Thi hành công vụ theo cách 'phản cảm'

10/12/2013 08:55 GMT+7

Phải chăng chúng ta có quyền xông vào giật tài sản của người buôn bán nhỏ mà không hề có một biên bản nào được lập? Nửa rổ cà chua văng ra đường bị giẫm nát, nửa rổ bị quăng lên xe, tài sản của công dân đi về đâu?… Đó là vấn đề nghiêm trọng.

>> Lề đường là của người giàu?
>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
>> Còn đâu vỉa hè ?
>> Còn đâu vỉa hè của người đi bộ?
>> Vỉa hè bị “xẻ thịt”

 Những hình ảnh không lấy gì làm hay ho cho lắm ấy có thể lan ra khắp năm châu vào cái thời thế giới phẳng này - Ảnh: Giang Phương
Những hình ảnh không lấy gì làm hay ho cho lắm ấy có thể lan ra khắp năm châu vào cái thời thế giới phẳng này - Ảnh: Giang Phương

Chúng ta hãy hình dung một hoạt cảnh sau đây: Đoạn đường phố có đông người buôn bán tràn ra vỉa hè đang tấp nập. Chợt có ai đó la lên: “Trật tự trật tự”. Nhìn ra xa thấy chiếc xe công vụ có gắn chữ “police” của công an phường rà rà đến. Trên xe có một hai công an viên và khoảng ba bốn dân phòng. Mọi người nhốn nháo thu dọn đồ đạc. Nhưng không kịp rồi. Xe đã dừng lại tại một điểm nào đó và các dân phòng ào xuống, đôi lúc cả công an viên. Một màn giành giật giữa lực lượng công vụ và người buôn bán xảy ra. Đối tượng giành giật có thể là một rổ cà chua hoặc một rổ chanh, một đống cải xà lách hay là một thau cá lóc cá rô, một xe hàng rong… Có khi anh dân phòng chỉ giật được nửa rổ cà chua, nửa còn lại văng tung tóe ra đường. Anh ta vội chạy đến chỗ chiếc xe công vụ đang chờ sẵn để quăng “chiến lợi phẩm” lên xe rồi nhanh chóng quay lại ngay để làm tua khác. 

 
Thi hành công vụ theo cách 'phản cảm' - ảnh 2 Tôi từng chứng kiến những màn giành giật kịch tính đến nỗi người anh dân phòng bết đầy cà chua. Cũng có lúc là một anh công an lớn tuổi bị nước cá văng lên đầy mặt. Tôi nhớ lại hình ảnh những người lính Pháp thời xưa vào chợ giật đồ của người buôn bán mà bà nội tôi thường kể lại cho tôi nghe. Hai hoạt cảnh dĩ nhiên khác nhau về ý nghĩa, vì một bên là đi dẹp trật tự, một bên là đi càn kiếm ăn, nhưng về mặt hình ảnh nếu quay phim lại mà không kèm lời thuyết minh thì không khác nhau là bao Thi hành công vụ theo cách 'phản cảm' - ảnh 3

Tôi từng chứng kiến những màn giành giật kịch tính đến nỗi người anh dân phòng bết đầy cà chua. Cũng có lúc là một anh công an lớn tuổi bị nước cá văng lên đầy mặt. Tôi nhớ lại hình ảnh những người lính Pháp thời xưa vào chợ giật đồ của người buôn bán mà bà nội tôi thường kể lại cho tôi nghe. Hai hoạt cảnh dĩ nhiên khác nhau về ý nghĩa, vì một bên là đi dẹp trật tự, một bên là đi càn kiếm ăn, nhưng về mặt hình ảnh nếu quay phim lại mà không kèm lời thuyết minh thì không khác nhau là bao.

Những màn kịch tính như tôi vừa kể cũng đã đi vào nhiều tác phẩm điện ảnh Việt. Và nhiều khán giả nước ngoài rất thích thú với những hình ảnh này. Chỉ là những đoạn phim hài hước có ý nghĩa giải trí mua vui nhưng ngẫm cho kỹ thì thật là chua xót. Việc thi hành một loại công vụ quan trọng của nhà nước lại có thể trở thành hình ảnh mua vui cho điện ảnh sao? Tôi dám khẳng định rằng hầu như tất cả các cuộc thiết lập trật tự lòng lề đường của cấp phường trên thành phố văn minh tôi đang sống đây, thậm chí là trên cả nước, đều theo hoạt cảnh đó, chỉ khác về mức độ. 

