Trắng đêm chạy bão

11/11/2013 03:00 GMT+7

22 giờ đêm qua, ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó chủ tịch UBND H.Cát Hải, TP.Hải Phòng) có mặt ở đảo Cát Hải và lội nước đi kiểm tra việc di dời và chỗ ăn nghỉ cho người dân. Trên đảo có 5 xã, 1 thị trấn, tất cả đều có các hộ trong diện cần di dời. Từ chiều, khoảng 1.000 hộ đã được sơ tán và được cấp suất ăn.

Hàng vạn hộ dân ở Quảng Ninh, Hải Phòng và Nam Định đã kịp di dời tránh bão trong đêm qua.

22 giờ đêm qua, ông Nguyễn Hoàng Minh (Phó chủ tịch UBND H.Cát Hải, TP.Hải Phòng) có mặt ở đảo Cát Hải và lội nước đi kiểm tra việc di dời và chỗ ăn nghỉ cho người dân. Trên đảo có 5 xã, 1 thị trấn, tất cả đều có các hộ trong diện cần di dời. Từ chiều, khoảng 1.000 hộ đã được sơ tán và được cấp suất ăn.

Trắng đêm chạy bão

Người dân P.Bàng La, Q.Đồ Sơn, TP.Hải Phòng trú bão tại Trường THCS Bàng La. Ảnh chụp lúc 22 giờ 30 hôm qua 10.11 - Ảnh: Vũ Ngọc Khánh

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền cùng Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải có mặt ở Q.Đồ Sơn. Tại đây, những hộ dân có nhà cửa không đảm bảo đã được di chuyển đến Trường THCS Bàng La. Các lực lượng quân đội đã đến đây từ chiều và chăm sóc các cụ già, trẻ em cũng như giúp người dân sắp xếp chỗ ở. 23 giờ mưa bắt đầu nặng hạt. Tại UBND P.Bàng La, PV ghi nhận không khí hết sức khẩn trương. Hệ thống loa truyền thanh liên tục phát thông tin về cơn bão. Hơn 320 người dân của 14 tổ dân phố phải di dời. Những hộ dân sống trong nhà tạm, nhà cấp 4 phải di chuyển sang những hộ có nhà kiên cố. Tại Trường THCS Bàng La, gần 50 người dân đã được di dời vào đây lúc gần 20 giờ. Bà Bùi Thị Thở, 76 tuổi, tổ dân phố Bàng Đông đến đây chỉ với một túi quần áo. Bà cho biết: “Sống gần trọn đời người tại đây, từng trải qua nhiều trận bão lớn bé nhưng lần này, nghe đài báo bão lớn, tôi lo lắng quá. May được các chú ấy giúp đỡ chứ không thì cũng nguy”.

 

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, tối ngày 10.11, vùng ven biển Bắc bộ đã có gió giật mạnh cấp 6 - 7, ở đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng) có gió giật mạnh cấp 12, Bãi Cháy (Quảng Ninh), Văn Lý (Nam Định) giật cấp 8, Cô Tô có gió giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Bắc bộ mưa đang tăng dần, một số nơi đã có mưa to như Bạch Long Vĩ, Mẫu Sơn (Lạng Sơn)...

Đến 20 giờ ngày 10.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,3 độ vĩ bắc; 107,8 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Ninh khoảng 190 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, tức là từ 118 - 133 km/giờ, giật cấp 13-14.

Theo AFP, Trung Quốc ngày 10.11 đưa ra mức cảnh báo cao nhất khi siêu bão Haiyan tiến vào miền nam nước này. Đến nay, đã có khoảng 6 đến 7 người mất tích do bão ở tỉnh đảo Hải Nam. Chính quyền tỉnh đã cho sơ tán 13.000 người, đồng thời hoãn hoặc hủy 200 chuyến bay.

Ngoài 2 xuồng cao tốc hiện đại ST 112 của lực lượng biên phòng túc trực tại Cát Bà, chiều qua TP.Hải Phòng đã được bổ sung thêm 2 tàu cứu nạn SAR 411 và SAR 273 của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN để sẵn sàng cứu hộ tại vùng biển Cát Bà và Phù Long. 1.755 phương tiện với  8.424 lao động được vào bờ an toàn. Thống kê lúc 17 giờ cho biết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã sơ tán 23.536 người (tương đương với 8.525 hộ dân).

