Xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm

12/12/2013 08:28 GMT+7

(TNO) Từ 7 giờ sáng ngày 12.12, người nhà Dương Chí Dũng và 9 bị cáo khác đã tập trung tại cổng TAND thành phố Hà Nội (phố Hai Bà Trưng).


Dương Chí Dũng - Ảnh: Nam Anh

Hôm nay 12.12, TAND TP.Hà Nội đưa vụ án "cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "tham ô tài sản" tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) ra xét xử. Dự kiến, phiên tòa sẽ kéo dài trong vòng 3 ngày, từ 12 - 14.12.

Ra tòa, Dương Chí Dũng già và gầy hơn

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, tại các tuyến phố xung quanh khu vực Tòa án, lực lượng chức năng đã căng dây, không cho tụ tập đông người.

7 giờ 45, đoàn xe của cơ quan chức năng đã đưa 10 bị cáo đi theo cổng phụ để vào TAND thành phố Hà Nội.

Cổng chính của Tòa án bị chặn. Công tác an ninh được thắt chặt. Cửa chính dẫn vào các phòng xử đều bị phong tỏa, ngay cả nhân viên Tòa án cũng phải qua khu kiểm tra an ninh mới vào được nơi làm việc.

Để vào Tòa án, các phóng viên phải đi qua cổng chính, xuất trình thẻ nhà báo và thẻ phụ do Tòa án cấp.

Trong sảnh Tòa án, rất nhiều lực lượng an ninh làm nhiệm vụ.

Tất cả các loại thiết bị phục vụ tác nghiệp của phóng viên như máy tính, máy ảnh đều bị kiểm tra và không được phép mang vào. Phóng viên chỉ được mang theo bút và sổ ghi chép.

Lúc 8 giờ 20 phút có hàng chục phóng viên của các báo vẫn chưa được làm thủ tục để dự phiên tòa. Các phóng viên được bố trí theo dõi phiên tòa trong một phòng riêng, qua màn hình ti vi.

Bắt đầu từ đầu giờ sáng cho tới 9 giờ 15 phút, Hội đồng xét xử hoàn thành việc kiểm tra lý lịch đối với các bị cáo.

Qua màn hình ti vi tại phòng dành cho phóng viên các báo đài, các bị cáo đều lộ rõ vẻ căng thăng. Trong đó bị cáo Dương Chí Dũng, nếu so với vài tháng trước, đã gầy và già hơn rất nhiều, mái tóc điểm bạc.

Cũng tại phiên xét xử, hầu hết các bị cáo ra tòa đều mặc áo khoác màu xanh, riêng bị cáo Dương Chí Dũng được vận áo khoác rét khác màu, trong diện áo sơ mi trắng. Cũng trong phần kiểm tra lý lịch vào đầu buổi sáng, một số bị cáo đã xin cho vợ vào tham gia phiên tòa.

Được biết có tổng cộng 14 luật sư tham gia bào chữa cho 10 bị cáo, đã có 12 luật sư có mặt tại tòa, trong đó riêng Dương Chí Dũng có 3 luật sư.

Gia đình bị cáo Trần Hữu Chiều không mời luật sư song do bị cáo này bị truy tố ở khung hình phạt có mức án cao nhất là tử hình nên tòa đã chỉ định luật sư Nguyễn Đình Huệ bào chữa cho bị cáo này.

Đại diện nguyên đơn dân sự, là ông Lê Trường Thanh, Phó tổng giám đốc Vinalines, được uỷ quyền của Tổng giám đốc.

Bên cạnh đó một số luật sư đã đề nghị sự có mặt của giám định viên các cơ quan giám định. Hội đồng xét xử cho biết sẽ xem xét nếu trong quá trình xét xử thấy cần thiết.

Khoảng 9 giờ 20, đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội bắt đầu công bố bảng cáo trạng.

Dương Chí Dũng và đồng phạm được lại quả 28 tỉ đồng

Trước đó, Viện KSND tối cao đã ký quyết định truy tố 10 bị can, gồm: Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Vinalines; Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines; Trần Hữu Chiều, nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines; Bùi Thị Bích Loan, nguyên Trưởng ban Tài chính kế toán Vinalines; Mai Văn Khang, nguyên Phó ban đóng mới tàu biển; Lê Văn Dương, đăng kiểm viên thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện, đều thuộc Chi cục Hải quan Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa và Trần Hải Sơn, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2007 cho tới hết năm 2008, Vinalines triển khai xây dựng Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, với tổng số tiền 3.854 tỉ đồng. Sau đó, Vinalines điều chỉnh mức kinh phí lên tới hơn 6.488 tỉ đồng, đồng thời xúc tiến mua ụ nổi 83M từ Nga.


