Phát hiện hành tinh 'địa ngục' có khối lượng như trái đất

31/10/2013 11:16 GMT+7

(TNO) Một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời có khối lượng tương tự trái đất vừa được phát hiện, AFP dẫn lời các nhà thiên văn học chuyên săn lùng sự sống trong vũ trụ cho hay.

(TNO) Một hành tinh nằm ngoài hệ Mặt trời có khối lượng tương tự trái đất vừa được phát hiện, AFP dẫn lời các nhà thiên văn học chuyên săn lùng sự sống trong vũ trụ cho hay ngày 30.10.


Hình ảnh của NASA mô tả 'địa ngục' Kepler-78b nóng rực xoay quanh ngôi sao trung tâm Kepler-78 của nó - Ảnh: AFP

Hành tinh 'địa ngục' mang tên Kepler-78b không phải là một nơi thích hợp cho sự sống với nhiệt độ bề mặt của nó lên đến 2.000 độ C, tuy nhiên nó có điểm đặc biệt là khối lượng và tỷ trọng tương đương với hành tinh đang cưu mang chúng ta.

Trong hai báo cáo cùng đăng trên tạp chí Nature, hai nhóm thiên văn học làm việc độc lập đã đưa ra con số đo khối lượng Kepler-78b lần lượt là 1,69 lần so với trái đất và 1,86 lần.

Còn số đo tỷ trọng hai nhóm ghi nhận là 5,3 và 5,57 gram trên mỗi cm khối, gần với con số 5,5 của trái đất khiến các nhà thiên văn nhận định Kepler-78b có thể cấu thành cũng từ đá và sắt.

Kepler-78b, quay quanh ngôi sao trung tâm của nó là Kepler-78 chỉ mất 8,5 giờ cho mỗi chu kỳ, được xem là hành tinh giống trái đất nhất về khối lượng, tỷ trọng và bán kính từng được phát hiện cho đến nay.

"Sự tồn tại của nó là điềm tốt báo trước khám phá những hành tinh có thể cưu mang sự sống", Drake Deming thuộc khoa Thiên văn học của Đại học Maryland (Mỹ) viết trên Nature.

AFP cho biết, việc nghiên cứu các hành tinh ngoài hệ Mặt trời nhằm tìm kiếm những hành tinh giống trái đất có khả năng tồn tại sự sống, quay quanh ngôi sao giống mặt trời của chúng ta.

Hầu hết các hành tinh ban đầu được phát hiện đều là hành tinh khí nóng khổng lồ có quỹ đạo bay gần với ngôi sao trung tâm của chúng, cho đến khi kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), được phóng vào năm 2009, mang đến khám phá về hàng ngàn hành tinh đá và lạnh giá.

Kích cỡ của các hành tinh này được đo đạc bằng lượng ánh sáng bị chặn lại khi chúng bay ngang qua trước ngôi sao 'mẹ' của chúng. Và Kepler đã chỉ ra rằng những hành tinh kích cỡ như trái đất là 'có đầy' trong dải Ngân hà của chúng ta, chuyên gia Deming viết.

Tuy nhiên, việc xác định thành phần cấu tạo của một hành tinh là khó khăn hơn nhiều. Đối với trường hợp của Kepler-78b, việc hành tinh này có quỹ đạo bay khá gần với ngôi sao trung tâm đã giúp việc đo lường về khối lượng và tỷ trọng của nó được dễ dàng hơn.

Theo nhà khoa học Deming, mặc dù cơ hội tồn tại sự sống ở môi trường cực nóng của Kepler-78b là con số không, nhưng việc phát hiện ra nó là 'một dấu hiệu đáng khích lệ' trong sứ mệnh tìm kiếm sự sống ngoài hệ Mặt trời, nhất là có sự tồn tại của những hành tinh cấu tạo bởi đá và sắt giống như trái đất.

Được biết, vào tháng 1 qua, các nhà thiên văn học sử dụng kính viễn vọng Kepler cho biết dải Ngân hà chứa ít nhất 17 tỉ hành tinh có kích cỡ trái đất, và có thể còn nhiều hơn nữa.

Tiến Dũng

>> Dải Ngân hà chứa 17 tỉ hành tinh cỡ Trái đất
>> Phát hiện hệ mặt trời 7 hành tinh
>> Phát hiện hệ hành tinh nghiêng
>> Ứng viên hành tinh có quỹ đạo ngắn nhất
>> Phát hiện tiểu hành tinh 'khủng' gần Trái đất
>> Phát hiện hành tinh 'cô đơn' gần Trái đất
>> Hành tinh to gấp 2.500 lần Trái đất
>> Tiểu hành tinh 15 mét vừa bay sượt Trái đất
>> Dải Ngân hà nhẹ hơn vẫn tưởng
>> Dải Ngân hà đang "thai ngén" ngôi sao lớn nhất
>> Kích thước thực sự của Dải Ngân hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.