Ứng khiến các nhà khoa học không thể yên tâm. Ghi nhận tại hiện trường sáng 21.12 cho thấy Ban quản lý di tích không hề chủ động các biện pháp bảo vệ bệ tượng quý này. Thậm chí không hề có một lớp che phủ bề mặt nào cho tác phẩm. Một nguồn tin cho biết công nhân xây dựng còn to tiếng với nhà khoa học khi được nhắc nhở về việc che phủ để tránh va chạm cho bệ tượng.

“Với một hiện vật quý như thế thì Ban quản lý phải tìm bằng được giải pháp an toàn tuyệt đối cho hiện vật chứ không phải như hiện nay”, PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ, nói. Rõ ràng, ông Tín cũng không yên tâm khi bệ tượng nằm dưới giàn giáo dựng thủ công như hiện tại. Ông Tín cho rằng trong trường hợp không thể di dời bệ tượng ra chỗ an toàn, phải có biên bản hiện trạng hiện vật. Bên thi công sẽ phải chịu trách nhiệm giữ nguyên trạng cho hiện vật này đến khi bàn giao công trình.

Theo ông Trần Kỳ Phương, phương án an toàn có thể là dựng một nhà có mái che nhỏ để che cho bệ tượng. Do nó không lớn nên nhà che này chỉ cần dài rộng 1 mét, cao 1 mét là được.

Tuy nhiên, phương án tuyệt đối an toàn có lẽ là di chuyển tạm bệ tượng tới nơi khác trong thời gian xây dựng. Việc di chuyển đương nhiên phải có biên bản hiện trạng hiện vật đúng quy trình. Theo ông Võ Văn Thắng - Giám đốc Bảo tàng Chăm, bệ tượng này hoàn toàn có thể di chuyển được. Vì thế, không rõ tại sao Ban quản lý di tích không nghĩ tới phương án di chuyển tạm bệ tượng tới nơi an toàn trong suốt quá trình sân chùa biến thành công trường.  

Ngày 21.12, Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là Ban quản lý) cho hay, sáng cùng ngày, đơn vị nhận được phản ánh của du khách về việc thi công công trình mở rộng chùa Linh Ứng có nguy cơ ảnh hưởng đến bệ thờ (bệ tượng) giữa sân. Phía trên bệ thờ, các công nhân dựng giàn giáo để vận chuyển vật liệu xây dựng, công nhân còn đổ một đống cát lấp phần chân của bệ thờ.

Trước mắt, Ban quản lý đã dùng một tấm bạt phủ lên trên bệ thờ để che chắn, đồng thời yêu cầu các công nhân thi công trong khu vực đặc biệt cẩn thận không làm ảnh hưởng đến bệ thờ cũng như các di tích khác.

Ban quản lý cho biết chiều 21.12 sẽ tiếp tục yêu cầu công nhân dọn dẹp đống cát xây dựng và vệ sinh khu vực, không để xi măng hay nước ảnh hưởng đến bệ thờ, đồng thời đưa ra phương án đóng thùng sắt hoặc tôn để che chắn, hoặc di dời bệ thờ để đảm bảo an toàn.

Theo Ban quản lý, việc thi công xây dựng mở rộng chùa Linh Ứng tại Ngũ Hành Sơn là có giấy phép và đã thực hiện gần một năm qua.    

Nguyễn Tú

Trinh Nguyễn

>> Hai khu khai quật trong Hoàng thành Thăng Long đang xuống cấp
>> Di tích nằm chờ ngân sách - Kỳ 5: Văn Miếu, Võ Miếu xuống cấp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.