Siêu bão Hải Yến đổ bộ Hải Phòng - Quảng Ninh

11/11/2013 00:29 GMT+7

(TNO) Lúc 4 giờ 30 phút sáng nay 11.11, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết Hải Phòng chưa có báo cáo thiệt hại về người. Lúc này tại TP.Hải Phòng, gió không dồn dập mà rít từng cơn. Rất ít mưa.. >> Siêu bão Hải Yến ảnh hưởng Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng >> Hướng tới lòng thảm họa >> Trắng đêm chạy bão

(TNO) Từ 0 giờ đến 1 giờ sáng ngày 11.11, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gió đã bắt đầu mạnh dần lên, giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội.

>> Hướng tới lòng thảm họa
>> Trắng đêm chạy bão
>> Siêu bão Hải Yến bắt đầu ảnh hưởng Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng
>> Đê biển Quất Lâm dở dang trước siêu bão Hải Yến
>> Chùm ảnh người dân Đồ Sơn, Hải Phòng chuẩn bị ứng phó siêu bão Hải Yến
>> Siêu bão Hải Yến: Học sinh toàn Hà Nội nghỉ học ngày 11.11
>> Siêu bão Hải Yến: Nam Định... cưỡng chế di dời

Tâm siêu bão Hải Yến vào Quảng Ninh

Theo bản tin phát lúc 5 giờ 30 ngày 11.11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh ven biển Bắc bộ đã có gió giật mạnh cấp 9-11, có nơi giật mạnh cấp 13 như Bãi Cháy. Ở các đảo Bạch Long Vĩ ( Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 13. Ở các tỉnh phía đông Bắc bộ đã có mưa vừa, mưa to, riêng khu đông bắc có mưa rất to, một số nơi có lượng mưa lớn như Bạch Long Vĩ 137 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126 mm, Cửa Ông 107 mm, Bãi Cháy 109 mm.


Hướng di chuyển của siêu bão Hải Yến - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương

Sáng sớm nay (11.11), vùng tâm bão đã đi vào khu vực các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh.

Hồi 5 giờ ngày 11.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,3 độ vĩ bắc; 107,2 độ kinh đông, ngay trên đất liền tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km, vượt qua tỉnh Quảng Ninh, đi vào đất liền phía nam Trung Quốc và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 16 giờ ngày 11.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 23,2 độ vĩ bắc; 107,3 độ kinh đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 4 giờ ngày 12.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 24,5 độ vĩ bắc; 108,5 độ kinh đông, trên khu vực phía đông nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km/giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực bắc Vịnh Bắc bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư) sáng nay (11.11), còn có gió mạnh cấp 6-7, riêng vùng biển Quảng Ninh - Hải Phòng (bao gồm các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) có gió cấp 8-9, giật cấp 10, cấp 11. Ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-7, riêng các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 9-10.

Ở khu vực các tỉnh phía đông Bắc bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực đông bắc Bắc bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Ninh Bình - Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5-4,5 m. Sóng biển cao 2-4 m.

 

 

 

Từ 0 giờ đến 1 giờ sáng ngày 11.11, tại Đồ Sơn (Hải Phòng), gió đã bắt đầu mạnh dần lên, giật cấp 8, cấp 9, biển động dữ dội.

Lúc 1 giờ 15 phút, qua điện thoại với Thanh Niên Online, ông Hoàng Xuân Minh - Phó chủ tịch UBND quận Đồ Sơn - cho biết hiện tại ở Đồ Sơn gió đã mạnh cấp 8, cấp 9, còn những vùng ở ngoài đảo như, đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ gió cũng đã mạnh dần lên, mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động mạnh.

Theo nhận định của ông Minh, đến giờ phút này mọi thứ vẫn trong vòng kiểm soát, chưa nhận được thông tin nào về thiệt hại của gão gây ra.  

Lúc 1 giờ 25 phút ngày 11.11, phóng viên Lưu Quang Phổ gửi về những tấm hình vừa chụp ở Hải Phòng. Đó là đường phố Hải Phòng và trong một ngõ phố ở đường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, trong đó có một người đàn ông đang kiểm tra một chậu cây cảnh bị đổ. Trên đường phố vẫn có xe hơi, ta xi chạy...

Từ 2 giờ 30 phút, tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh, điện bị cắt toàn thành phố.

Lúc 2 giờ 45 phút, các khai thác viên Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho biết: Bão Hải Yến (bão số 14) đã vào Hải Phòng - Quảng Ninh với sức gió gần giống cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm ngoái. Hiện tại Hải Phòng gió đã giật cấp 10 - cấp 11. Trời đã mưa to, cây đã ngã đổ, mái tôn các nhà giật liên tục nhưng hệ thống thông tin liên lạc vẫn đảm bảo thông suốt 24/24 giờ…

Lúc 3 giờ, tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh  mưa gió dữ dội. Cầu Bãi Cháy cấm tất cả các phương tiện qua lại. Các xe tải xếp dài hàng cây số trên đường Cái Lân chờ được qua cầu. Trên đường phố ngổn ngang cây xanh bị đổ.

