Vụ 10 năm thụ án oan giết người: Viện KSND tối cao thừa nhận có sai sót

06/11/2013 03:15 GMT+7

* Chủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân Liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu các cơ quan tố tụng T.Ư khẩn trương minh oan, khôi phục quyền lợi cho người bị oan, đồng thời làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tố tụng.

* Chủ tịch nước yêu cầu xử nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân

Liên quan đến vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có ý kiến yêu cầu các cơ quan tố tụng T.Ư khẩn trương minh oan, khôi phục quyền lợi cho người bị oan, đồng thời làm rõ sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tố tụng.

Đại diện Viện KSND tối cao trả lời câu hỏi của báo chí - Ảnh: Hoàng Trang
Đại diện Viện KSND tối cao trả lời câu hỏi của báo chí - Ảnh: Hoàng Trang 

>> Khẩn trương minh oan, đền bù cho ông Nguyễn Thanh Chấn

Trong văn bản của Văn phòng Chủ tịch nước gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao ngày 4.11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu lãnh đạo các cơ quan tố tụng T.Ư chỉ đạo giải quyết theo đúng quy định pháp luật: “Khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan; điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh người phạm tội và những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn; báo cáo Chủ tịch nước kết quả giải quyết”.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều qua, ông Đồng Văn Ích, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của TAND tối cao, cho biết Chánh án TAND tối cao đã quyết định đưa vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn ra Hội đồng thẩm phán xét xử tái thẩm vào chiều nay (6.11). Phiên xử này sẽ diễn ra trong một buổi, báo chí không được tham dự nhưng TAND tối cao sẽ có thông báo kết quả phiên xử.

Đơn kêu oan đi lòng vòng vì không đúng địa chỉ ?

Tại cuộc họp báo sáng 5.11, ông Nguyễn Việt Hùng, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Viện KSND tối cao, thừa nhận trong vụ án này đã có sai sót: “Chúng ta phải lấy đó là một điều để rút kinh nghiệm, làm sao lỗi này không xảy ra nữa. Đây là một bài học xác đáng không riêng chỉ với ngành kiểm sát mà đối với tất cả các cơ quan tố tụng....”.

Cũng theo ông Hùng, việc đền bù oan sai cho ông Chấn, trách nhiệm cơ quan tố tụng sẽ xử lý ra sao, có hay không việc bức cung nhục hình… sẽ được xem xét sau khi có bản án tái thẩm của TAND tối cao vào hôm nay (6.11).

Trả lời báo chí về việc vì sao phạm nhân Chấn kêu oan ngay từ khi bị bắt (2003), nhưng 10 năm sau mới được xem xét, bà Nguyễn Thị Yến - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - Viện KSND tối cao, cho biết sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực vào ngày 27.7.2004, Viện KSND tối cao nhận được đơn kêu oan của ông Chấn và đã cử cán bộ giải quyết, nhưng thời điểm này bản án phúc thẩm tiếp tục bị hủy để xem xét lại phần bồi thường dân sự của ông Chấn nên hồ sơ quay lại cấp sơ thẩm.

Đến năm 2006, khi có thông tin nghi phạm là người khác, trong trại giam, ông Chấn cũng gửi một số đơn kêu oan. Tuy nhiên, những đơn này không gửi đến Viện KSND tối cao hay TAND tối cao, trong khi đây là những nơi theo quy định của luật Tố tụng hình sự có thể xem xét lại bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

“Mãi sau này, đơn của ông Chấn mới được chuyển đến Viện cùng thời điểm ngày 5.7.2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện KNSD tối cao nên chúng tôi tổ chức xác minh. Chỉ trong vòng một tuần, Viện phối hợp với các cơ quan chức năng ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án với phạm nhân Chấn; ra kháng nghị tái thẩm bản án đã có hiệu lực pháp luật”, bà Yến cho biết.

Cục Điều tra sẽ làm rõ các sai sót trong tố tụng

Trả lời tại buổi họp báo, ông Vũ Đăng Khoa - Cục trưởng Cục Điều tra Viện KSND tối cao, cho biết sau khi nhận đơn kêu oan của vợ ông Chấn cho rằng thủ phạm là người khác, Cục đã thành lập 3 đoàn đi xác minh tại Bắc Giang để làm việc với gia đình ông Chấn và gia đình bị hại, đồng thời đi Gia Lai và Đắk Lắk để xác minh đối tượng Lý Nguyễn Chung.

“Chúng tôi phải mất 2 tháng để động viên đối tượng này đầu thú vì Chung liên tục thay đổi chỗ ở, sử dụng nhiều sim điện thoại để che giấu thân thế, thậm chí đã bỏ trốn sang tận Trung Quốc”, ông Khoa cho biết.

Cũng theo ông Vũ Đăng Khoa, ngày 25.10, Lý Nguyễn Chung đến đầu thú tại Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, lý do đầu thú là do đối tượng cho rằng thời điểm phạm tội đang ở độ tuổi vị thành niên (15 tuổi) nên được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Nghi phạm Lý Nguyễn Chung tại cơ quan điều tra
Nghi phạm Lý Nguyễn Chung tại cơ quan điều tra

“Sau cuộc họp sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cho Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra vụ án giết người, cướp tài sản. Đồng thời chúng tôi tiếp tục làm rõ mảng xâm phạm hoạt động tư pháp”, ông Khoa nói.

