Lớp học giữa rừng cao su

14/11/2013 01:34 GMT+7

Những ngôi trường mầm non của Trung đoàn 717 (Binh đoàn 16) là mái nhà chung của những đứa trẻ thuộc các xã nghèo vùng biên giới của H.Bù Đốp (Bình Phước).

Lớp học giữa rừng cao su
Một lớp học do Trung đoàn 717 xây dựng - Ảnh: Phước Hiệp

Đầu tháng 11, chúng tôi có dịp đến thăm Trung đoàn 717 và rất ấn tượng về những lớp học mầm non do những người lính quân hàm xanh xây dựng. Thượng tá Nguyễn Văn Ảnh, Chính ủy Trung đoàn 717, nhớ lại: “Cách nay hơn 11 năm, trẻ em, kể cả người Kinh và người dân tộc thiểu số sinh ra nơi vùng biên giới này hầu như mù chữ vì trường lớp quá xa, kinh tế quá khó khăn. Khi hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, vận động bà con ăn chín uống sôi, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến nhiều đứa trẻ là con em của lao động trong đơn vị và người dân trong vùng nheo nhóc, đen đủi, đặc biệt là lớn tuổi nhưng mù chữ”.

Từ thực tế đó, các chiến sĩ Trung đoàn 717 bắt đầu có ý tưởng giúp các em học tập, tìm kiếm con chữ. Những lớp học đơn sơ được dựng lên nằm rải rác, tá túc trong những rừng cao su bạt ngàn. “Mất cả năm trời, các chiến sĩ chia nhau đến từng hộ gia đình vận động. Nhờ kiên trì, dần dần trẻ em cũng lấp đầy các lớp”, thượng tá Ảnh nói.

Khi chúng tôi đến thăm điểm Trường mầm non Hoa Hồng thuộc Trường mẫu giáo Thanh Hòa (ấp 3, xã Thanh Hòa, H.Bù Đốp), các em nhỏ đang được tập hát. Tất cả giáo viên ở đây từng là công nhân cao su của Trung đoàn 717 và được chọn đưa đi đào tạo cao đẳng sư phạm mầm non.

Đến nay hàng trăm trẻ là con em người dân trong vùng và đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, Khmer đều được đến trường đúng độ tuổi. Từ 4 điểm trường xây dựng đơn sơ, dã chiến, đến nay Trung đoàn 717 đã xây dựng được 10 điểm trường (nhà trẻ) và 2 lớp mẫu giáo khang trang. Các điểm trường đã đáp ứng chỗ học cho trên 220 học sinh vùng biên giới.

Phước Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.