Siêu bão Hải Yến - Người miền Trung: Đất nước đây, đồng bào đây

10/11/2013 08:45 GMT+7

(TNO) Siêu bão Hải Yến đang đi dọc biển miền Trung từ tối qua đến sáng nay 10.11, chưa biết khi nào ‘cô nàng’ chịu vào bờ, vào đâu và với 'thái độ nào'? Nhưng với những gì xảy ra, một lần nữa người miền Trung lại căng mình chống chọi với thiên tai như bao đời nay.

(TNO) Siêu bão Hải Yến đang đi dọc biển miền Trung từ tối qua đến sáng nay 10.11, chưa biết khi nào "cô nàng" chịu vào bờ, vào đâu và với ''thái độ nào''? Nhưng với những gì xảy ra, một lần nữa người miền Trung lại căng mình chống chọi với thiên tai như bao đời nay.

Siêu bão Hải Yến
Một cụ già ở Mỹ Thủy (xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị) được con cháu đưa đi trú bão bằng xe công nông

Người miền Trung vốn chịu khó, việc gì cũng nín thin, chăm chỉ mần, ít khi kêu ca. Nhưng nếu bạn ở đây, nếu bạn là họ ngay lúc này, bạn sẽ làm gì nếu không hét lên một tiếng giữa trời... tức tưởi cho số phận trớ trêu của hàng triệu người miền Trung nơi đây?

1. Chỉ tròm trèm 2 tháng, miền Trung đã lọt vào “tầm ngắm” của 4 cơn bão lớn nhỏ: bão số 8, số 10, số 11 và bây giờ là 14 (bão Hải Yến). Có cơn nhắm thẳng, có cơn chếch đi chút ít nhưng chúng đã thực sự đe dọa đến thần kinh của con người nơi đây.

Cái cảm giác nơm nớp lo sợ, ngóng tin bão từng phút xem nó có ập vào quê hương, vào nhà của mình hay không thực sự không mấy dễ chịu. Hình như lâu lắm rồi người dân ở đây mới khốn khổ dồn dập vì bão như vậy...

2. Siêu bão Hải Yến, là một cơn bão cực mạnh trong lịch sử nhân loại. Nó khủng khiếp đến độ dù chỉ mới tung hoành ngoài biển Đông mà đã có thể làm cho những người miền Trung tại chỗ, những đứa con đứa cháu ở xa bấn loạn, hồi hộp và thấp thỏm. Nó khiến hàng triệu người Việt Nam lắng lòng lại, dành một chút niềm tin, một chút cầu mong cho mọi thứ an lành.

 

Nhà chật nhưng tính tôi không chật. Hàng xóm họ chỉ đến ở nhiều nhất là một ngày một đêm thôi chứ có ở đời ở kiếp đâu mà khó khăn. Trước đây khi nhà chưa xây kiên cố, gia đình tôi cũng phải đi chạy bão đó thôi

Chị Đoàn Thị Thương, xã Triệu Lăng

Tại những xã miền biển của 2 huyện Hải Lăng và Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) mà phóng viên đi qua trong ngày 9.11, chỉ toàn những gương mặt buồn bã lo lắng. Dù thế, cuối cùng họ cũng phải gồng mình để chống bão, chạy bão, hay ngồi đan tay vào nhau, chờ đợi đương đầu với… Hải Yến.
 
Bão luôn có “mắt” (PV - mắt bão) nhưng lại không phân biệt được đâu là ai, đất nước nào, địa phương nào? Khi bão qua thì người miền Trung quê tôi lại thiệt hại nặng, lại phải ki cóp, tích lũy, xây dựng lại từ đầu. Cũng phải, bởi chỉ có người miền Trung, những người nghèo khó mới sống trong những ngôi nhà tạm bợ, quanh năm dãi dầu với bão lũ, có những người cha, người mẹ miền Trung lo cho con ăn học nên người mới “tiếc của” đội gió đội mưa mót mấy hạt lúa, bắt mấy con cá ngày bão lũ..., có khi phải đối mặt với họa nhân mạng.

3. Trước siêu bão, trước hiểm nguy, người ta thường kiếm tìm người thân, để đồng hành để vững tin. Dù là ai đi nữa chắc cũng sẽ vững tâm khi luôn có máu mủ kề cận bên mình. Vậy mới hiểu cái xót xa, cô đơn của những người mệ, người o miền Trung lẻ loi trước bão.

