Tập huấn ứng xử cho CSGT

31/10/2013 02:00 GMT+7

Chiều 30.10, đợt tập huấn “ Văn hóa ứng xử , đạo đức tác phong của lực lượng CSGT” do Công an TP.HCM tổ chức đã kết thúc.

Tập huấn ứng xử cho CSGT
Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn đang “chỉnh” một nụ cười của CSGT - Ảnh: Đàm Huy

Trong quá trình tập huấn, Phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội VN, Trưởng bộ môn tâm lý học của Trường đại học Sư phạm TP.HCM) đã đưa ra nhiều tình huống “thiếu” nụ cười của CSGT; nhắc nhở CSGT chú ý đến khuôn mặt, ánh mắt, cử chỉ, cách xưng hô trong quá trình lập biên bản xử lý người vi phạm.

Theo ông Sơn, nụ cười của CSGT sẽ giúp CSGT trở nên thân thiện, gần gũi với người dân hơn. “Nếu chúng ta cười thì có 99% người đối diện sẽ cười lại; 1% còn lại không cười là do người đó có thể đang bị stress...”, ông Sơn nói và tư vấn kiểu cười phù hợp nhất cho CSGT khi giao tiếp với người dân, người vi phạm. “Sau khi lập biên bản xong, CSGT nên nở nụ cười với người vi phạm là hình ảnh đẹp. Không phải CSGT làm mặt nghiêm, lạnh lùng, nói tiếng lớn... là làm người dân sợ, mà CSGT thực thi đúng quy định pháp luật, xử lý “thấu tình đạt lý” mới khiến người dân tâm phục khẩu phục”, ông Sơn phân tích.

Ngoài ra, cách xưng hô cũng được nêu trong bài giảng. CGST không được xưng hô mày, tao, mi, tớ với người dân mà đặc biệt chú ý đến cách xưng hô tương ứng với tuổi tác của người giao tiếp. Bên cạnh đó, cách giao tiếp phi ngôn ngữ (dùng cử chỉ, ánh mắt, khuôn mặt... cũng cực kỳ quan trọng trong lúc tiếp xúc với người vi phạm) cũng được tập huấn cho GSGT trong đợt này.    

Theo thiếu tá Huỳnh Trung Phong, Phó phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, ngoài việc tổ chức về tập huấn văn hóa ứng xử, PC67 còn trang bị cho CSGT cuốn cẩm nang về cách xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra… để vận dụng phù hợp với từng tình huống cụ thể. Riêng về tình huống người vi phạm dùng lời lẽ xúc phạm, nhục mạ CSGT, ông Sơn cho rằng: "CSGT phải hết sức bình tĩnh, giao tiếp chuẩn mực đúng theo quy định, không nên tranh cãi tay đôi với người vi phạm. Khi mình làm đúng luật, hành vi chuẩn mực thì chắc chắn không ai làm phiền và không tôn trọng mình".

Làm bài kiểm tra đạt mới được thi hành công vụ

Theo thiếu tá Phong, sau đợt tập huấn này PC67 sẽ yêu cầu CSGT tham gia lớp tập huấn làm bài kiểm tra. “Bài kiểm tra sẽ trắc nghiệm kiến thức về các bài giảng của CSGT và CSGT cam kết thực hiện đúng quy định về văn hóa ứng xử. Nếu CSGT làm bài kiểm tra không đạt sẽ phải tập huấn lại mới được thi hành công vụ”, thiếu tá Phong cho biết.

Đàm Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.