Phải ‘rà’ cho được lợi ích nhóm trong chính sách

03/11/2013 02:48 GMT+7

Thảo luận tại tổ chiều qua về tình hình triển khai các luật, nghị quyết được QH thông qua, nhiều ĐBQH đã đặt vấn đề như vậy.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng hiện tượng “lobby”, tham nhũng trong ban hành chính sách khá phổ biến. Bà An dẫn chứng: Thông thường, khi cơ quan soạn thảo chuyển văn bản dự thảo để ủy ban nào đó của QH thẩm tra, các cơ quan trình nghĩ ra rất nhiều cách để “lobby”, không loại trừ cả việc mời các vị trong cơ quan thẩm tra đi nước ngoài tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm này kia, mặc dù có nơi đến chẳng giúp ích gì cho thẩm tra luật đó cả. Nếu các vị trong cơ quan thẩm tra chấp nhận, cơ quan trình sẽ lái bằng được các quy định theo mong muốn. Khi luật được thẩm tra, chỉnh lý trình ra QH, ĐB nhiều khi không đủ thời gian, không đủ am hiểu về lĩnh vực đó cũng sẽ bấm nút đồng ý thông qua.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhìn nhận các luật ban hành quy định thường chung chung, nội dung khó đều giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tạo kẽ hở cho lợi ích nhóm, chưa kể quá trình thực thi pháp luật, nhiều cá nhân tổ chức lợi dụng quy định chung chung của luật để hành dân, thu lợi cá nhân. “Ví như về cấp giấy phép, nhiều lĩnh vực chỉ quy định chung chung, dẫn tới những người thực thi công vụ đưa pháp luật vào cuộc sống lợi dụng kẽ hở pháp luật để yêu cầu thêm thủ tục hành dân, để dân phải chi tiền”, ông Quyền dẫn chứng.

“Lâu nay vẫn nghe cử tri, dư luận xã hội, báo chí nói có lợi ích nhóm, vậy lợi ích nhóm ở đâu, trong ban hành chính sách dưới luật có hay không, vấn đề xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, chính sách tiền tệ tín dụng ngân hàng, bảo hộ đầu tư, bảo hộ sản xuất… phải kiểm tra, rà soát có lợi ích nhóm không. Vậy thì trong quá trình phản biện dự luật, cơ quan thẩm tra phải rà và phản biện cho được tất cả yếu tố nguy cơ dẫn tới lợi ích nhóm về sau”, ông Quyền đề nghị.

Nhiều ĐB đề xuất phải có chế tài trách nhiệm xử lý những người đứng đầu các cơ quan, bộ ngành để nợ văn bản hướng dẫn, khiến cho luật không thể đi vào cuộc sống. Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo kể lại câu chuyện sau khi Chính phủ nêu rõ sẽ căn cứ vào kết quả ban hành văn bản hướng dẫn luật của các bộ ngành, việc tổ chức thực hiện đưa luật vào cuộc sống để đánh giá tín nhiệm các vị bộ trưởng, có cán bộ pháp chế một bộ “mách nhỏ” với ông, rằng trước đây cả năm bộ trưởng không thèm đến Vụ Pháp chế một lần, thì nay đã thường xuyên ghé thăm, xem là quan trọng số một. Từ câu chuyện này, ông Thảo kết luận: Phải có quy định rõ ràng về trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thì mới mong tạo chuyển biến được.

ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cũng đề nghị “tới đây khi trình luật, các bộ trưởng phải có cam kết về thời gian ban hành văn bản hướng dẫn”. Còn theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, vừa qua, luật chậm đi vào cuộc sống do chế độ trách nhiệm của ta không nghiêm minh, làm đúng hay không, đầy đủ hay thiếu, tích cực hay trễ nải… đều không có thưởng phạt nghiêm minh, dẫn tới làm cũng được, không cũng chẳng sao.

ĐB Bùi Thị An kiến nghị tới đây phải yêu cầu thực hiện nghiêm việc soạn thảo luật phải tham vấn ý kiến các đối tượng chịu tác động của luật; phải có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện độc lập về các quy định của dự thảo luật; đồng thời tạo một cơ chế chính sách để QH đủ tiền làm luật, bớt phụ thuộc vào các cơ quan trình, để ngăn ngừa tối đa lợi ích nhóm. “Thậm chí cơ quan thẩm tra có đi nước ngoài tham quan, học tập kinh nghiệm cũng không phải phụ thuộc vào cơ quan trình luật chi tiền, tạo cơ hội cho họ lobby”, bà An nói.

Bộ luật Hình sự nợ hơn 20 thông tư hướng dẫn

Tại tổ TP.HCM, ĐB Đỗ Văn Đương dẫn ví dụ, bộ luật Hình sự ban hành từ năm 1999, đến nay đã 15 năm nhưng vẫn còn nợ trên 20 thông tư hướng dẫn xử lý về rất nhiều tội, điển hình là các hành vi, tình tiết gây hiệu quả nghiêm trọng, rất lớn hay các tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng. “Năm nào báo cáo của Viện Kiểm sát, Tòa án cũng yêu cầu QH hướng dẫn, QH cũng đã giao cho các bộ, ngành nhưng các đơn vị này không làm”, ông Đương đơn cử.

ĐB Nguyễn Văn Minh góp ý thêm: luật Quảng cáo có hiệu lực từ 1.1.2013 nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định và thông tư hướng dẫn. “Trong luật ghi rõ sau 6 tháng, Bộ Xây dựng ra quy chuẩn kỹ thuật quảng cáo ngoài trời. Tôi chất vấn, Bộ trưởng nói tháng 3.2013 sẽ có, nhưng đến nay tháng 11 rồi mà không ai nói năng gì cả”, ông Minh phàn nàn.

Bảo Cầm - Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.