Sẽ có 'Thung lũng Silicon' tại Việt Nam

12/11/2013 03:35 GMT+7

Bộ Khoa học - Công nghệ vừa khởi động đề án thương mại hóa công nghệ. Theo đó, các bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo, các doanh nghiệp tiềm năng sẽ được hỗ trợ đầu tư để khởi nghiệp.

Phóng viên Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Quất (ảnh), Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp (DN) khoa học - công nghệ (KH-CN) - đơn vị chủ trì thực hiện đề án, về chủ trương này.

Đề án này có gì đặc biệt so với những cái đã có trước, thưa ông?

Nội dung cơ bản của đề án là xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, gọi vốn đầu tư để thành lập và phát triển DN KH-CN theo mô hình đã và đang áp dụng khá thành công ở Mỹ, đặc biệt ở Thung lũng Silicon.

Đầu tiên chúng tôi sẽ tham gia vào khâu hỗ trợ đào tạo, tư vấn và một phần hành lang về cơ chế chính sách. Còn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài triển khai một số đề án thí điểm để thấy được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ đem lại nguồn lợi cho tất cả mọi người, kể cả nhà đầu tư. Sau đó sẽ thuyết phục nhà nước có cơ chế chính sách, các quỹ của nhà nước đưa vào ươm tạo, đầu tư mạo hiểm cho DN khởi nghiệp.

DN phải đạt những tiêu chí nào được hỗ trợ khởi nghiệp? Khi tham gia, họ được hưởng lợi ích gì?

Có nhiều tiêu chí đặt ra đối với DN khởi nghiệp như khả năng ngoại ngữ, yêu cầu về sản phẩm, công nghệ, thị trường, mô hình kinh doanh, nhân lực. Tuy nhiên, có hai yếu tố cơ bản các DN khởi nghiệp cần có: thứ nhất là phải có ý tưởng kinh doanh tốt dựa trên công nghệ mới; thứ hai là phải có nhóm thành viên có năng lực tiếp cận thị trường, có khả năng xây dựng phương án, mô hình kinh doanh tốt.

Khi tham gia đề án, DN được hưởng nhiều lợi ích. Đầu tiên, họ được trang bị những kiến thức về kỹ năng xây dựng mô hình kinh doanh tốt. Thứ hai, được những người có kinh nghiệm chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm để lập mô hình kinh doanh phù hợp. Họ cũng có được sự trợ giúp của các chuyên gia trong và ngoài nước để tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là các quỹ đầu tư, thậm chí cả quỹ đầu tư mạo hiểm của nước ngoài. Khi DN tăng trưởng tốt, các quỹ này sẽ giới thiệu DN tiếp cận những thị trường đầu tư lớn như Mỹ hay các nước khác nơi họ có mạng lưới hoạt động.

Đầu tư dựa trên các sản phẩm sáng tạo

Vậy theo ông, các bạn trẻ có cơ hội gì từ đề án?

Các sinh viên, nhóm nghiên cứu trẻ hay bất kỳ ai đều có thể tham gia với những công nghệ không quá cao, không đòi hỏi phải qua thủ tục thẩm định chặt chẽ theo các tiêu chí áp dụng đối với DN công nghệ cao. Đối với những khu ươm tạo tập trung như các trung tâm ươm tạo tại các khu công nghệ cao, nhiều DN thuộc nhóm kể trên sẽ có ít cơ hội tiếp cận hơn do phải đáp ứng nhiều điều kiện như thẩm định sản phẩm, trình độ công nghệ, thị trường... Còn hình thức khởi nghiệp này dựa trên các sản phẩm sáng tạo, vì vậy những bạn trẻ có ý tưởng sáng tạo đều có cơ hội tham gia.

 Doanh nghiệp, nhà khoa học trẻ, sinh viên… là đối tượng được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ để khởi nghiệp - d
Doanh nghiệp, nhà khoa học trẻ, sinh viên… là đối tượng được quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ để
khởi nghiệp - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nếu chỉ kêu gọi đầu tư mạo hiểm mà không có vai trò của nhà nước thì liệu đề án có thành công không, thưa ông?

Đây là vấn đề sắp tới cần được tháo gỡ. Nhà nước cũng cần đầu tư mạo hiểm cùng các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước để các DN khởi nghiệp yên tâm và được hưởng thụ ngay phần vốn hỗ trợ đầu tiên (khi chỉ có ý tưởng), bởi các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân sẽ ngại ngần đề xuất những trường hợp mới chỉ có ý tưởng, chưa có thành phẩm.

Theo tôi, trước mắt, cần có chính sách khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, cổ vũ các nhà đầu tư "thiên thần" đầu tư cho những nhà khoa học có tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt các bạn trẻ có ý tưởng kinh doanh mới dựa trên công nghệ. Nhà nước cần có vai trò từ giai đoạn phát hiện, đào tạo, huấn luyện, đầu tư ươm hạt giống, chăm sóc và hỗ trợ DN khởi nghiệp.

Hiện nay, trong lĩnh vực KH-CN, nhà nước vẫn mới chỉ đầu tư theo các đề án, đề tài theo đề xuất của viện, trường, DN hoặc cơ quan nhà nước chứ chưa có một kênh đầu tư riêng theo cơ chế đặc biệt dành cho các bạn trẻ có hoài bão, quyết tâm và năng lực khởi nghiệp và phát triển DN dựa trên công nghệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm là gì ?

Theo Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân, Quỹ đầu tư mạo hiểm vận hành không phải bằng ngân sách nhà nước, mà chủ yếu nhờ đóng góp từ DN, tổ chức cá nhân.

Với những nghiên cứu dùng ngân sách nhà nước, nếu không thành các nhà khoa học đối mặt với thanh tra, kiểm toán, thậm chí là phải trả cho nhà nước những kinh phí đã chi tiêu. Còn Quỹ đầu tư mạo hiểm, chỉ cần nhà khoa học bàn giao sản phẩm đúng theo hợp đồng là mọi khoản chi tiêu từ quỹ sẽ được thanh toán tiện lợi dễ dàng. Hơn nữa quỹ chia sẻ rủi ro với hoạt động nghiên cứu, nên khi các nhà khoa học thất bại thì nhà đầu tư chịu chung thất bại và ngược lại. Trước mắt, quỹ đầu tư mạo hiểm và ứng dụng quy trình thủ tục sẽ được thí điểm cho những ý tưởng của các nhà khoa học, đặc biệt là ý tưởng mới, ý tưởng của các nhà khoa học trẻ.

Thu Hằng - Vũ Thơ

>> Đầu tư mạo hiểm vào hạ tầng cơ sở
>> Xây dựng “thung lũng silicon” tại Đà Nẵng
>> “Cặp đôi hoàn hảo” ở Thung lũng Silicon
>> Thung lũng Silicon của Ấn Độ
>> Về một người Việt thành công ở thung lũng Silicon
>> Gặp Bill Gates, nghĩ về những "thung lũng Silicon" của Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.