Tâm bão đang đi vào đất liền Hải Phòng - Quảng Ninh

Theo bản tin phát lúc 3 giờ 30 phút sáng nay 11.11 của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ đã có gió giật mạnh cấp 9 - 11, có nơi giật mạnh cấp 13 như Bãi Cháy. Ở các đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 13. Ở các tỉnh Bắc Bộ mưa đang tăng dần, một số nơi đã có mưa to như Bạch Long Vĩ 137 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 126 mm, Cửa Ông 107mm, Bãi Cháy 80 mm.

 

Dự báo đường đi bão Hải Yến - Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư

Hồi 3 giờ ngày 11.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 107,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km/giờ), giật cấp 12, cấp 13.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km, như vậy chỉ 1 - 2 tiếng tới vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh Hải Phòng - Quảng Ninh sau đó tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 13 giờ ngày 11.11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới phía Bắc Việt Nam - Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km sau đó suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 1 giờ ngày 12.11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 24,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Tây Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm đảo Hòn Ngư, các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Cát Hải) sáng nay (11.11) còn có gió mạnh cấp 7 - 9, vùng gần tâm bão cấp 10 - 11, giật cấp 12, cấp 13. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ từ Ninh Bình đến Quảng Ninh có gió mạnh cấp 6 - 8, vùng gần tâm bão cấp 9 - 10, giật cấp 11 - 12.

Ở khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ có mưa vừa mưa to, riêng vùng đồng bằng ven biển và khu vực Đông Bắc Bắc Bộ có mưa to đến rất to. Khu vực ven biển và các đảo từ Ninh Bình - Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão kết hợp với triều cường cao từ 3,5 - 4,5 m. Sóng biển 2 - 4m, vùng gần tâm bão có thể tới 6 m.

Lúc 4 giờ 30 phút, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Dương Anh Điền cho biết Hải Phòng chưa có báo cáo thiệt hại về người.

Lúc này tại TP.Hải Phòng, gió không dồn dập mà rít từng cơn. Rất ít mưa.

Bão Hải Yến ‘oanh tạc’ Quảng Ninh

Tại Quảng Ninh, đến 2 giờ ngày 11.11, bão Hải Yến tiếp tục mạnh lên với sức gió cấp 13, giật trên cấp 14, biển động dữ dội.

Sau hơn 1 giờ “quần thảo” tại Cô Tô và Vân Đồn với sức gió đạt cực đại, đến khoảng 3 giờ cùng ngày, bão số 14 có xu hướng suy giảm và gió đã đổi chiều. Sau đó, từ 3 giờ 30 phút đến khoảng 4 giờ ngày hôm nay,  bão số 14 đã lần lượt rời khỏi các huyện đảo Cô Tô và Vân Đồn.

Trao đổi với PV Thanh Niên Online lúc 4 giờ sáng nay 11.11, Phó chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, cho biết: “Sau khi bão vừa dứt, huyện đã chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương đi kiểm tra, rà soát và báo cáo tình hình chống bão trên địa bàn. Thông tin ban đầu cho biết, mặc dù đã neo đậu trong vùng tránh trú bão, nhưng do cường độ bão quá lớn, gió to, sóng mạnh, một số tàu đánh cá vẫn bị sóng đánh đứt neo, trôi dạt và bị đắm ở xa. Rất may, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã kịp thời đưa được số ngư dân ở lại trông tàu lên trên bờ. Số liệu cụ thể chúng tôi  sẽ nhanh chóng cho tổng hợp cụ thể.”

Còn ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện  Cô Tô thì vẫn còn chưa hết bàng hoàng vì cường độ gió khủng khiếp của bão Hải Yến. Ông Thành cho biết: “Toàn huyện có khoảng hơn 100 căn nhà bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, trong đó đáng chú ý là có 11 căn nhà bị tốc mái, chủ yếu thuộc xã Thanh Lân. Tuy nhiên, hệ thống cây xanh là điểm nhấn của khu du lịch Cô Tô cũng đã bị thiệt hại nặng nề, đặc biệt là tại xã Đồng Tiến”.

Trao đổi với Thanh Niên Online lúc 5 giờ sáng nay, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Theo báo cáo nhanh, tính đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa ghi nhận thiệt hại về người. Về các công trình nhà ở, toàn tỉnh có 56 nhà tạm và nhà cấp 4 bị tốc mái; 5 nhà cấp 4 bị đổ, đổ một cột ăng ten 52 m ở TP.Uông Bí, 1 nhà bè ở TP.Hạ Long bị chìm và hàng loạt cây xanh bị đổ gãy.

* Tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh), đến 5 giờ sáng nay 11.11, gió đã giảm, chỉ còn khoảng cấp 5, cấp 6.