Tại Quảng Ninh, lúc 23 giờ 30, trong khi các huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn đang phải chịu sức gió cấp 11, cấp 12 giật trên cấp 12 thì người dân TP.Hạ Long có phần “dễ thở” hơn khi sức gió mạnh nhất tại thời điểm này chỉ rơi vào khoảng cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Tuy nhiên, ông Hoàng Quang Hải, Phó chủ tịch UBND TP.Hạ Long, cho biết: “Mưa lớn, xối xả và kéo dài liên tục từ khoảng 19 giờ 30 đến tận bây giờ. Để tránh nguy cơ xảy ra tai nạn cho người dân, từ 20 giờ 30 thành phố đã chủ động cắt điện”. Trước đó, Quảng Ninh đã kịp di dời hơn 1.000 ngư dân trên các lồng bè ở H.Vân Đồn và TP.Hạ Long lên bờ. 10.407 phương tiện tàu thuyền công suất dưới 90 CV cũng đã về nơi neo đậu. Khoảng 150 du khách trên đảo Cô Tô cũng đã được đưa về đất liền trong buổi sáng.

Tại Nam Định, ông Nguyễn Văn Khoản (ở thị trấn Thịnh Long, H.Hải Hậu), nói với Thanh Niên: “Lần này tôi thấy chính quyền có sự chuẩn bị đối phó với cơn bão khá chu đáo. Mặc dù trước đó dự báo bão đổ bộ chủ yếu vào miền Trung nhưng từ cách đây 3 ngày chính quyền thị trấn đã có phương án di dời gần 100 hộ từ ven đê vào bờ. Khi bà con di chuyển đều được hỗ trợ từ phương tiện đến nhân lực”. Bà Nguyễn Thị Na, chủ nhà nghỉ Biển Đông ở thị trấn Quất Lâm, H.Giao Thủy, cũng cho biết: “Đến chiều tối một số chủ nhà nghỉ và các hộ ở ven bãi chần chừ không vào bờ. Nhưng bộ đội biên phòng và cán bộ địa phương đã kiên trì vận động đến người dân cuối cùng sơ tán rồi mới rút đi”. Theo thống kê, toàn tỉnh có 10.700 người ở 3 huyện ven biển (Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng) được di dời đến nơi an toàn. Ngoài ra còn có 47.000 hộ tương đương 208.000 dân thuộc diện nhà ở không an toàn cũng thuộc diện di dời.

Thái Bình cũng di dời lao động trên 3.200 chòi canh, trên 3.800 lao động vào nơi an toàn. Hơn 1.600 hộ dân với 6.334 nhân khẩu ở ngoài đê chính thuộc hai huyện nguy hiểm nhất là Tiền Hải và Thái Thụy đã được di dời vào khu vực trong đê. Tỉnh này cũng đã di dời 3.323 dân ở nhà tạm, nhà nguy hiểm, các khu vực có nguy cơ thuộc các huyện ven biển và TP.Thái Bình đến nơi an toàn.

Hà Nội: Học sinh nghỉ học

Từ ngày 8 đến nay Hà Nội đã thực hiện nhiều phương án để ứng phó với cơn bão số 14. Theo đó, với khả năng úng ngập ảnh hưởng đến khoảng 70.000 dân, đặc biệt là các hộ sống trong các khu nhà cấp 4, chung cư cũ, vùng trũng, thấp, chính quyền đã chủ động các phương án đưa dân vào ở tại các quỹ nhà ở của thành phố, thậm chí trưng dụng các khu đô thị mới để tiếp nhận người dân ở tạm. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng đã chuẩn bị số lượng lớn thuốc men, nhu yếu phẩm để phục vụ nhu cầu người dân. Hôm nay, ngày 11.11, học sinh toàn Hà Nội nghỉ học theo yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Thái Sơn - Tuệ Nguyễn

Nghệ An, Hà Tĩnh: 2 người chết

Chính quyền H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) cho biết đêm 9.11, trong lúc đang làm nhiệm vụ điều tiết nước xả lũ trên đê La Giang (thuộc địa bàn xã Bùi Xá, H.Đức Thọ), ông Nguyễn Cảnh Bình (38 tuổi, Phó tổ trưởng Tổ quản lý cống Đức Xá trên đê La Giang) trượt chân rơi xuống sông, đến 22 giờ cùng ngày mới tìm thấy thi thể. Tại Nghệ An, sáng 10.11, bà Nguyễn Thị Vân (67 tuổi, ngụ xã Nam Xuân, H.Nam Đàn, Nghệ An) chặt cành cây trong vườn phòng gió bão đã bị rơi xuống ao và tử vong.