Ụ nổi 83M - Ảnh: Nam Anh

Mặc dù biết ụ nổi này đã qua 43 năm sử dụng, hư hỏng nhiều, nhưng Dương Chí Dũng vẫn quyết định hợp thức hóa để mua với giá 9 triệu USD, trong khi giá trị thực chỉ vào khoảng 2,3 triệu USD.

Các bị cáo Lê Ngọc Triện, Lê Văn Lừng và Huỳnh Hữu Đức đã giúp sức để đưa ụ nổi về Việt Nam. Ụ nổi 83M khi được đưa về nước không sử dụng được do bị hỏng hóc. Dương Chí Dũng tiếp tục chỉ đạo đầu tư sửa chữa ụ nổi. Số tiền dùng cho việc sửa chữa ụ nổi, tiền bến bãi, tiền lãi vay ngân hàng… lên tới 370 tỉ đồng.

Thương vụ trót lọt, Dương Chí Dũng cùng Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều và Trần Hải Sơn được các đối tác nước ngoài "lại quả" 1,66 triệu USD, tương đương 28 tỉ đồng. Cụ thể, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc chia nhau mỗi người 10 tỉ đồng, còn Trần Hải Sơn nhận hơn 7,8 tỉ đồng và Trần Hữu Chiều nhận 340 triệu đồng.

Dương Chí Dũng được xác định có vai trò chủ mưu, cầm đầu, còn các bị can khác có vai trò đồng phạm tích cực, phạm vào tội "Cố ý làm trái các quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".


Các nhá báo tác nghiệp phải bỏ lại máy chụp hình, quay phim, máy ghi âm, điện thoại di động... bên ngoài và phải qua khâu kiểm tra an ninh - Ảnh: Hà An




Cơ quan chức năng kiểm tra danh sách những người được vào khu vực xét xử - Ảnh: Hà An

Con đường quan chức và phạm tội của Dương Chí Dũng

Con đường quan chức thênh thang và thuận lợi của ông Dương Chí Dũng đã khép lại trước vành móng ngựa, khi người từng được giao trọng trách đứng đầu ngành Hàng hải đã tham ô hàng chục tỉ đồng tài sản nhà nước.

Sinh năm 1957 tại Hải Dương, ông Dũng có những thuận lợi trong xuất phát bước đầu khi sinh ra trong một gia đình thuộc hàng danh giá (bố là ông Dương Khắc Thụ, nguyên Giám đốc Công an TP.Hải Phòng).

Năm 1994, ông Dũng về làm cán bộ tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy (khi đó là Liên hiệp các xí nghiệp nạo vét).

Sau một thời gian ngắn, cũng trong năm 1994, ông Dũng được đưa về công ty con là Công ty nạo vét Sông 1 làm Phó giám đốc, rồi lên Giám đốc.

Năm 2003, ông Dương Chí Dũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco). Tổng công ty này đã bị thua lỗ nặng nề, thậm chí bị âm vốn chủ sở hữu, từng bị xếp vào diện giám sát đặc biệt của Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, tháng 8.2005, ông Dũng vẫn được bổ nhiệm Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), và đến tháng 7.2011, ông được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Vinalines.

Tháng 2.2012, ông Dũng được cho thôi chức chủ tịch HĐTV Vinalines để chuyển sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải VN, Bộ GTVT.

Đáng chú ý, thời điểm ông Dũng được điều sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải VN, Thanh tra Chính phủ đã kết thúc đợt thanh tra tại Vinalines và kết luận hàng loạt sai phạm liên quan tới trách nhiệm của ông Dũng.

Dưới sự giúp đỡ của em trai là Phó giám đốc Công an TP.Hải Phòng Dương Tự Trọng cùng một số người khác, ông Dũng trong quá trình bị điều tra đã tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài, nhưng cuối cùng đã bị bắt. (Mai Hà)

Hà An

>> Xét xử 'đại án' tham nhũng tại Vinalines: Dương Chí Dũng có tới 3 luật sư bào chữa
>> Chuẩn bị xét xử 'đại án' Dương Chí Dũng
>> Vụ án Dương Chí Dũng sẽ xử vào ngày 12.12
>> Truy tố 7 bị can đưa Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài
>> Truy tố Dương Chí Dũng tội tham ô
>> Truy tố Dương Chí Dũng về tội tham ô
>> Dương Chí Dũng từng chạy trốn tới Mỹ
>> Đề nghị truy tố 7 bị can tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn
>> Có thể thu hồi được nhà Dương Chí Dũng mua cho bồ nhí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.