Bà Nguyễn Thị Lài (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, H.Hải Lăng) là một trong số đó. Chiều 9.11, bà Lài đến trú bão tại Đồn biên phòng Mỹ Thủy khá muộn, 2 tay nắm chặt 2 cháu nhỏ vừa đi vừa khóc. Gặng hỏi mãi, bà mới vỡ òa: “Mấy đứa con đi hái cà phê trên Hướng Hóa không về kịp, chỉ có mình tôi ở nhà với 2 cháu. Vừa sợ vừa lo. Đưa các cháu lên đây nhưng không biết ba mạ hắn trên tê ra răng”.

Bão hay có là gì đi nữa thì trong thực tâm chẳng ai muốn vứt cửa nhà sau lưng mà đi bao giờ và bao giờ thương nhất vẫn là người già và trẻ nhỏ.

Có đến những nơi tránh trú bão của người dân xã Hải Khê, Hải An (H.Hải Lăng) và Triệu Lăng (H.Triệu Phong) hay bất kể nơi nào trên dải đất cong uốn lượn này mới thấm điều đó.

Để đến được nơi an toàn, có những cụ già yếu đến nỗi phải nhờ con cháu đưa đi bằng xe công nông, khiêng cáng đủ kiểu. Ở đó có không hiếm những cụ già tóc trắng, da mồi nhưng cũng không ít cháu nhỏ chỉ vài tháng tuổi.

4. Nhưng, có điều rằng, trong những lúc khốn đốn như buổi chiều trước siêu bão Hải Yến, hay hàng chục cơn bão đã đổ lên mảnh đất này mới thấy tình người ấm lại.

Những tính toán chi li, những bon chen thường nhật nhường chỗ cho tấm lòng quảng đại, yêu thương. Ví như nhà chị Đoàn Thị Thương (55 tuổi, thôn 2, xã Triệu Lăng), dù chỉ rộng vài chục m2 nhưng cứ mỗi trận bão đến, gia đình lại đón chừng 20 người dân quanh xóm về trú ngụ. Trong số này có cả 2 em nhỏ bị tàn tật nặng, chỉ có thể nằm một chỗ tiểu tiện, đại tiện.

“Nhà chật nhưng tính tôi không chật. Hàng xóm họ chỉ đến ở nhiều nhất là một ngày một đêm thôi chứ có ở đời ở kiếp đâu mà khó khăn. Trước đây khi nhà chưa xây kiên cố, gia đình tôi cũng phải đi chạy bão đó thôi”, chị Thương nói.

Đâu có người dân phải “tự bơi” trước bão. Vạt áo xanh của bộ đội tràn ngập trên những miền biển miền Trung như nói lên tất cả. Giữa những cơn bão mạnh khủng khiếp đến đâu đi nữa thì vẫn còn đó là đất nước, đồng bào.

5. Cái cực khổ, nghèo khó của người dân miền Trung với thiên tai, với bão lũ e sẽ còn dài như lịch sử.

Lẽ đời “trời kêu ai nấy dạ”, có muốn ta cũng chẳng thể “vặn” hướng những cơn bão đi chỗ khác. Nhưng cứ mỗi khi sinh tử, nguy nan nhất, cũng là lúc hàng triệu triệu tấm lòng hướng về đấy, về miền Trung khúc ruột, cho yêu thương, san sẻ để nguôi ngoai bội phần cực khổ và niềm tin trường tồn!

Siêu bão Hải Yến
Bão sắp vào, chàng trai này thậm chí không kịp mặc áo để chở người cha già bị gãy chân vào trú bão trong đồn biên phòng Mỹ Thủy (xã Hải An, H.Hải Lăng, Quảng Trị)

Siêu bão Hải Yến - Người miền Trung: Đất nước đây, đồng bào đây
Trước bão, những nụ cười đã tắt và thay vào đó là muôn nỗi lo âu

Siêu bão Hải Yến - Người miền Trung: Đất nước đây, đồng bào đây
Lạc lõng cùng 2 cháu nhỏ trước bão, bà Nguyễn Thị Lài (thôn Mỹ Thủy, xã Hải An, H.Hải Lăng) bật khóc

Siêu bão Hải Yến
Dù còn bé nhưng em nhỏ này đã có “kinh nghiệm” vài ba lần đi chạy bão cũng ông bà, cha mẹ

Siêu bão Hải Yến
Bão sắp vào, chị Đoàn Thị Thương (55 tuổi, thôn 2, xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong, bìa trái) đã mở cửa đón hàng xóm vào nhà

Siêu bão Hải Yến
Hai em nhỏ tật nguyền đang trú bão tại nhà chị Thương

Siêu bão Hải Yến
Trước, trong và sau bão, người dân cần bàn tay của người lính xiết bao

Bài, ảnh: Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.