Tìm tiếng nói quốc tế cho phim Việt

10/11/2013 03:05 GMT+7

Trong khuôn khổ hoạt động điện ảnh Gặp gỡ mùa thu được tổ chức tại Đà Nẵng, chiều 8.11 diễn ra hội thảo giữa những nhà làm phim VN về vấn đề làm sao để điện ảnh Việt tìm được tiếng nói trên trường quốc tế.

Trong khuôn khổ hoạt động điện ảnh Gặp gỡ mùa thu được tổ chức tại Đà Nẵng, chiều 8.11 diễn ra hội thảo giữa những nhà làm phim VN về vấn đề làm sao để điện ảnh Việt tìm được tiếng nói trên trường quốc tế.

Tìm tiếng nói quốc tế cho phim Việt
Các đạo diễn tham gia hội thảo (từ trái sang): Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Trần Anh Hùng, Victor Vũ, Phan Đăng Di, Nguyễn Vinh Sơn - Ảnh: Nguyên Minh

Tham gia hội thảo gồm những đạo diễn có tác phẩm gây tiếng vang, từng đoạt những giải thưởng trong và ngoài nước như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Nguyễn Vinh Sơn, Victor Vũ… và đặc biệt là đạo diễn Trần Anh Hùng.

Đi thẳng vào trọng tâm câu chuyện, đạo diễn Phan Đăng Di đặt ra câu hỏi, muốn tìm tiếng nói cho điện ảnh VN, mỗi nhà làm phim phải hành động thực tiễn thế nào, để bên cạnh dòng phim đem lại nguồn doanh thu nhất định vẫn tồn tại những tác phẩm nghệ thuật đưa nền điện ảnh lên tầm thế giới, việc mà một số nước châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia đã thực hiện, hay mới đây nhất là trường hợp tác phẩm The Mising Picture của Campuchia vừa đoạt giải tại LHP Cannes. Bằng chính trải nghiệm của bản thân từ môi trường điện ảnh phát triển bậc nhất châu u là nước Pháp, đạo diễn Trần Anh Hùng rất dứt khoát: “Muốn vậy thì trước hết phải làm phim hay thôi. Mà muốn làm phim hay thì đạo diễn phải tìm ra ngôn ngữ điện ảnh và tạo nên thứ cảm xúc mới mẻ để hướng đến các LHP lớn. LHP lớn là con đường duy nhất để đưa một nền điện ảnh vươn mình. Quan trọng nữa là phải đào tạo ra khán giả xem phim. Tôi thích công việc của Bùi Thạc Chuyên, Phan Đăng Di là đào tạo ra lớp trẻ làm phim và xem phim. Bởi cứ thuận theo hoàn cảnh thế này, một lúc nào đó, chính những phim thị trường Mỹ sẽ đào tạo gu thưởng thức của người VN. Tại sao chúng ta không bắt đầu với một lớp học nho nhỏ, như Cinema Land?”.

 

Gặp gỡ mùa thu do Cinema Land và DNY Productions phối hợp tổ chức.

Cinema Land là trung tâm điện ảnh phi lợi nhuận, do đạo diễn Phan Đăng Di khởi xướng và đã đi vào hoạt động hơn một năm qua.

Không phải cái nào cũng nhượng bộ được

Xuyên suốt hội thảo, những nhà làm phim VN không quên nhắc qua tình hình ảm đạm của điện ảnh nước nhà từ đầu năm 2013 đến thời điểm hiện tại. Có thể nói, ngoại trừ m mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) là có doanh thu khả quan, hầu hết các phim còn lại đều lỗ nặng. Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cho biết, nếu như năm 2012 doanh thu phim nội tăng hơn 30% thì năm nay doanh thu đã bị tụt dốc thấy rõ. Cũng theo bà Bích Ngọc, nhiều năm nay sự phát triển của điện ảnh VN chủ yếu được đánh giá dựa trên thống kê tài chính. Biểu đồ lên xuống của doanh thu khiến các nhà làm phim không tránh khỏi lo lắng. Đạo diễn Victor Vũ, người có nhiều tác phẩm điện ảnh “thống trị” phòng vé, chia sẻ: “Bước vào một dự án tôi luôn cố gắng không để mình nghĩ về tài chính, vì mỗi nhà sản xuất mà tôi làm việc đưa ra nhiều yếu tố để phim ăn khách. Thật lòng, tôi vẫn cảm thấy áp lực. Các nhà làm phim đang đối đầu với kinh phí nên cách tổ chức sản xuất sẽ bị hạn chế”.

Quan sát diễn biến câu chuyện thấy số đông những nhà làm phim có mặt trong bàn tròn trên đều đồng ý rằng song song với việc tập trung vào doanh thu, điện ảnh VN cần phải chú tâm đến chuyện làm ra tác phẩm nghệ thuật xuất hiện ở các LHP quốc tế. Và đó là một vấn đề bức thiết. Đạo diễn Trăng nơi đáy giếng Nguyễn Vinh Sơn phát biểu thêm: “Càng tìm hiểu thị trường, càng theo sát, càng nhượng bộ. Không phải cái nào cũng nhượng bộ được. Khoảng cách giữa thương mại và nghệ thuật nước nào cũng có, nhưng ở nước mình nó lớn quá”.

Kết thúc hội thảo, các đạo diễn VN thống nhất với việc nền điện ảnh nước nhà phải giải quyết ba vấn đề trước mắt: Đào tạo khán giả xem phim, tạo mạng lưới liên kết đạo diễn và cuối cùng là yếu tố quốc tế thông qua các LHP lớn, hoặc chính VN phải suy nghĩ đến một LHP thu hút bạn bè nước ngoài.

Ngân Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.