Quảng Ninh: Cây đổ ngổn ngang, mất điện toàn thành phố
Cây xanh đổ ngổn ngang khắp đường phố Hạ Long - Ảnh: Thúy Hằng

Mưa ngớt, nhưng điện vẫn bị cắt toàn thành phố.

Khắp các đường phố, cây cối đổ ngổn ngang.

Tại ngã tư Mạo Khê (huyện Đông Triều), một cây cổ thụ đổ ngang đường, không có ai bị thương nhưng kéo theo rất nhiều dây điện bị kéo đứt. 

Quảng Ninh: Cây đổ ngổn ngang, mất điện toàn thành phố
Gió lớn phá vỡ một nhà điều hành tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy - Ảnh: Thúy Hằng


Tại đường Giếng Đáy, đường Cái Dăm, Cái Lân, cây xanh đổ ngổn ngang.

Nhiều nhà dân bị tốc mái tại khu vực phường Bãi Cháy. 

Quảng Ninh: Cây đổ ngổn ngang, mất điện toàn thành phố
Hàng trăm xe tải, xe khách vẫn phải chờ lệnh để qua cầu Bãi Cháy - Ảnh: Thúy Hằng

Hiện tại, cầu Bãi Cháy vẫn đang cấm phương tiện lưu thong; hai đầu cầu, xe tải, xe khách và container đỗ dài hàng trăm mét. Nhiều phương tiện đã phải đi vòng đường Hoành Bồ để sang phía Hòn Gai.


Video: Hạ Long tan tác sau bão Hải Yến

Tàu Trung Quốc bị hỏng máy thả trôi trong tâm bão

Vào lúc 2 giờ 45 phút ngày 11.11, Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho biết: tàu Fu Cheng 22, quốc tịch Trung Quốc đang chạy vào gần bờ tránh bão Hải Yến thì bị hỏng máy chính, hệ thống neo không hoạt động được, thời điểm báo nạn tàu đang thả trôi tại vị trí có tọa độ 20-36-56N 107-14-43E, cách vịnh Lan Hạ, TP.Hải Phòng khoảng 8,5 hải lý theo hướng Đông Nam từ đêm ngày 10.11.2013.

Sau khi tiếp nhận, hệ thống Đài TTDH Việt Nam đã thông báo ngay tới các đơn vị tìm kiếm cứu nạn khu vực và địa phương để triển khai các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển. Đồng thời, Hệ thống Đài TTDH Việt Nam kịp thời triển khai phát thông báo khẩn Thông tin Cấp cứu - Khẩn cấp - An toàn bằng các phương thức nghiệp vụ trên sóng vô tuyến và vệ tinh yêu cầu các phương tiện trợ giúp tàu bị nạn.

Hệ thống Đài TTDH Việt Nam tiếp tục theo dõi và thông tin trợ giúp tàu bị nạn để tránh ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão.

Trong khi đó, các khai thác viên Hệ thống Đài TTDH Việt Nam cho biết: Bão Hải Yến (bão số 14) đã vào Hải Phòng - Quảng Ninh với sức gió gần giống cơn bão số 8 (Sơn Tinh) năm ngoái. Hiện tại Hải Phòng gió đã giật cấp 10 - cấp 11. Trời đã mưa to, cây đã ngã đổ, mái tôn các nhà giật liên tục nhưng hệ thống thông tin liên lạc vẫn đảm bảo thông suốt 24/24 giờ… (Trần Trung)

Trước đó, đúng 22 giờ 45 phút ngày 10.11, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có mặt tại UBND quận Đồ Sơn (Hải Phòng) để thăm hỏi tình hình phòng chống lụt bão và cứu nạn của quận Đồ Sơn trước cơn bão Hải Yến (còn gọi là bão Haiyan, bão số 14).

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, đến thăm Đồ Sơn trước siêu bão 1

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải dự cuộc họp tại UBND quận Đồ Sơn

Phó thủ tướng yêu cầu quận Đồ Sơn theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 14, lường trước những diễn biến bất thường để kịp thời ứng phó nhanh nhạy, chính xác. Thường xuyên túc trực, lực lượng bộ đội, công an phải kết hợp với nhau để hỗ trợ người dân.

Phó thủ tướng nhấn mạnh, tất cả các đơn vị và đặc biệt là Bưu chính viễn thông phải rà soát lại toàn bộ các cột ăng ten phát sóng. Trong vòng 1 giờ đồng hồ phải cố gắng kiểm tra kịp thời tất cả các cột ăng ten trên địa bàn Đồ Sơn. Nếu phát hiện thấy cột ăng ten nào có nguy cơ đổ thì phải nhanh chóng sơ tán dân đến nơi an toàn.

Phó thủ tướng đánh giá cao việc Đồ Sơn làm tốt công tác chuẩn bị, công tác tuyên truyền, cảnh báo, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của cơn bão.

Theo dự báo vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng (11.11), bão sẽ đổ bộ vào Đồ Sơn.

Xuân Bùi - L.Q.Phổ - Thúy Hằng - Bích Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.