Ai dám tuyển sinh riêng ?

14/12/2013 01:42 GMT+7

Việc Bộ GD-ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ đáp ứng đủ tiêu chí được tuyển sinh riêng từ năm 2014 là kết quả tất yếu sau hơn 10 năm phương thức “3 chung” (chung đề, chung đợt, sử dụng chung kết quả tuyển sinh) không còn phù hợp khi áp dụng cho tất cả các trường.

Đó cũng là bước đi hợp lý để chuyển tiếp sang giai đoạn đổi mới phương thức tuyển sinh ĐH theo hướng kết hợp kết quả giáo dục phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo ở trường ĐH.

Thế nhưng dựa trên dự thảo quy định về tự chủ trong tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ vừa mới công bố, nhiều trường có ý định tuyển sinh riêng chắc phải suy nghĩ lại và chùn bước!

Tuy chưa công bố chính thức nhưng lãnh đạo Bộ cho biết hiện có 17 trường chủ yếu là ngoài công lập có kế hoạch tuyển sinh riêng. Nếu ai quan tâm đến giáo dục đều biết lý do các trường ngoài công lập muốn thi riêng là để chủ động được nguồn tuyển, thoát cái cảnh năm nào cũng nháo nhào tìm cho đủ người học. Thế nhưng trong dự thảo, Bộ không cho phép các trường thi riêng được xét tuyển từ thí sinh thi chung. Điều này sẽ khiến các trường thi riêng càng lâm vào cảnh khó khăn mà chưa có lối thoát nhiều năm qua: không tuyển được thí sinh.

Đó là chưa kể quy định này lại mâu thuẫn với luật Giáo dục ĐH là các trường có thể vừa thi vừa xét tuyển. Mà khi xét tuyển, trường có thể xét bất kỳ đối tượng nào miễn đáp ứng đúng quy định của Bộ. Thí sinh thi theo đề chung của Bộ, đạt điểm sàn theo quy định chẳng lẽ không đáp ứng được tiêu chí này để các trường thi riêng xét tuyển?

Với suy nghĩ đã riêng thì phải riêng ngay từ đầu, không liên quan gì đến chung nữa, Bộ “dứt khoát” không để Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cung cấp đề thi cho những trường muốn thi riêng nhưng chưa đủ khả năng, điều kiện ra đề theo đúng yêu cầu của Bộ.

Thật ra, nói một cách công tâm Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Bộ có chức năng gần giống với các đơn vị tổ chức thi tuyển ở nhiều nước. Đây có thể là nơi cung cấp đề, tổ chức thi cho các trường... Với kinh nghiệm hơn 10 năm tổ chức tuyển sinh chung, có thể tập hợp giáo viên kinh nghiệm của cả nước, Cục Khảo thí và Kiểm định sẽ không gặp khó khăn gì nếu là nơi cung cấp đề thi cho các trường. Hơn nữa, để tránh tình trạng tiêu cực trường nào ra đề thi, thí sinh sẽ đua nhau luyện thi ở các trường đó (điều này đã được giải quyết khá triệt để khi thi theo phương thức “3 chung”) thì thành lập một ngân hàng đề thi chung là một giải pháp khả thi. Để công bằng, Cục Khảo thí và Kiểm định của Bộ nên là nơi đảm nhận vai trò này. Như thế dù thi chung hay riêng, trường nào cũng có thể sử dụng ngân hàng đề thi này. Không những giải quyết tình trạng tiêu cực trong luyện thi, điều này cũng giúp chất lượng đề thi đồng đều hơn ở các trường, không lo về chất lượng nguồn tuyển...

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, trước những quy định này, hầu hết các trường công lập đều cho biết vẫn sẽ thi chung. Còn nhiều trường ngoài công lập trước đây có ý định thi riêng giờ đổi ý với suy nghĩ thôi thi chung cho lành vì không dại gì rước khổ vào thân!

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.