Mỹ từng xem ông Nelson Mandela là phần tử khủng bố

06/12/2013 12:45 GMT+7

(TNO) Vào năm 2008, trước thềm sinh nhật lần thứ 90 của Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, Mỹ đã tặng cho ông “một món quà đặc biệt”. Đó là việc Washington rút tên ông Mandela khỏi danh sách khủng bố của Mỹ, chấm dứt cái được gọi là 'một vấn đề đáng hổ thẹn'.

>> Con gái Mandela biết tin cha mất trong buổi chiếu phim về ông
>> Nam Phi chuẩn bị lễ quốc tang ông Nelson Mandela
>> Hoàng tử Anh William: Xin được gửi ngàn lời cầu nguyện đến ông Mandela
>> Ngày buồn của những người đóng vai Nelson Mandela
>> Bảy điều Nelson Mandela để lại cho chúng ta
>> Nelson Mandela và 3 người vợ

Ông Mandela, người anh hùng chống apartheid (chế độ phân biệt chủng tộc), đã trải qua 27 năm trong những nhà tù của chế độ apartheid ở Nam Phi. Ông được trả tự do vào năm 1990, kiên quyết đấu tranh chống apartheid và sau đó trở thành vị tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi.

Người anh hùng chống apartheid đã từ trần ở tuổi 95 vào lúc 20 giờ 50 phút tối 5.12 (giờ địa phương).

Vào ngày 5.12, Tổng thống Mỹ Barack Obama, vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, đã gọi ông Mandela nhân vật của mọi thời đại và ra lệnh treo cờ rủ tại các văn phòng chính phủ Mỹ để tưởng nhớ ông Mandela.

Nhưng nhiều thập kỷ trước đó, Mỹ không hề kính trọng ông Mandela và đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) của ông.

Washington đã xem ông Mandela là một phần tử khủng bố, liệt tên ông vào danh sách theo dõi khủng bố vì những cuộc đấu tranh vũ trang của ANC chống lại chế độ apartheid. ANC còn bị Mỹ xem là một tổ chức khủng bố.

Theo AFP, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã tham gia vào vụ bắt giữ ông Mandela vào năm 1962. CIA cài một điệp viên vào ANC để rò rỉ thông tin cho lực lượng an ninh chính quyền Nam Phi biết địa điểm của ông Mandela.

Chính phủ Nam Phi do đảng Quốc gia cầm đầu đi theo chế độ apartheid kéo dài từ năm 1948-1994.

Mãi đến năm 2008, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông George W. Bush, mới ký thông qua một dự luật rút tên ông Mandela và các lãnh đạo ANC ra khỏi danh sách theo dõi khủng bố.

Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ bà Condoleezza Rice hồi năm 2008 cho rằng việc Washington liệt ông Mandela vào danh sách khủng bố là "một vấn đề đáng hổ thẹn".

“Ông Mandela không còn trong danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ Mỹ, tôi cảm thấy hài lòng khi dự luật này ký thành luật”, Thượng nghị sĩ John Kerry, hiện là Ngoại trưởng Mỹ, cho biết vào năm 2008.

Ông Mandela được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1993 vì có công chấm dứt chủ nghĩa apartheid.

Phúc Duy

>> Ông Nelson Mandela từ trần ở tuổi 95
>> Nam Phi chuẩn bị lễ quốc tang ông Nelson Mandela

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.