K.Hoan - N.Dũng

Quảng Trị: 68.680 người sơ tán đã trở về nhà

Đến 12 giờ trưa hôm qua, 17.600 hộ dân (68.680 người) của tỉnh Quảng Trị đi sơ tán đã trở về nhà. Cơ quan chức năng ghi nhận một trường hợp bị thương rất nặng đang được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế; nạn nhân gặp nạn khi trèo lên mái chằng chống nhà. Trong khi đó, một loạt 8 hồ lớn trên địa bàn tỉnh từ hôm qua đều xả lũ như Bàu Nhum, Bảo Đài, Hà Thượng, Đá Mài - Tân Kim, Khe Mây, Nghĩa Hy...

Nguyễn Phúc 

Quảng Ngãi: 2 người chết

Sáng qua cơ quan chức năng đã đến chia buồn và trao tiền hỗ trợ cho gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Sen (27 tuổi, phóng viên Đài truyền thanh H.Đức Phổ) và gia đình ông Phùng Quốc Liêm (50 tuổi, ở H.Mộ Đức). Đây là 2 nạn nhân bị tử vong trong lúc ứng phó với siêu bão. Ông Liêm bị té ngã trong lúc đốn chặt cây, còn chị Sen bị tai nạn trên đường đi tác nghiệp đưa tin về công tác phòng chống bão vào đêm 9.11. Ngoài ra còn có 16 người bị thương.

Hiển Cừ

Thừa Thiên-Huế: 2 người chết, 2 người bị thương

Tính đến chiều qua, tại Thừa Thiên-Huế đã có 2 người chết do bão. Trường hợp thứ nhất xảy ra tại H.Phú Lộc, nạn nhân (sáng 10.11) cùng bà con ngư dân ra giằng néo tàu thuyền, bị trượt chân ngã, chấn thương nặng rồi tử vong. Một trường hợp khác cũng tử vong chiều ngày 9.11, trong lúc giúp hàng xóm chằng chống nhà cửa. Ngoài ra, có 2 người bị thương do chằng chống nhà cửa. Sáng qua người dân chạy bão đã trở về nhà sau một đêm đi sơ tán.

Bùi Ngọc Long - Đình Toàn - Khoa Tuyết 

Quảng Nam: Chuẩn bị chống lũ

Chính quyền hôm qua hướng dẫn hơn 150.000 người dân ở các điểm sơ tán trở về nhà để lo chống lũ sắp tới. Từ 9 giờ cùng ngày, các huyện báo cáo đã đưa người dân trở về nhà. Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương theo dõi tình hình mưa lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn để có biện pháp phòng chống lụt. Ông Phan Xuân Cảnh, Phó chủ tịch UBND H.Duy Xuyên, xác nhận khi chống bão có một người chết do rơi từ trên cao xuống đất vào chiều 9.11. Nạn nhân là ông Nguyễn Ban (51 tuổi, trú thôn Hòa Bình, xã Duy Phước, H.Duy Xuyên).

Hoàng Sơn

Quảng Bình: 1 người chết, 20 người bị thương

Đến chiều tối, hàng ngàn hộ dân đã trở về nhà sau khi di dời đi tránh bão. Theo báo cáo, ảnh hưởng của bão số 14 đã khiến 1 người chết là ông Phạm Văn Tương (ở tổ dân phố 14, P.Nam Lý, TP.Đồng Hới) và 20 người bị thương ở các huyện thị.

T.Q.Nam

Hủy các chuyến bay đến miền Bắc

Vietnam Airlines đã thông báo hủy 1 chuyến bay từ TP.HCM đi Hải Phòng vào chiều hôm qua và hủy tiếp 4 chuyến bay đi/đến Hải Phòng sáng hôm nay. Các chuyến bị hủy gồm 2 chuyến trên đường bay Đà Nẵng - Hải Phòng và 2 chuyến TP.HCM - Hải Phòng. Trước đó, Vietnam Airlines đã thông báo tính đến ngày 10.11 đã hủy tổng cộng 62 chuyến bay đến/đi từ các sân bay Đà Nẵng, Huế, Nha Trang, Vinh, Đồng Hới, Thanh Hóa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Tuy Hòa.

M.Vọng

Thanh Niên

>> Siêu bão Hải Yến bắt đầu ảnh hưởng Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng
>> Đê biển Quất Lâm dở dang trước siêu bão Hải Yến
>> Chùm ảnh người dân Đồ Sơn, Hải Phòng chuẩn bị ứng phó siêu bão Hải Yến
>> Siêu bão Hải Yến: Học sinh toàn Hà Nội nghỉ học ngày 11.11
>> Siêu bão Hải Yến giật cấp 15 thẳng hướng Đông Bắc bộ
>> Siêu bão Hải Yến: Người dân Đồ Sơn hối hả chằng chống nhà cửa

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.