Cho đến nay, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã quyết định khởi tố vụ án hình sự “giết người” và “cướp tài sản” xảy ra tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; đã khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lý Nguyễn Chung; bắt khẩn cấp Lý Văn Chúc (63 tuổi, bố của Lý Nguyễn Chung) về hành vi đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành là nhân chứng của vụ án.

Trả lời báo chí chiều qua, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lý đảm bảo đúng pháp luật.

Kiên quyết không để oan sai cho người dân

Trong bộ luật Hình sự của chúng ta có nguyên tắc rất quan trọng, đó là kiên quyết không được để lọt tội phạm, nhưng cũng phải kiên quyết không để oan sai cho người dân, đảm bảo một chế độ pháp lý văn minh, công bằng, khách quan, đảm bảo quyền cơ bản của công dân như quy định của luật pháp. Theo quy định của pháp luật, nếu có trường hợp ép cung, cần có biện pháp ngăn chặn có hiệu quả để pháp luật được thực thi mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong trại giam. 

(Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc)

Thiên vị hay vô cảm ?

Trong tố tụng, nước nào cũng vậy, có sai sót nhưng sai sót này phải được đánh giá là sai sót nghiệp vụ do vô ý hay là sai sót do thiếu trách nhiệm, thậm chí là do tiêu cực, tham nhũng. Nếu do nghiệp vụ, nghĩa là trong thời điểm đó các cơ quan không đủ điều kiện cần thiết, khách quan để thu thập đủ chứng cứ, dẫn đến đánh giá sai thì phải rút kinh nghiệm để sửa, còn nếu trong vụ này (vụ việc ông Nguyễn Thanh Chấn) đã có chứng cứ rõ ràng, cung cấp cho cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án chứng minh ông Chấn có bằng chứng ngoại phạm, nhưng chứng cứ hiển nhiên đó lại bị bác bỏ thì phải làm rõ vì nguyên nhân gì: Do cố tình thiên vị hay vô cảm với quyền của bị can, bị cáo? Hay cố tình bảo vệ kết quả bức cung, hay thậm chí có tiêu cực, tham nhũng? Phải làm rõ để xử lý nghiêm khắc hơn.

(Luật sư Trương Trọng Nghĩa - ĐBQH TP.HCM)

Bảo Cầm
(ghi)

Tại sao kháng nghị tái thẩm chứ không phải giám đốc thẩm ?

Trả lời câu hỏi của báo chí, bà Nguyễn Thị Yến - Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự - Viện KSND tối cao, cho biết theo quy định tố tụng, giám đốc thẩm là thủ tục đặc biệt, chỉ xem xét khi bản án đã có hiệu lực pháp luật vi phạm pháp luật nghiêm trọng, còn tái thẩm là khi có tình tiết mới làm thay đổi toàn bộ bản chất của sự việc, của bản án. Trong vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn, tình tiết mới là việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú là tình tiết mới nên Viện KSND tối cao ra kháng nghị tái thẩm là đúng quy định pháp luật.

Diễn biến vụ án

- Ngày 15.8.2003, chị Nguyễn Thị Hoan bị giết hại tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, Bắc Giang.

- Ngày 17.8.2003, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang khởi tố vụ án giết người.

- Ngày 30.8.2003, Nguyễn Thanh Chấn, trú cùng thôn với nạn nhân, bị công an triệu tập.

- Ngày 29.9.2003, Nguyễn Thanh Chấn bị khởi tố bị can, tạm giam về tội giết người.

- Ngày 3.12.2003, công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án.

- Ngày 10.2.2004, Viện KSND tỉnh Bắc Giang ra cáo trạng truy tố Nguyễn Thanh Chấn về hành vi giết người có tính chất côn đồ.

- Ngày 26.3.2004, TAND tỉnh Bắc Giang tuyên Nguyễn Thanh Chấn phạm tội giết người, án tù chung thân.

- Ngày 26 - 27.7.2004, TAND tối cao tuyên y án sơ thẩm, bác kháng cáo kêu oan của bị cáo. Bản án phúc thẩm có hiệu lực.

- Ngày 5.7.2013, bà Nguyễn Thị Chiến (vợ Nguyễn Thanh Chấn) có đơn kêu oan gửi đến Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao, cho rằng thủ phạm giết người là Lý Nguyễn Chung.

- Ngày 25.10.2013, Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, khai nhận hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan để cướp tài sản.

Thái Sơn

>> 10 năm lặn lội minh oan cho chồng
>> Vụ được trả tự do sau 10 năm ngồi tù chung thân: Oan hay không, còn phải chờ
>> 10 năm thụ án oan giết người
>> Vụ được trả tự do sau 10 năm ngồi tù chung thân: Mấy đời cũng không hết tai tiếng
>> Trả tự do cho người tù chung thân đã ngồi tù 10 năm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.