Ở TP.HCM này, có lẽ nhiều người có dịp đi vào các trụ sở ủy ban phường. Nếu quá bộ ra phía sau, chúng ta sẽ thấy chất đống cơ man nào những tấm bảng hiệu, xe hàng rong, những chiếc cần xé, thúng mủng rổ rá, xô chậu… Có nhiều nơi chất cao như ngọn núi nhỏ. Đó là kết quả của hàng trăm cuộc thiết lập trật tự đô thị của họ. Những thứ này có điều gì đáng nói không, xin hãy chờ một lát ở đoạn sau, tôi sẽ phân tích. Bây giờ xin trở lại những hoạt cảnh đường phố.

Phải chăng người buôn bán nhỏ lì đòn đến nỗi lực lượng trật tự lòng lề đường phải liên tục mở những cuộc “càn” năm này qua năm khác như vậy mà vẫn không xong? Hoàn toàn không phải. Có một đoạn đường phố ở Gò Vấp tập trung rất đông người buôn bán nhỏ lấn chiếm lòng lề đường. Một ngày kia người ta xây dựng một trung tâm văn hóa ở đây. Trước ngày khánh thành trung tâm văn hóa, phường thông báo yêu cầu các tiểu thương phải khẩn cấp rời đi trả lại sự thông thoáng cho đoạn đường trong ngày khai trương. Trong vòng một ngày, toàn bộ các tiểu thương đã rời khỏi nơi đây và hơn mười năm qua họ chưa hề quay lại.  

Mười tám năm về trước, năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký Nghị định 36/CP để “bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị”. Qua các năm sau, chúng ta có thêm các Luật giao thông đường bộ 2001, Luật giao thông đường bộ 2008. Tất cả các văn bản luật ấy đều không thừa nhận việc buôn bán trên đường phố. Nhưng ở Việt Nam chúng ta, nền kinh tế vỉa hè còn đóng một vai trò rất lớn trong đời sống. Thế nên công thức “phạt cho tồn tại” ra đời để thích ứng với xã hội.

Điều đáng nói là cách thức thực hiện “phạt cho tồn tại” này. Tôi biết có những người coi việc xách xe công vụ chạy một vòng quanh phường để thu về một số “chiến lợi phẩm” là “thú vui” của họ mỗi chiều. Họ không nghĩ đến sự phản cảm phát sinh ra từ đó sẽ ảnh hưởng đến bộ mặt uy nghiêm của quyền lực nhà nước như thế nào. Lẽ nào có thể chấp nhận được những hoạt cảnh “giật đồ” của người thay mặt chính quyền thực thi công vụ ngay trên đường phố văn minh. Những hình ảnh không lấy gì làm hay ho cho lắm ấy có thể lan ra khắp năm châu vào cái thời thế giới phẳng này. 

Ở một góc độ khác, là vấn đề quyền bất khả xâm phạm về tài sản của công dân. Phải chăng chúng ta có quyền xông vào giật tài sản của người buôn bán nhỏ mà không hề có một biên bản nào được lập? Nửa rổ cà chua văng ra đường bị giẫm nát, nửa rổ bị quăng lên xe, tài sản của công dân đi về đâu? Nguyên một xe hàng rong có thể trị giá hàng triệu đồng bị quăng lên xe công vụ mà không có biên bản liệu có còn nguyên vẹn khi người dân đến xin nhận lại vào ngày hôm sau? Đó là vấn đề nghiêm trọng.

Tất cả những bất cập đó chúng ta có thể khắc phục nếu chúng ta muốn. Việc cử một hai dân phòng túc trực thường xuyên tại những khu vực có sự mất trật tự sẽ hiệu quả hơn nhiều và văn minh hơn nhiều so với việc điều xe công vụ “chạy một vòng” để thu gom hàng hóa của người dân mỗi chiều.

Tại sao chúng ta không làm như vậy mà cứ để những hình ảnh phản cảm mãi xảy ra từ 18 năm nay?

(Viết nhân vụ việc một người bán hàng rong bị đánh bất tỉnh)
         

Trần Đình Thu

* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một luật gia, nhà báo, đạo diễn sống tại TP.HCM

>> Vỉa hè với hàng rong trong một bài toán lớn
>> Ai tháo chạy trong cuộc rượt bắt làm đẹp vỉa hè?
>> Rút ruột" vỉa hè ở Bà Rịa - Vũng Tàu 

, Trần Đình Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.